Vì sao anh ế vợ?

30/07/2024 - 12:12

PNO - Anh không tìm người sống chung, chia sẻ những vui buồn. Anh và gia đình anh chỉ tìm một “ô sin” với mong muốn được chăm sóc, phục dịch.

- Cô H., cô H.!

Tôi quay lại, thì ra là Hoàng. Tôi về hưu và nghỉ dạy ở trung tâm luyện thi đại học đã 20 năm. Hôm nay gặp lại, tóc Hoàng đã ngả màu muối tiêu. Tôi hỏi được mấy cháu rồi, Hoàng cười giả lả:

- Em chưa vợ.

Tôi và Hoàng cùng làm tại một trung tâm luyện thi đại học. Hoàng dạy toán, tôi dạy Anh văn. Hoàng nhỏ hơn tôi cả con giáp. Lúc tôi gần về hưu, Hoàng đã ngoài 40 nhưng chưa vợ và là con một, sống cùng bố trong tòa nhà 3 tầng.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Gia đình khá giả, tính tình hiền lành, ngoài dạy tại trung tâm, Hoàng còn là giáo viên một trường nội thành. Bạn bè ngạc nhiên là điều kiện của Hoàng không tệ, vậy tại sao lại… ế vợ? Tôi ít nghe ai ế vợ, có lẽ vì trong mối quan hệ yêu đương, đàn ông thường ở thế chủ động hơn và có nhiều lợi thế hơn. Tuy nhiên, ở trường hợp của Hoàng, tôi chẳng ngạc nhiên khi nghe bạn nói chưa vợ.

Khi Hoàng ngoài 40, tôi có ý định làm mai anh Hoàng cho cháu gái tôi - một cô gái xinh xắn 29 tuổi. Đang phân vân chưa biết bắt đầu ra sao thì trung tâm chúng tôi dạy có tổ chức chuyến du lịch cho nhân viên. Khi ấy, mẹ Hoàng mới mất vài năm, Hoàng đưa bố đi cùng. Bố Hoàng là một người đàn ông ngoài 60 tuổi. Bố con Hoàng rất hòa đồng, vui vẻ.

Buổi chiều trước khi chia tay về lại thành phố, chúng tôi tổ chức bữa tiệc nhỏ. Ai cũng gửi cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Mọi người chúc Hoàng sớm tìm được một nửa. Bỗng bố Hoàng lên tiếng: “Tôi nói con trai chỉ nên tìm người vợ thuộc giới lao động. Như thế nó mới hầu bố con chúng tôi được chu đáo, chứ lấy vợ trí thức, cả ngày nó đi làm thì có mà chúng tôi hầu nó…”.

Sau đó, 2 bố con say sưa nói về hình mẫu con dâu mà họ mong đợi sẽ là một phụ nữ sáng sớm dậy lo bữa điểm tâm cho họ, sau đó tất bật ra chợ buôn bán; buổi trưa, buổi chiều hối hả về nhà nấu cơm, làm việc nhà. Họ thích người buôn bán ở chợ vì vừa làm ra đồng tiền, vừa có thời gian cơm nước, giặt giũ, chăm sóc chồng và gia đình chồng.

Tất cả chúng tôi nghe xong đều choáng váng, không biết nói gì hơn. Tôi bỏ ngay ý định làm mai Hoàng cho cháu gái tôi. Cũng từ đó chẳng ai muốn ghép đôi Hoàng với bất cứ cô giáo trẻ nào mới đến dạy ở trung tâm. Tôi nghỉ hưu 20 năm, Hoàng cũng đã gần đến tuổi hưu, còn bố bạn đã ngoài 80 nhưng vẫn chưa tìm được ai về “hầu” 2 bố con.

Muốn thay đổi suy nghĩ của một người không dễ. Với Hoàng, điều này càng khó hơn khi bị ảnh hưởng tính gia trưởng từ bố. Theo lời Hoàng kể, phụ nữ buôn bán ở chợ lại không hợp vì đôi bên khó hiểu nhau. Với đồng nghiệp giáo viên thì Hoàng sợ họ chỉ “giỏi việc nước”, chứ việc nhà khó chu toàn. Thêm nữa, Hoàng cũng lo phụ nữ trí thức luôn đề cao 2 từ “bình đẳng”, nhất là chuyện chia sẻ việc nhà, trách nhiệm nuôi dạy con…

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Toan tính quá nhiều, chọn người này thì sợ, chọn người kia thì ngại. Cái vòng luẩn quẩn đó khiến Hoàng, dù là người đàn ông thành đạt trong sự nghiệp, nhưng hoàn toàn thất bại khi tìm một nửa để gắn kết và xây dựng gia đình.

Nguyên nhân thất bại của Hoàng là do bạn không thật lòng muốn cưới vợ, không phải tìm người sống chung, chia sẻ những vui buồn. Hoàng và gia đình anh chỉ tìm một “ô sin” với mong muốn được chăm sóc, phục dịch; nhưng lại không muốn trả lương mà còn yêu cầu “ô sin” biết làm ra tiền. Và với người tham lam, toan tính thì chuyện… ế lâu bền là hoàn toàn dễ hiểu.

Nguyễn Ngọc Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI