Vì sao Bỉ trở thành lãnh địa của khủng bố giữa lòng châu Âu?

23/03/2016 - 13:56

PNO - Thoạt nhìn, Bỉ bình yên, thơ mộng khó có thể trở thành lãnh địa của IS, nhưng thực chất Bỉ lại hội tụ đủ các yếu tố mà khủng bố cần.

Bỉ được ví như "trái tim châu Âu"

Đài VRT (Bỉ) chiều 22/3 cho biết ít nhất 34 người chết sau 2 vụ tấn công xảy ra ở Brussels, gồm 14 người chết tại ga đi của sân bay Zaventem và 20 người thiệt mạng ở nhà ga tàu điện ngầm Moelbeek.

Trong một tuyên bố phát đi trên kênh truyền thông của tổ chức này, IS nói rằng “những chiến binh của Nhà nước Hồi giáo đã thực hiện loạt tấn công trên bằng các dây đai thuốc nổ và bom.

IS nói chúng tấn công Bỉ vì nước này tham gia liên minh quốc tế chống lại Nhà nước Hồi giáo.

Vi sao Bi tro thanh lanh dia cua khung bo giua long chau Au?
IS đứng ra nhận trách nhiệm vụ khủng bố tại Bỉ hôm 22/3.

Trong nửa đầu thập niên qua, khi các cơ quan an ninh châu Âu phải vất vả để nhận biết mối đe dọa mới mà họ đang phải đối mặt và bom đã phát nổ ở Madrid, London, Bỉ vẫn "ung dung", bất chấp những bằng chứng cho thấy, mạng lưới cực đoan đã hiện diện tại nước này.

Ký ức về vụ tấn công khủng bố kinh hoàng nhất trong thập niên qua với Bỉ là vụ tấn công tháng 5/2014 vào Bảo tàng Do Thái ở Brussels, khiến 4 người chết. Nhưng đó là vụ tấn công mang động lực bài Do Thái hơn là chống người dân Bỉ. Nó được một kẻ Hồi giáo cực đoan sinh ra tại Pháp thực hiện.

Phải đến sau vụ khủng bố Paris tháng 11 năm ngoái, khi các nhà chức trách phát hiện ra rằng, các vụ tấn công này đã được lê kế hoạch thực hiện tại Bỉ và kẻ chủ mưu sinh sống tại nước này, chủ nghĩa khủng bố mới thực sự trở thành nỗi ám ảnh với người dân Bỉ.

Cả thế giới khi đó cũng mới biết nhiều đến cái tên Molenbeek, một vùng ngoại ô thủ đô Bỉ với 90.000 dân, trong đó hơn 80% là người Hồi giáo, được coi như "cái nôi" của chủ nghĩa khủng bố của nước này.

Tuy nhiên, nỗi đau khủng bố chỉ thực sự đậm sâu và rõ ràng hơn bao giờ hết với từng người dân Bỉ sau các vụ tấn công hôm nay - những vụ tấn công đã được cảnh báo trước. Bởi nó nhằm vào chính người dân Bỉ, đồng thời cũng nhằm vào cả thế giới.

Giờ đây, thủ đô Brussels vốn được coi là thành phố có vẻ đẹp cổ kính và nhộn nhịp nhất châu Âu. Có vị trí địa lý thuận lợi khi nằm chính giữa Tây Âu, vương quốc Bỉ chỉ có diện tích chỉ bằng 6% diện tích nước Pháp, nhưng lại có vị trí địa chính trị vô cùng quan trọng.

Bỉ được ví như "trái tim của châu Âu" với phía Bắc giáp Hà Lan, phía Đông giáp Đức và Luxemboug và phía Nam giáp ranh với Pháp. Nơi đây được đặt trụ sở của hàng loạt các tổ chức quốc tế quan trọng như Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu, hay Trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.

Vi sao Bi tro thanh lanh dia cua khung bo giua long chau Au?
Vẻ đẹp cổ kính của Bỉ.

Đặc biệt thủ đô Brussels dù chỉ có diện tích 162 km2 nhưng lại chỉ cách các thành phố lớn của của châu Âu như Paris, Amsterdam, Cologne, Strasbourg, Frankfurt, Berlin vài chục km.

Bằng hệ thống giao thông công cộng thuận lợi cũng như việc công dân EU không cần visa, bất cứ ai cũng có thể đi đến khắp các quốc gia châu Âu một cách nhanh chóng chỉ trong vòng vài giờ.

Với những điều kiện như vậy, không đâu ở trên thế giới này có thể giúp cho IS tồn tại và hoạt động dễ dàng hơn.

Nơi được chọn

Một điều cũng cho thấy Bỉ có khả năng cao trở thành lãnh địa của tổ chức khủng bố, trước đó, hơn một nửa nghi phạm vụ khủng bố Paris đẫm máu cùng với Salah Abdeslam - nghi phạm chủ mưu - đều là công dân Bỉ. Theo cảnh sát, mọi kế hoạch đều được Salah Abdeslam cùng với bạn bè của mình vạch ra trong một căn hộ ở thủ đô Brussels.

Hay hàng loạt âm mưu khủng bố từ đầu năm như vụ khủng bố trên tàu cao tốc Thalys tuyến Amsterdam-Paris hay vụ Charlie Hebdo cũng đều xuất phát từ nơi đây.

Cũng nhận định về việc này, Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Jan Jambon nói rằng lực lượng an ninh nước này đã hành động một cách toàn diện để chống lại các mối đe dọa khủng bố, tuy nhiên ông cũng thừa nhận ISIS vẫn đang ngang nhiên hoành hành bằng cách liên tục tuyển quân phục vụ kế hoạch khủng bố của nhóm này một cách ngang nhiên giữa Brussels.

Một nhà nghiên cứu ước tính, 562 công dân Bỉ đã tới chiến đấu ở Syria. Hầu hết những người này tham gia vào tổ chức IS, một số lựa chọn nhóm Jabhat al-Nusra, đồng minh của al-Qaeda.

Ngược lại, cũng đã có khoảng 100 công dân Bỉ đã trở về nhà từ các vùng lãnh thổ của IS, một số phần tử cực đoan trong số đó đã bị bắt nhưng điều đó chẳng làm cho những kẻ này e sợ.

Một xã hội "trong sáng" như quốc gia này sẽ là nơi ẩn nấp không thể an toàn hơn đối với những thành viên IS đang mưu đồ vươn vòi bạch tuộc ra khắp châu Âu.

Nam Nhân (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI