Bến mới vắng vẻ, xe "dù" nổi lên
Chiều tối 22/10, trên Quốc lộ 13 hướng từ trung tâm TPHCM ra ngã tư Bình Phước, nhiều hành khách vẫn thấp thỏm chờ xe về Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… Thỉnh thoảng lại có xe tấp vào lề đường. Cửa xe vừa mở là phụ xe nhảy xuống giục khách lên xe. Quốc lộ 13, từ lâu được mệnh danh là “lãnh địa” của “xe dù, bến cóc”. Từ ngày bến xe Miền Đông được dời một phần ra bến mới ở TP.Thủ Đức, tình trạng xe bắt khách “lụi” trên tuyến đường này càng phức tạp, đặc biệt là vào chiều tối, khi xe các tuyến đường dài xuất bến.
|
Bến xe Miền Đông mới được xây dựng hiện đại, quy mô lớn nhất nước nhưng sau 2 năm đi vào hoạt động vẫn chưa thu hút khách |
Anh Lê Ngọc Lành (32 tuổi, quê Quảng Ngãi) cho biết, từ nơi anh ở ra bến xe Miền Đông mới hơn 10km. Hôm đặt vé về quê, nhà xe hướng dẫn anh ra Quốc lộ 13 chờ, khi nào xe gần đến, phụ xe sẽ liên lạc. “Thấy cảnh thấp thỏm đợi xe, đón khách chộp giật thế này cũng ngán nhưng từ nhà ra bến xe mới xa quá nên đành chịu. Có khi tiền taxi đi ra bến xe còn đắt hơn tiền vé về quê” - anh Lành thật tình.
Được biết, từ ngày 11/10, đã có thêm 79 tuyến xe khách từ bến xe Miền Đông cũ dời về bến mới. Trước đó, năm 2020 đã có 29 tuyến dời về đây. Theo số liệu đăng ký, bến xe Miền Đông mới hiện có khoảng 500-600 đầu xe hoạt động. Nhưng thực tế là cả lượng xe và lượng khách đến bến mới còn khá ít, mặc dù đây là bến xe hiện đại và quy mô bậc nhất cả nước.
Trái ngược với trong bến, ở ngoài xe khách lại hoạt động khá tấp nập. Không chỉ trên Quốc lộ 13 mà tại khu vực bến xe Miền Đông cũ, nhiều nhà xe vẫn nấn ná hoạt động “chui”, ẩn mình trong các bãi giữ xe và biến nơi đây thành… bến.
Trong vai hành khách từ TPHCM đi Huế, chúng tôi liên hệ nhà xe T.M.P. thì được hướng dẫn mua vé trước rồi đến bãi xe ở địa chỉ 379 Đinh Bộ Lĩnh để lên xe. Tại bãi xe này, chúng tôi phát hiện có hàng chục chiếc xe khách đi các tỉnh miền Trung đang “ẩn mình”. Mặc dù chỉ là bãi giữ xe, nhưng ở đây diễn ra hoạt động đón trả khách và bốc dỡ hàng hóa chẳng khác gì một bến xe chính thức. “Họ hoạt động kiểu bến xe trá hình nên rất cảnh giác. Muốn vào phải có vé xe trình cho bảo vệ ở cổng. Bên ngoài họ đóng cửa im ỉm nhưng bên trong hoạt động rất tấp nập” - anh N.T.R. - tài xế đến bãi xe 379 Đinh Bộ Lĩnh lấy hàng - cho biết.
Hàng trăm xe khách bất ngờ "biến mất"
Không chỉ hoạt động kiểu “xe dù, bến cóc”, nhiều nhà xe còn mở các điểm đón khách trong nội thành hoặc chuyển từ bến xe Miền Đông cũ về các bến xe khác ở trong hoặc gần trung tâm thành phố thay vì phải ra bến mới. Khi phóng viên liên lạc với các nhà xe từ TPHCM về Quảng Ngãi như B.T., Đ.K., H.H… thì đều được hướng dẫn đến số 96 Nguyễn Thế Truyện (quận Tân Phú) để lên xe thay vì phải ra bến xe Miền Đông mới. Nhà xe H., tuyến TPHCM đi Phú Yên, gần đây cũng thông báo đón khách tại bến xe An Sương thay vì ở bến xe Miền Đông như trước đây.
|
Một bãi giữ xe trên đường Nguyễn Thế Truyện (quận Tân Phú, TPHCM) biến tướng, hoạt động như một bến xe, đón trả khách sai quy định - Ảnh: S.V |
Tổng công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn TNHH MTV (SAMCO) - chủ đầu tư bến xe Miền Đông mới - cho biết, ngay khi có thông tin về việc di dời giai đoạn 2 luồng tuyến vận tải hành khách từ bến xe Miền Đông cũ đến bến xe mới, một số đơn vị vận tải có liên quan đến việc di dời đã có xu hướng điều chuyển tuyến hoạt động sang các bến xe khác trong thành phố hoặc điều chỉnh hoạt động từ vận tải hành khách theo tuyến cố định sang hình thức vận chuyển hành khách theo hợp đồng để có thể vào trung tâm thành phố đón khách. Chỉ tính trong tháng 8/2022, các đơn vị vận tải đã thực hiện điều chuyển 28 tuyến đường với 86 chuyến/ngày đến hoạt động tại các bến xe khác trên địa bàn thành phố.
Điều khó hiểu là trong giai đoạn 1 và 2, đơn vị chức năng đã di dời 100 tuyến xe khách ra bến xe Miền Đông mới. Theo đăng ký, tại bến mới, hiện có khoảng 500-600 xe hoạt động. Nhưng đến hiện tại, mỗi ngày chỉ có trên 200 lượt xe vào bến với khoảng 2.600 hành khách. Hàng trăm xe còn lại đã “biến mất” một cách khó hiểu.
Cần gỡ vướng cho bến xe Miền Đông mới
Theo SAMCO, hiện nay, một trong những khó khăn mà bến xe Miền Đông mới đang gặp phải là có nhiều đơn vị sử dụng loại hình vận tải hành khách bằng xe hợp đồng để tổ chức hoạt động như tuyến cố định (bán vé, tổ chức đón khách, trả khách tại nhiều địa điểm trong thành phố).
Cùng với đó, việc phân luồng, phân tuyến tại các bến xe vẫn chưa được sắp xếp hợp lý để kết nối hiệu quả với hệ thống vận tải hành khách công cộng. Hệ quả là các xe chạy vào trung tâm thành phố đón trả khách, nhận trả hàng hóa, phát sinh “xe dù, bến cóc”, gây khó khăn cho các đơn vị vận tải hoạt động tại bến xe Miền Đông mới.
“Nếu đi từ Bình Chánh, Bình Tân ra bến xe Miền Đông mới sẽ tốn vài trăm ngàn đồng, thậm chí cả triệu đồng tiền taxi. Còn nếu kết nối bằng xe buýt thì nhiều người lại không có thói quen di chuyển bằng phương tiện này. Để thu hút khách, theo tôi giải pháp là các nhà xe hãy tổ chức thật tốt hệ thống xe trung chuyển từ nội thành đến bến mới. Từ từ, người dân sẽ quen dần với bến xe mới. Đặc biệt, nếu đẩy nhanh việc xây dựng metro thì việc kết nối sẽ càng dễ dàng hơn” - ông Phan Bảo Toàn chia sẻ. |
Ngoài ra, hợp đồng thuê đất tại bến xe Miền Đông mới được Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM xem xét từ năm 2018 đến nay nhưng chưa hoàn tất. Để nâng cao hiệu quả khai thác, SAMCO kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại bến xe mới, để đơn vị có đủ điều kiện mời các đối tác chuyên nghiệp cung cấp các dịch vụ tiện ích phục vụ khách và các đơn vị vận tải bên trong bến xe theo đúng quy định.
SAMCO cũng kiến nghị Sở Giao thông Vận tải TPHCM chưa xem xét việc đăng ký khai thác tuyến đối với các tuyến mở mới (có trong danh sách các tuyến di dời từ bến xe Miền Đông hiện hữu sang bến xe Miền Đông mới) chưa nằm trong danh mục mạng lưới tuyến đã được Bộ Giao thông Vận tải công bố. Sớm ban hành quy định cấm xe giường nằm và xe có sức chứa, kích thước tương đương vào khu vực trung tâm. Đồng thời, cơ quan chức năng cần xử lý triệt để tình trạng “xe dù, bến cóc” trong nội thành và xe hoạt động không đúng hành trình đăng ký.
Ông Phan Bảo Toàn - Giám đốc Công ty Vận tải Toàn Thắng - đánh giá, việc xe khách tìm mọi cách để vào trung tâm thành phố tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và khiến tình trạng kẹt xe ở nội đô phức tạp hơn. Ông Phan Bảo Toàn cũng cho rằng, người dân chưa mặn mà với bến xe Miền Đông mới là vì trong nội thành vẫn còn “xe dù, bến cóc” hoạt động. Người dân chỉ cần gọi điện đặt chỗ sẽ được nhà xe hướng dẫn đến các bãi xe hoặc hẹn điểm lên xe.
Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo gỡ vướng cho bến xe Miền Đông mới Văn phòng UBND TPHCM vừa thông báo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi liên quan đến kiến nghị của SAMCO. Theo đó, Chủ tịch UBND TPHCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM khẩn trương xem xét, giải quyết nội dung kiến nghị của SAMCO và báo cáo kết quả trước ngày 15/11. Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải cũng phối hợp với Công an TPHCM xem xét, giải quyết kiến nghị theo thẩm quyền, đúng quy định. Nếu vượt thẩm quyền thì tham mưu, đề xuất trình UBND TPHCM giải quyết kịp thời. |
Sơn Vinh