Vì sao bé trai dậy thì giọng lại giống con gái?

02/05/2022 - 07:07

PNO - Nhiều bé trai đã đến tuổi dậy thì, giọng nói biến đổi giống con gái khiến gia đình bối rối không biết cách chữa trị như thế nào.

Rụt rè, tự ti vì giọng như con gái

Dù đã dậy thì năm 12 tuổi nhưng tới nay, N.T.M. (15 tuổi, ngụ tại TP.Hà Nội) vẫn có tình trạng thay đổi giọng nói. Mỗi lần cất tiếng, chất giọng của cậu bé cao “eo éo” như nữ giới, kèm theo tình trạng hay mệt, hụt hơi. Mẹ của M. cho hay, thấy sự khác lạ, gia đình cũng ái ngại cho con đi khám rất nhiều nơi, thậm chí tham gia luyện thanh với giáo viên âm nhạc nhưng không đỡ... Bệnh có xu hướng ngày càng nặng. Dù ngoại hình nam tính, nhưng giọng nói như “cách cách” khiến M. vô cùng tự ti, luôn khép mình trước đám đông vì sợ mọi người cười chê. 

Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung, Khoa Tai mũi họng Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bệnh nhân được chuyển tới khoa sau khi khám chuyên khoa nội tiết, nhi để loại trừ bệnh lý rối loạn đặc tính sinh dục phụ. Sau khi khai thác kỹ bệnh sử, khám các cơ vùng cổ và khám bằng hệ thống nội soi hoạt nghiệm thanh quản, ghi âm giọng nói, phân tích chất thanh qua phần mềm, đánh giá giọng qua các thang cảm thụ... bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị rối loạn giọng cao sau tuổi dậy thì. 

 

 

Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung đang thăm khám cho một bé trai có dấu hiệu thay đổi giọng nói ở tuổi dậy thì

Điều đáng nói, đây không phải là trường hợp đầu tiên khám tại Khoa Tai mũi họng Bệnh viện Bạch Mai. Đơn vị này đã từng tiếp nhận một nam bệnh nhân 18 tuổi, là sinh viên đại học, cũng rơi vào tình trạng giọng cao như nữ giới. Khổ tâm bởi chất giọng “chẳng giống ai”, vốn là một người năng động, vui vẻ, nam sinh này hoàn toàn khép kín với thế giới bên ngoài, không dám trò chuyện, làm quen với bạn bè, giã từ mọi hoạt động ngoại khóa... Mỗi lần nói chuyện, mọi người xung quanh đều cười ồ và nhìn cậu bằng ánh mắt tò mò. Không ít người còn đặt câu hỏi về vấn đề giới tính, thậm chí bóng gió sau lưng khiến chàng trai không khỏi khổ tâm, bứt rứt. 

Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung chia sẻ, sau khi chẩn đoán bệnh, cả hai trường hợp trên đều được nghe giải thích về cơ chế phát âm và bệnh lý của mình: “Đầu tiên, các bệnh nhân được giải tỏa về vấn đề tâm lý, trút bỏ được hết những lo lắng, băn khoăn trước đây của mình. Đây cũng là động lực để họ tiếp tục kiên trì tiến hành các bài tập luyện giọng do bác sĩ hướng dẫn”.

Chỉ sau 3 - 5 lần tập luyện cùng bác sĩ và thực hành tại nhà, các bệnh nhân đều đạt được kết quả tốt, có giọng nói mạnh mẽ và nam tính như bạn bè đồng trang lứa. “Với trường hợp của M., hiện dù chưa kết thúc hoàn toàn liệu trình song đã đạt được kết quả lên tới 95%. Bệnh nhân thoải mái, cởi mở trong giao tiếp và thay đổi cả những thói quen về đi đứng để có thể thể hiện bản thân một cách tự tin nhất”, nữ bác sĩ chia sẻ.

Phát hiện muộn, bệnh theo suốt đời

Rối loạn giọng cao sau tuổi dậy thì là một bệnh thuộc nhóm rối loạn giọng chức năng kết hợp với căn nguyên tâm lý. Vào tuổi dậy thì, nồng độ testosteron ở nam tăng cao hơn nữ, làm cho dây thanh phát triển dài ra và dày hơn nên có giọng trầm xuống. Sự thay đổi giọng này kéo dài từ ba đến sáu tháng, sau đó ổn định và thành giọng đàn ông. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp đã qua tuổi vỡ giọng nhưng giọng nói vẫn chưa “chuẩn men”. Các trường hợp này có thể thanh, cao, rè, thường xuyên vót lên như nữ và đôi khi tắt ngấm không thành lời. Sự lỗi giọng này cũng xảy ra ở các trẻ nữ, khiến giọng các em trầm, khàn và gặp khó khăn khi hát những nốt cao… Tuy nhiên, quá trình diễn ra chậm hơn và không rõ ràng như ở nam giới.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn giọng tuổi dậy thì. Thông thường là do sự tác động của những yếu tố nội tiết hoặc một số em cố “níu kéo” giọng cũ của mình, từ đó làm mất khả năng chủ động, chính xác về cao độ của giọng. Ngoài ra, khi các trẻ nam sống trong gia đình có nhiều chị em gái hoặc thiếu hụt chất dinh dưỡng… đến tuổi dậy thì cũng dễ bị rối loạn giọng. Một số trường hợp rối loạn giọng còn có thể là do những bệnh lý về dây thanh như rãnh bẩm sinh ở thanh quản hoặc bệnh nhân mắc một số bệnh về nội tiết, sinh dục, thượng thận và tuyến yên...

Kết quả điều trị khả quan nếu phát hiện sớm

Theo phó giáo sư - tiến sĩ Lê Công Định, Trưởng khoa Tai mũi họng Bệnh viện Bạch Mai, phát hiện sớm sẽ có kết quả điều trị khả quan, tỷ lệ thành công rất cao. Phương pháp chủ yếu là tư vấn về tâm lý kết hợp với trị liệu giọng nói. Ngoài ra, nếu rối loạn giọng do rối loạn hoóc-môn sinh dục ở nam, bệnh nhân có thể đến khám tại các bệnh viện có chuyên ngành nam khoa, nội tiết, nhi khoa để làm xét nghiệm testosteron. Nếu nồng độ testosteron giảm, kết hợp với việc thiểu năng các đặc tính sinh dục phụ thứ phát, bệnh nhân sẽ được bổ sung hoóc-môn để cải thiện tình trạng bệnh. Song song đó là phối hợp với luyện giọng kiên trì theo hướng dẫn của các bác sĩ. 

Là căn bệnh còn khá lạ lẫm với nhiều người, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung nêu thực tế, không ít phụ huynh có con bị rối loạn giọng nhưng đi khám nhiều nơi vẫn không tìm ra được căn nguyên. Nhiều trường hợp còn nghe theo lời truyền miệng, điều trị sai cách, thậm chí chữa trị phản khoa học khiến bệnh không những không khỏi mà ngày càng nặng hơn. Một số khác lại cho rằng, sự lỗi giọng này là điều đến tự nhiên, không thể sửa chữa nên đành chấp nhận và sống trong vô vàn rào cản. 

“Đây là suy nghĩ sai lầm nghiêm trọng. Chúng tôi mong muốn, phụ huynh nếu thấy con có bất cứ biểu hiện nào khác thường kéo dài trên hai tuần về giọng nói như khàn tiếng, nói mệt, hụt hơi, giọng yếu… khác với chất giọng thông thường nên đưa con tới cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để thăm khám sớm. Rối loạn giọng nói tuổi dậy thì nếu phát hiện muộn sẽ điều trị rất khó khăn và có thể đi theo suốt cuộc đời của người bệnh”, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung nhấn mạnh. 

Đã cắt polyp sao vẫn tái phát khàn, rè?

Là giáo viên mầm non, thường xuyên giao tiếp với trẻ nhưng chị Nguyễn Thị Trọng (H.Ba Vì, TP.Hà Nội) luôn trong tình trạng nói hết hơi, giọng khàn đặc, đôi khi thều thào nghe không rõ tiếng. Chị được chẩn đoán mắc polyp dây thanh quản. Thời gian đầu, giọng nói của chị có tiến triển nhưng sau đó, tình trạng khàn, rè lại tái phát trở lại khiến chị càng phải cố nói to hơn để người nghe được rõ ràng. Tương tự, anh Phạm Sơn (Sơn Tây, Hà Nội) từng phẫu thuật polyp bởi tình trạng nói thều thào, khàn đặc diễn ra hàng chục năm. Sau phẫu thuật một thời gian, giọng nói “gặp lỗi” cũng quay trở lại khiến anh vô cùng băn khoăn: vì sao bệnh tái phát và liệu khi đã phẫu thuật rồi có thể tiếp tục điều trị được hay không?

Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung cho biết, polyp dây thanh quản là một tổn thương lành tính gây ra rối loạn giọng thực thể. Polyp có tỷ lệ tái phát nhất định, do đó, với các trường hợp tái phát khàn, rè… sau khi phẫu thuật, cần được nội soi hoạt nghiệm thanh quản, đánh giá lại vị trí trước phẫu thuật có ổn không, có để lại sẹo, xơ dính không hay tái phát. Nếu có polyp, các bác sĩ sẽ đánh giá kích thước, mức độ, ảnh hưởng đến sóng, phát âm của bệnh nhân ra sao rồi quyết định nên mổ hay dừng lại ở điều trị nội khoa. 

Một trong những nguyên nhân chính của việc tái phát, theo bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung, bệnh nhân có thể vẫn còn thói quen lạm dụng giọng sau phẫu thuật. Tại một số cơ sở, bệnh nhân chỉ uống thuốc, không được hướng dẫn phương pháp luyện giọng để cải thiện thói quen và nếp sống. Thông thường sau một tháng, các bác sĩ sẽ hẹn bệnh nhân tái khám, có bài tư vấn, luyện giọng để hạn chế tái phát như tập phát âm hiệu quả, massage các vùng cơ… Ngoài ra, bệnh nhân cũng phải từ bỏ một số thói quen không tốt như hút thuốc lá, thuốc lào…

Huyền Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI