Vì sao bạo hành trẻ em xử chỗ này, nảy chỗ kia?

10/09/2024 - 15:31

PNO - Một giáo viên, một bảo mẫu bị xử lý nghiêm khi bạo hành trẻ em là cần thiết. Nhưng xét cho cùng để xảy ra tình trạng này kéo dài, đâu phải trách nhiệm riêng của những bảo mẫu, giáo viên phạm lỗi kia.

Thử hình dung nếu một sáng thức dậy mở cổng nhà thấy một sinh linh bé nhỏ quấn tả nằm khóc oe oe trước nhà thì chúng ta sẽ làm sao? Mang về nuôi thì không thể, vậy gửi cho một cơ sở từ thiện nào đó có chức năng nuôi dạy trẻ là giải pháp tốt nhất.

Các mái ấm, nhà mở đón nhận trẻ mồ côi có lẽ cũng xuất phát từ tâm thiện lành của người chủ. Rồi dần dà số lượng tăng thêm do người ta đem trẻ mồ côi đến. Và rồi phải thuê thêm người, năng lực quản lý không thể tăng lên theo số trẻ, dẫn đến “lực bất tòng tâm”, rồi những hành vi tiêu cực xảy ra.

Lực lượng chức năng có mặt tại mái ấm Hoa Hồng - Ảnh: Minh Mẫn
Lực lượng chức năng kiểm tra mái ấm Hoa Hồng - Ảnh: Minh Mẫn

Lúc này chỉ là những đứa trẻ mồ côi thậm chí là sơ sinh chưa biết gì nhưng nhanh thôi hơn 10 nữa sẽ là những thanh thiếu niên. Hành vi của những thanh thiếu niên trong tương lai đó phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh được chăm sóc lúc này. Tốn công tốn sức hiện tại chắc chắn sẽ dễ dàng hơn việc xử lý những thanh niên hư hỏng, thậm chí trở thành tội phạm chỉ vì chúng đã được nuôi dưỡng dạy dỗ trong một môi trường đầy bạo lực.

Trong mỗi con người đều có thiện tâm. Cho nên không thể vì vụ xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng mà ngăn cấm việc lập cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Việc cần làm là giám sát, kiểm tra, tư vấn hỗ trợ để những cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồi côi thật sự là mái ấm cho những đứa bé mới sinh ra đã bị chính cha mẹ của mình từ bỏ.

Những người làm và chịu trách nhiệm với hành vi hung ác ở Mái ấm Hoa Hồng hay còn ở đâu đó cần phải bị lên án và trừng trị thích đáng theo pháp luật. Nhưng việc rất cần thiết là đừng để xảy ra những điều tương tự.

Gia đình phải thương yêu, quan tâm nhau. Cha mẹ có con cái ở tuổi thành niên càng phải quan tâm nhiều hơn, để kịp thời giáo dục giới tính, hướng dẫn các biện pháp tránh thai, thậm chí là giúp đỡ khi các con “lỡ dại”.

Nếu thật sự quan tâm chúng ta có thể phát hiện những dấu hiệu xấu để thông báo cho gia đình hay những người có trách nhiệm. Nhờ xã hội quan tâm mà đã phát hiện được những điều ác xảy ra, không chỉ tại Mái ấm Hoa Hồng mà nhiều nơi trước đây và có thể còn có trong tương lai.

Nhà nước cần quan tâm hơn đến việc thành lập và điều hành các cơ sở xã hội để tiếp nhận trẻ không ai nuôi dưỡng. Một khi đã cấp phép cho bất kỳ cơ sở nào hoạt động thì phải đảm bảo cơ sở đó đủ điều kiện vật chất, bảo mẫu phải được đào tạo, tập huấn. Có giải pháp giám sát, tái kiểm tra thường xuyên đảm bảo các em được nuôi dạy tốt, an toàn.

Một điểm đáng chú ý là bạo hành trẻ mầm non dã man thường xảy ra nhiều ở các nhóm, lớp mầm non tư thục. Người bạo hành trẻ là giáo viên, bảo mẫu được hợp đồng ngắn hạn. Có người chưa qua đào tạo. Trong con số thiếu hàng chục ngàn giáo viên cả nước, thiếu nhiều nhất là ở bậc mầm non. Lương thấp, áp lực cao, chế độ đãi ngộ không thỏa đáng là lý do chính dẫn tới tình trạng này. Trong khi các trường, lớp mầm non thiếu giáo viên thì đội ngũ bảo mẫu chăm sóc trẻ trong trường mầm non cũng thiếu vì không có nguồn tuyển qua đào tạo, không có quy định về vị trí việc làm đối với bảo mẫu trong hệ thống giáo dục.

Tôi đi nước ngoài nhìn thấy bậc mầm non được coi trọng hơn cả các bậc học khác. Không chỉ người lao động được hưởng đãi ngộ tốt mà họ cũng phải chấp hành nhiều quy định nghiêm ngặt liên quan tới an toàn của trẻ em.

Chuyện các cháu bé ở Mái ấm Hoa Hồng bị bạo hành dã man là nỗi đau mới nhưng chẳng mấy lúc nó sẽ trở thành nỗi đau cũ. Người ta sẽ tạm quên nếu như không có nỗi đau mới kế tiếp.

Một giáo viên, một bảo mẫu bị đưa ra chỉ trích, xét xử. Xã hội thường yên tâm khi có ai đó chịu tội. Nhưng xét cho cùng để xảy ra tình trạng này kéo dài, đâu phải trách nhiệm riêng của những bảo mẫu, giáo viên phạm lỗi kia.

Nguyễn Thu Đăng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI