Không cho chuyển viện!?
Trình bày với Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Vũ Tiến Dũng (ngụ P. Hiệp Thành, Q.12, TPHCM) cho biết ngày 12/9, mẹ ông là bà N.T.L. (47 tuổi) có hiện tượng khó thở nên gia đình đưa bà vào Bệnh viện (BV) Đa khoa Xuyên Á. Kết quả xét nghiệm PCR tại BV cho thấy bà L. dương tính với COVID-19 và nhập viện điều trị.
Hai ngày đầu bệnh nhân thở ô-xy, ăn uống, đi lại bình thường. Tối 14/9, bác sĩ thông báo kết quả X-quang phổi bà L. bị hiện tượng “cơn bão cytokines” tấn công, cần phải lọc máu 3 - 5 lần, mỗi lần 25 triệu đồng.
|
Người nhà bệnh nhân N.T.L. (đã tử vong vì COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á) đang trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM - Ảnh: Hoài An |
“Lọc máu được hai lần, đến ngày 19/9 bệnh tình của mẹ tôi ngày càng nặng hơn. Bà phải thở ô-xy qua mask dòng cao và không thể ngồi dậy được. BV nói chi phí thở ô-xy mask dòng cao là 2,5 triệu đồng/ngày, gia đình cần chuẩn bị tiền. Đến lần lọc máu thứ năm, bệnh tình của mẹ tôi không khá hơn. Nhận thấy BV không đủ thiết bị như máy ECMO để chữa trị cho bệnh nhân chuyển nặng, nên gia đình đề nghị cho mẹ tôi chuyển qua BV Dã chiến số 14, là nơi có đầy đủ thiết bị cần thiết cho tầng điều trị cao nhất đối với bệnh nhân COVID-19. Nhưng bác sĩ bảo, nếu có điều kiện thì cứ để ở đây điều trị theo phác đồ của BV, vì quá trình chuyển viện sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng người bệnh” - ông Dũng kể.
Nghe ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ, ông Dũng đồng ý để bà L. tiếp tục ở lại điều trị tại BV Đa khoa Xuyên Á. Viện phí vào thời điểm này đã hơn 400 triệu đồng với bảy lần lọc máu. Đến ngày 2/10, sức khỏe của bà L. trở nên nguy kịch, tụt SpO2, loạn mạch, phải đặt nội khí quản. Gia đình lại yêu cầu chuyển qua BV Dã chiến số 14, nhưng BV lại cản.
“Bác sĩ Vũ Lệ Anh, Trưởng khoa Nội thận, cho chúng tôi biết viện phí thêm bao nhiêu nữa thì không biết, còn cơ hội cứu sống mẹ tôi thì tùy vào cơ địa, nhưng rất thấp. Khi gia đình nói không còn khả năng chi trả viện phí nữa thì bác sĩ liền liên hệ cho mẹ tôi chuyển viện” - ông Dũng bức xúc.
Chuyển đến điều trị tại BV Dã chiến số 14 được 18 ngày thì bà L. tử vong. Ông Dũng cho rằng, mẹ ông đã bị để lỡ mất “thời gian vàng” trong điều trị vì chuyển viện quá muộn. Đáng buồn hơn, nếu như trong 18 ngày điều trị tại BV Dã chiến số 14 gia đình không tốn kém đồng nào thì số tiền phải trả trong 20 ngày nằm tại BV Đa khoa Xuyên Á là 413 triệu đồng!
Trường hợp khác, bà Huỳnh Thị Tuyết Anh (ngụ xã Bà Điểm, H.Hóc Môn, TPHCM) cũng bất bình về trường hợp cha mình là ông H.H.T. (57 tuổi) điều trị COVID-19 tại BV Đa khoa Xuyên Á. Rạng 5/9, ông T. nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu. Gia đình yêu cầu chuyển lên BV Chợ Rẫy, nhưng bác sĩ bảo tình hình bệnh nhân rất xấu và yêu cầu phải có bác sĩ BV Chợ Rẫy tiếp nhận thì mới cho chuyển viện.
“Qua ngày 6/9, bác sĩ cho biết tình trạng của ba tôi khả quan và hỏi người nhà có điều kiện để lọc máu cho bệnh nhân không. Bệnh nhân cần lọc máu ba lần, mỗi lần 25 triệu đồng. Đến lần lọc máu thứ hai ngày 8/9, bác sĩ cho hay ba tôi có kháng thể tốt và lại hỏi gia đình có điều kiện tiếp tục chữa trị không. Nếu không đủ điều kiện chữa trị, bác sĩ sẽ giảm thuốc lại. Chúng tôi đã khẳng định bằng mọi giá cứu sống ba tôi” - bà Tuyết Anh nói.
Tối 13/9, bác sĩ thông báo với người thân là ông T. đã mất. Theo bà Tuyết Anh, bệnh nhân hôn mê từ lúc nhập viện đến khi qua đời. Tổng số viện phí đã nộp cho BV là 164 triệu đồng.
Nguyên tắc “Nhà nước chi trả” đối với chi phí điều trị COVID-19
Với những diễn biến trên, có hai vấn đề mà thân nhân người bệnh muốn làm rõ. Thứ nhất, việc phân tầng điều trị COVID-19 cho BV Đa khoa Xuyên Á như thế nào? Vì sao đây không phải là tuyến cuối nhưng lại không cho bệnh nhân chuyển viện? Thứ hai, việc thu viện phí bệnh nhân COVID-19 căn cứ vào đâu, bởi theo quy định đây là bệnh truyền nhiễm nhóm A được điều trị hoàn toàn miễn phí?
|
Người nhà bệnh nhân H.H.T. (tử vong vì COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á) đang trình bày những thắc mắc với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM - Ảnh: Hoài An |
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Phú Định - Giám đốc chuyên môn BV Đa khoa Xuyên Á - cho biết, theo chỉ đạo của UBND TPHCM, cùng với hệ thống BV công, hệ thống cơ sở y tế tư nhân cũng vào cuộc tham gia chống dịch. BV được phân 125 giường điều trị COVID-19. Trong cao điểm của đợt dịch vừa qua, BV được phân tầng điều trị 2 - 3 trong mô hình 5 tầng chức năng điều trị COVID-19. Nếu bệnh nhân tại BV trở nặng, sẽ được chuyển đến tầng điều trị 4 - 5.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Phú Định, thời điểm dịch bùng phát mạnh, số ca COVID-19 nhập viện tăng cao, đỉnh điểm lên đến cả trăm ca trong ngày, việc chuyển viện rất khó khăn. “Có lúc BV đã báo lên cả Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), rồi cả Sở Y tế TPHCM, nhưng đều không tìm được nơi nhận bệnh vì các BV tuyến trên cũng quá tải. Thời điểm đó rất rối, số ca tử vong khá nhiều, BV lại không có máy ECMO. Chúng tôi khẳng định chưa bao giờ có chuyện bệnh nhân, thân nhân xin chuyển viện mà BV không chuyển” - vị bác sĩ này nói.
Cũng theo bác sĩ Định, sau ngày 1/10, theo chỉ đạo của Sở Y tế, BV Đa khoa Xuyên Á đã xin ngưng tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19. Hiện nay, bảo hiểm y tế chưa thanh toán cho các khoản điều trị bệnh COVID-19. Về vấn đề viện phí, bác sĩ Định nói: “Tôi phụ trách chuyên môn, vấn đề viện phí xin hỏi tổng giám đốc BV”.
Tại buổi trao đổi với bác sĩ Định vào ngày 27/10, chúng tôi đã nhờ chuyển nội dung cần hỏi đến ban lãnh đạo BV. Sau đó, chúng tôi cũng đã nhắn tin và nhiều lần gọi điện liên hệ với Tổng giám đốc BV Đa khoa Xuyên Á. Thế nhưng đã hơn hai tuần, chúng tôi vẫn không nhận được hồi âm.
Mới đây, bác sĩ Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM - đã có Công văn số 7968/SYT-KHTC chỉ đạo về việc chi phí chi trả cho các cơ sở y tế ngoài công lập tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 trong thời gian chờ hướng dẫn từ các bộ, ngành Trung ương. Theo đó, ông Tăng Chí Thượng tái khẳng định, các BV tư phải thực hiện theo nguyên tắc không thu tiền của người dân. Việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh đối với bệnh COVID-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 là do ngân sách nhà nước bảo đảm. Còn các chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị COVID-19 thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh.
Cụ thể, đối với chi phí điều trị bệnh COVID-19, trước mắt, ngân sách nhà nước thanh toán cho các cơ sở y tế ngoài công lập theo mức giá dịch vụ khám chữa bệnh được Bộ Y tế quy định tại Thông tư số 13/2019/TT-BYT, Thông tư 14/2019/TT-BYT ngày 5/7/2019. Đối với các nội dung chưa được kết cấu trong giá dịch vụ khám chữa bệnh nêu trên thì thanh toán theo chi phí thực tế phát sinh nhưng phải đảm bảo định mức chi và mức giá thanh toán tương đương với mức thực hiện của cơ sở y tế công lập. Phần chênh lệch giữa chi phí ngân sách nhà nước thanh toán và chi phí thực tế phát sinh trong điều trị bệnh COVID-19 tại các cơ sở y tế tư nhân thì cho phép tự cân đối thực hiện, bao gồm cả việc cho phép các cơ sở y tế thỏa thuận với bệnh nhân để bù đắp chi phí.
Trong trường hợp bệnh nhân cam kết tự nguyện chi trả toàn bộ chi phí điều trị, tức không sử dụng ngân sách nhà nước, Sở Y tế thành phố cho phép các cơ sở y tế tư nhân thực hiện cam kết để người bệnh tự trang trải chi phí.
Đối với chi phí liên quan đến điều trị bệnh COVID-19, ngân sách nhà nước chi trả phí cách ly y tế cho người bệnh với tiền ăn 80.000 đồng/người bệnh/ngày, chi phí sinh hoạt 40.000 đồng/người bệnh/ngày. Trường hợp người bệnh điều trị COVID-19 tại cơ sở y tế ngoài công lập tử vong, ngân sách chi trả các chi phí mai táng tương tự tại BV công lập theo chi phí thực tế phát sinh, nhưng không quá 17 triệu đồng/ca.
Hoài An - Quốc Ngọc