Vì sao bệnh nhân muốn bỏ điều trị?

13/02/2023 - 06:54

PNO - Nếu do hoàn cảnh khó khăn mà không thể điều trị bệnh, tốt nhất là người thân, bệnh nhân nên trao đổi với y, bác sĩ để được hỗ trợ.

Tôi còn nhớ, khoảng năm 2017, khi đang đi tác nghiệp thì gặp một cặp vợ chồng ôm theo con nhỏ năn nỉ bác sĩ ký giấy chuyển viện. Hỏi kỹ thì con trai họ bị chứng thận hư và cần nhập viện chữa trị. Và bác sĩ của bệnh viện đã giải thích rõ là bệnh viện có chữa căn bệnh này, nếu bệnh nhi điều trị tại đây sẽ được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả theo đúng tuyến. Do đó, nếu bác sĩ đặt bút ký giấy chuyển tuyến chứng tỏ bệnh viện điều trị không hiệu quả, còn không ký giấy thì gia đình bệnh nhân phải vượt tuyến và lúc bấy giờ BHYT không chi trả. 

Tính ra, số tiền chữa bệnh cho con khá lớn đối với đôi vợ chồng làm công nhân. Tôi thắc mắc tại sao họ lại nhất định từ chối chữa trị tại cơ sở y tế đúng tuyến? Người chồng cho hay, vì họ chưa thực sự tin vào khả năng của bác sĩ tại đây mà muốn lên tuyến trên để con “gặp đúng thầy” mới mong hết bệnh. Do hoàn cảnh kinh tế chưa dư dả nên mới mong được bác sĩ tuyến dưới chấp nhận là “vượt khả năng chuyên môn” để hưởng BHYT. 

Hay trường hợp bà Thoong Cun M. - ngụ huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai - bị biến chứng tiểu đường, cần chữa trị đợt cấp và sử dụng thuốc cho đến cuối đời khi bệnh ổn. Nhưng đang điều trị nửa chừng, bà M. lại xin bác sĩ cho về. “Về nhà, tôi uống nước lá vừa rẻ vừa biết đâu lại khỏi bệnh” - bà M. tâm sự. Nhưng khỏi bệnh đâu chưa thấy thì chỉ thời gian ngắn sau bà M. lại nhập viện cấp cứu. 

Hơn 1 năm trước, chị Trần Thị H.G. (sinh năm 1982, ngụ quận 5, TPHCM) bị phát hiện ung thư vú di căn xương và được tư vấn nhập viện điều trị tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM. Nhưng bệnh nhân từ chối chữa trị và tự điều trị bằng phương pháp dân gian tại nhà. Hậu quả, bệnh nhân đã dần bị liệt hoàn toàn. Chị G. chia sẻ: “Khi nghe mình mắc ung thư, tôi thực sự hoảng loạn. Gia đình không có thu nhập ổn định thì tiền đâu chữa bệnh nên tôi tìm thuốc lá uống với hy vọng mong manh bệnh sẽ thuyên giảm. Nhưng thực tế không như tôi nghĩ”.

Luật Khám, chữa bệnh đã quy định rõ người bệnh có quyền được từ chối chữa bệnh và ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Cụ thể, họ được từ chối xét nghiệm, sử dụng thuốc, áp dụng thủ thuật hoặc phương pháp điều trị nhưng phải cam kết tự chịu trách nhiệm bằng văn bản về việc từ chối của mình; được ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi chưa kết thúc điều trị nhưng phải cam kết tự chịu trách nhiệm bằng văn bản về việc ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trái với quy định của người hành nghề. Chỉ những người mắc các bệnh truyền nhiễm nhóm A và tâm thần thì không được từ chối khám, chữa bệnh. 

Như vậy, việc từ chối điều trị của người bệnh không có gì sai, nhưng trong nhiều trường hợp, bệnh nhân đã vô tình tước đi quyền được cứu sống của mình. Nếu do hoàn cảnh khó khăn mà không thể điều trị bệnh, tốt nhất là người thân, bệnh nhân nên trao đổi với y, bác sĩ để được hỗ trợ. Hiện nay, nhiều bệnh viện đã có phòng công tác xã hội, nơi có thể trợ giúp bệnh nhân tìm nguồn hỗ trợ viện phí. Bên cạnh đó, việc tin tưởng vào tay nghề của bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân yên tâm điều trị bệnh, mang lại hiệu quả cao nhất trong điều trị. 

Gia Huy

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI