|
Bác sĩ Lê Thượng Vũ - Phó trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - đang thăm khám cho bệnh nhân bị ho, sốt kéo dài - Ảnh: Thanh Huyền |
Phổi tổn thương 3/4 mới phát hiện bị lao
Hầu hết bệnh nhân lao đến Bệnh viện Đại học y dược TPHCM khám vì xuất hiện các triệu chứng đường hô hấp kéo dài: ho, sốt, khó thở. Tuy nhiên, bệnh lao diễn tiến rất âm thầm, tới khi được phát hiện thì đã có dấu hiệu nhiễm bệnh từ 6 tháng đến 1 năm trước. Điều này dẫn tới hệ lụy nghiêm trọng như nguy cơ lây bệnh cho cộng đồng và việc điều trị cũng phức tạp bởi bệnh đã vào giai đoạn muộn.
Mới đây, bác sĩ Lê Thượng Vũ đã tiếp nhận bệnh nhân L.T.Q. - 50 tuổi, ngụ quận Gò Vấp. Ông Q. đi khám ho mạn tính, sụt cân. Tại thời điểm tiếp xúc, bác sĩ Vũ nhận thấy bệnh nhân sốt nhẹ. Ông Q. kể mình bị ho, sốt từ cách đây hơn 1 năm. Ban đầu, ngại bị lây COVID-19 nên ông trì hoãn không đi khám bệnh. Gần đây, tình trạng ho ngày một tăng nên bệnh nhân đã tới một phòng khám đa khoa để khám hậu COVID-19.
Kết quả chụp X-quang cho thấy phổi của ông Q. tổn thương nhẹ. Bệnh nhân về có uống thuốc nhưng những lần tái khám sau lại thấy tổn thương ở phổi ngày một nặng lên.
Lúc này, ông Q. tới khám chuyên khoa hô hấp tại Bệnh viện Đại học y dược TPHCM. Nghi ngờ người bệnh mắc lao, bác sĩ Vũ cho xét nghiệm đàm thì âm tính với vi khuẩn lao. Phổi bệnh nhân đang trong tình trạng rất nghiêm trọng, tổn thương tới 3/4. Nếu không tìm được nguyên nhân gây bệnh thì người bệnh có nguy cơ bị đe dọa tính mạng.
Bác sĩ tiếp tục chỉ định cho ông Q. làm sinh thiết nhu mô phổi thì xác định bệnh nhân mắc lao phổi. Bệnh lao của ông Q. phát hiện ở giai đoạn trễ nên nằm viện 1 tuần mà vẫn còn khó thở, hiện bệnh nhân có bớt sốt. Bác sĩ Vũ tiên lượng, dù bệnh nhân tuân thủ điều trị thì sau này hồi phục phổi vẫn không tránh khỏi các vết sẹo xơ, chai.
Ngoài ra, Khoa Hô hấp Bệnh viện Đại học y dược TPHCM còn ghi nhận nhiều trường hợp lao kháng thuốc (bệnh nhân lao kháng rifampicin, lao đa kháng…). Tuần trước, bác sĩ Vũ tiếp nhận ca lao đa kháng thuốc rất nặng. Đó là anh P.M.Đ. - 25 tuổi, tạm trú quận Tân Phú. Anh Đ. đến khám vì sốt, ho ra máu (ít), sụt cân. Bệnh nhân cho biết mình bắt đầu bị ho từ giữa năm 2022.
Sau khi làm các xét nghiệm, chụp chiếu cần thiết, anh Đ. được chẩn đoán mắc lao đa kháng thuốc. Anh Đ. đã từng uống thuốc điều trị lao nhưng bỏ ngang do ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Sau một thời gian nhập viện, tình trạng bệnh nhân ổn định hơn. Tuy nhiên, ngay trước ngày dự kiến xuất viện, anh Đ. ho ra máu ồ ạt, các bác sĩ phải cấp cứu bằng cách đặt nội khí quản trợ thở rồi chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.
Tại Khoa Hô hấp Bệnh viện Đại học y dược TPHCM, lượng bệnh nhân tới khám được phát hiện mắc lao phổi tăng khoảng 30% so với trước dịch COVID-19. Trong đó có các ca mắc lao mới và cả lao kháng thuốc. Riêng những trường hợp lao kháng thuốc tăng khoảng 5%. Hiện nay, mỗi tháng, riêng bác sĩ Vũ phát hiện và điều trị cho trên dưới 10 ca mắc lao.
Bỏ dở điều trị, sử dụng nhiều Corticoid
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Duy Cường - Phó trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Thống Nhất - sau dịch COVID-19 tới nay, các trường hợp tới khám được xác định mắc lao phổi tại đơn vị mình tăng trên 10%. Trong số đó, không ít ca có tiền sử mắc bệnh lao từ trước nhưng đã tự ngưng tái khám và điều trị.
Mọi người rất dễ nhầm lẫn triệu chứng của bệnh lao phổi với mắc COVID-19 hoặc cảm cúm bởi các dấu hiệu ban đầu đều là mệt mỏi, sốt, ho. Thậm chí, ở giai đoạn đầu của bệnh lao phổi, biểu hiện còn nhẹ hơn cả mắc COVID-19, người bệnh không sốt cao liên tục mà có khi chỉ sốt nhẹ kèm cảm giác ớn lạnh vào mỗi buổi chiều, nên rất dễ bị bỏ sót.
Tương tự, bác sĩ chuyên khoa 2 Đắc Minh Phong - Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cũng ghi nhận từ năm 2022 tới nay, số bệnh nhân được phát hiện mắc lao phổi tại đơn vị mình nhiều hơn. Hầu hết người bệnh đi khám do có các triệu chứng đường hô hấp và tưởng rằng bị tổn thương hậu COVID-19.
Theo bác sĩ Vũ, có nhiều nguyên nhân khiến số ca mắc lao sau dịch COVID-19 gia tăng. Thứ nhất, trong dịch, một bộ phận bệnh nhân nhiễm COVID-19 phải sử dụng nhiều thuốc chứa chất kháng viêm (corticoid). Dùng corticoid liều mạnh, thời gian lâu dài gây tác dụng phụ làm sức đề kháng của cơ thể bị giảm, từ đó dễ mắc các bệnh cơ hội hơn.
Tiếp đến, dịch bệnh làm người dân ngại đi khám chuyên khoa hô hấp khi có triệu chứng bất thường, tiếp cận y tế cũng khó khăn hơn nên lúc phát hiện ra thì bệnh đã ở giai đoạn nặng. Trong dịch COVID-19, không ít bệnh nhân lao bỏ điều trị giữa chừng, vì vậy các ca lao kháng thuốc cũng gia tăng.
Hiện nay, có vắc xin BCG tiêm phòng bệnh lao ở trẻ em. Tuy nhiên, vắc xin này chỉ có thể giúp người bệnh khi nhiễm lao thì nhẹ và dễ đáp ứng điều trị hơn chứ không thể bảo vệ khỏi mắc bệnh lao. Như vậy, giải pháp phòng, chống bệnh lao chỉ có 3 cách. Trước tiên, chúng ta không nên trì hoãn mà cần đi khám ngay nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường như ho, sốt, sụt cân. Việc khám sức khỏe định kỳ mỗi năm cũng giúp ích phát hiện sớm bệnh lao nếu có.
Tiếp đến, những gia đình có người thân đang điều trị hoặc từng bị bệnh lao thì nên tầm soát bằng cách chụp X-quang phổi mỗi năm. Cuối cùng, khi phát hiện ra bệnh lao, quan trọng nhất là tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Thời gian điều trị lao ngắn, dài tùy từng trường hợp. Trung bình, người bệnh cần dùng thuốc trong khoảng 6 tháng. Bệnh nhân không theo được hết quá trình điều trị dẫn tới bị lao kháng thuốc.
Nước ta dự kiến sẽ chấm dứt bệnh lao trong khoảng 5-10 năm nữa. Để tầm soát bệnh lao, tại tất cả cơ sở y tế từ trung ương tới tuyến phường xã đều có thể làm kỹ thuật kháng sinh đồ. 90% bệnh nhân lao ở thể nhẹ chỉ cần điều trị và theo dõi ở y tế tuyến cơ sở, chỉ những ca nặng gây suy hô hấp, kháng thuốc thì mới cần thiết điều trị ở bệnh viện tuyến trên.
Thanh Huyền