Vì sao bà Phan Thị Mỹ Thanh được thôi nhiệm vụ chứ không phải bãi nhiệm?

19/05/2018 - 11:29

PNO - Mặc dù có nhiều vi phạm nghiêm trọng nhưng vì sao bà Phan Thị Mỹ Thanh không bị bãi nhiệm tư cách ĐBQH mà lại được chấp thuận cho thôi nhiệm vụ? Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc đã trả lời về vấn đề này.

Sáng nay, ngày 19/5, tại buổi họp báo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 5,Quốc hội khóa XIV, ông Lê Bộ Lĩnh – Phó Tổng thư ký Quốc hội cho biết, đây sẽ là kỳ họp ngắn nhất của Quốc hội. Theo đó, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 20 ngày, từ 21/5 - 15/6/2018.

Vi sao ba Phan Thi My Thanh duoc thoi nhiem vu chu khong phai bai nhiem?
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV sẽ chính thức khai mạc vào ngày 21/5 tới

Tại kỳ họp lần này, thời gian dành cho công tác xây dựng pháp luật là 12 ngày, chiếm tỷ lệ 60% tổng thời gian của kỳ họp. Quốc hội sẽ xem xét, thông qua các Luật gồm: Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật An ninh mạng; Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng thảo luận, cho ý kiến một số luật như Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt…

Tại Họp báo, cơ quan báo chí đặt câu hỏi về việc, tại sao Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bà Phan Thị Mỹ Thanh (ĐBQH tỉnh Đồng Nai) thôi nhiệm vụ ĐBQH mà không phải là trình Quốc hội bãi nhiệm như các ĐBQH khác bị kỷ luật vì vi phạm.

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quộc hội cho biết, ngày 4/5/2018,bà Thanh đã làm đơn xin thôi làm Đại biểu Quốc Hội, Quốc hội đã có báo cáo với Ban Bí thư Trung ương. Ban Bí thư sau khi cân nhắc nhiều mặt đã đồng ý với đơn của bà Thanh cho thôi làm Đại biểu Quốc hội.

Vi sao ba Phan Thi My Thanh duoc thoi nhiem vu chu khong phai bai nhiem?
Tổng Thư ký Văn phòng Quốc hội khẳng định không có ưu ái trong quyết định cho thôi nhiệm vụ ĐBQH với bà Phan Thị Mỹ Thanh

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc cho bà Phan Thị Mỹ Thanh thôi nhiệm vụ ĐBQH cũng được Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai và Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đồng thuận, nhất trí.

“Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 này vào ngày 21/5, chúng tôi sẽ có báo cáo tới các ĐBQH về việc cho thôi nhiệm vụ ĐBQH đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh. Điều này là đúng quy định pháp luật” – ông Phúc cho hay.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, không chỉ riêng bà Phan Thị Mỹ Thanh mà đã có một số ĐBQH khác cũng bị kỷ luật vì có vi phạm, sau đó bị bãi nhiệm ĐBQH. Vậy việc cho bà Phan Thị Mỹ Thanh thôi nhiệm vụ có phải là sự ưu ái? Về vấn đề này, ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, không hề có “vùng cấm” trong công tác nhân sự. Tất cả đều chấp hành theo sự chỉ đạo của cơ quan quản lý cán bộ. Các trường hợp xử lý đều rất nghiêm túc và đảm bảo yêu cầu của pháp luật.

Từ đầu Quốc hội khóa XIV đến nay đã có nhiều ĐBQH bị bãi miễn, cho thôi nhiệm vụ do vi phạm mà những vi phạm này đều diễn ra từ những nhiệm kỳ trước. Câu hỏi đặt ra là phải chăng cần rút ra bài học trong việc giới thiệu nhân sự ứng cử ĐBQH? Liên quan tới vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thừa nhận, đây là điều không mong muốn nhưng đúng là phải rút kinh nghiệm rất sâu sắc.

“Trong nhiệm kỳ tới đây liên quan đến công tác giới thiệu ứng cử, kiểm tra, thẩm tra hồ sơ nhân sự ứng cử ĐBQH phải làm chặt chẽ, sâu sắc hơn nữa và phải ngay từ cơ sở, bởi rất nhiều trường hợp cơ sở giới thiệu lên”, Tổng thư ký Quốc hội khẳng định.

Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI