Vì sao 26 cơ sở ghép tạng hoạt động chưa hiệu quả?

05/04/2024 - 12:38

PNO - PGS Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người nêu ra nguyên nhân vì sao 26 cơ sở ghép tạng hoạt động chưa hiệu quả.

Ca ghép tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, ảnh BVCC
Ca ghép tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Nguồn tạng hiến từ người cho chết não còn thấp

Ngày 5/4, tại hội nghị phát triển “Mạng lưới tư vấn viên vận động hiến tặng mô, tạng” khu vực phía Nam và trao quyết định thành lập Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại Bệnh viện Chợ Rẫy; PGS Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - cho biết, từ năm 1992, Việt Nam đã thực hiện ghép thận từ người sống, năm 2010 ghép thành công tạng từ người chết não. Đến nay, nước ta đã có hơn 7.800 người được ghép thận, tạng. Đa số được ghép bởi người cho sống, chỉ có 0,15% ca chết não hiến tạng.

Ở châu Âu, Bắc Mỹ, tỉ lệ người chết não hiến tạng lên đến 50-60%. Còn các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc... cũng có số lượng ca chết não hiến tạng cao hơn Việt Nam. Như ở Thái Lan, trong năm 2022 có 700 ca ghép, thì đến 547 ca ghép thận từ người cho chết não. Ở Trung Quốc có 10.187 ca ghép thận, trong đó có 5.304 ca ghép gan từ người chết não, tim.

“Số người đăng ký hiến tạng tại nước ta khá thấp, đến nay khoảng 80.000 người, tạng hiến chủ yếu từ người sống. Việt Nam chưa có luật hiến tạng từ người chết tim. Rất nhiều bệnh nhân chờ ghép tim, phổi đã qua đời vì thiếu nguồn tạng. Đây là một trong những nguyên nhân mà 26 cơ sở ghép tạng hiện có trong nước hoạt động chưa đồng nhất, và chưa thực sự hiệu quả" - PGS Đồng Văn Hệ cho biết.

Ông cũng chỉ ra 10 “chìa khóa”, trong đó 7 yếu tố liên quan đến bệnh viện như cần có tổ tư vấn chuyên nghiệp, đào tạo liên tục, văn hóa hiến, kế hoạch, tăng cường nguồn hiến, sự ủng hộ của lãnh đạo, mạng lưới các bệnh viện và 3 yếu tố là hệ thống các luật liên quan đến hiến ghép tạng, quản lý thông tin, trung tâm điều phối cần làm tốt để phát triển nguồn tạng hiến ghép từ người cho chết não.

Với mong muốn phát triển hệ thống mạng lưới tư vấn, vận động hiến, lấy, ghép tạng từ người cho chết não có tính thống nhất trong toàn quốc, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người quyết định thành lập Chi hội vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam khu vực phía Nam. Chi hội gồm 61 thành viên, trong đó 51 thành viên thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy, 1 thành viên BV đa khoa Kiên Giang, 4 thành viên BV đa khoa Trung ương Cần Thơ và 5 thành viên BV Hoàn Mỹ Cửu Long.

Rất nhiều bệnh nhân đang chờ ghép tạng

TS.BS CK2 Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, Trưởng Chi hội vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại phía Nam - cho biết, từ khi Bộ Y tế phát động phong trào đăng ký hiến, mô tạng đến nay, Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận hơn 47.000 đơn đăng ký hiến tạng.

Tại các nước phát triển, việc hiến tạng đã trở nên khá phổ biến. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vẫn còn nhiều người dân chưa hiểu hết ý nghĩa cao đẹp này. Trong khi đó, cả nước đang có hàng chục ngàn người chờ ghép mô, tạng. Vì vậy, để người dân hiểu được ý nghĩ của việc hiến tạng, nâng cao hiểu biết, thay đổi thái độ, thu hút sự quan tâm của các tầng lớp dân cư trong cộng đồng là điều hết sức cần thiết.

“Chi hội sẽ cố gắng đẩy mạnh và phát triển mạng lưới tư vấn, từ đó được nhiều người hưởng ứng tham gia hiến tặng mô tạng sau khi qua đời, cứu giúp những bệnh nhân không may có chỉ định ghép nhưng không có nhiều cơ hội để nâng cao chất lượng cũng như kéo dài sự sống” - bác sĩ Nguyễn Tri Thức nói thêm.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI