Vi rút HIV có lây qua đường gãi ghẻ?

20/08/2018 - 06:00

PNO - Bé gái 18 tháng tuổi ở tỉnh Phú Thọ nhiễm HIV khi ba mẹ em không mắc bệnh. Khảo sát của đoàn công tác Bộ Y tế ghi nhận, bé từng được người hàng xóm nhiễm HIV mớm cơm, nhờ em gãi ghẻ.

Những vết xước trên đôi chân nhỏ

Trước thông tin 42 người ở xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ nhiễm HIV không rõ nguyên nhân, phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM đã đến hiện trường ghi nhận tình hình. Trong số những bệnh nhân nhiễm HIV, có bé H.N.Q. mới 18 tháng tuổi.

Vi rut HIV co lay qua duong gai ghe?

Một góc làng quê Kim Thượng.

Ngôi nhà của chị Đ., mẹ bé H.N.Q. nằm phía trước một con suối, xung quanh có nhiều bụi cây um tùm, ao tù nước đọng. Khu vực này rất nhiều muỗi, nhất là phía trong nhà chị Đ. Sau 30 phút làm việc, nhóm phóng viên cảm thấy ngứa khắp người với rất nhiều vết muỗi đốt ở chân tay.

Trên làn da của cháu Q. và những người trong gia đình chị Đ. có nhiều vết thâm nhỏ, vết xước, loét biểu hiện của việc gãi khi muỗi đốt. Ở cẳng chân trái của bé Q. có ít nhất 3 vết thương dạng ghẻ mới kéo da non, một vết xước dài mới lành. 

Chị Đ. từng nghĩ những nốt lở loét khắp bàn chân và cẳng chân của con gái chỉ là dị ứng thông thường. Chị đã mua thuốc bôi, tắm lá hàng ngày cho bé Q. nhưng không có kết quả.

Vi rut HIV co lay qua duong gai ghe?
Đôi chân nhỏ của bé Q. đầy những vết ghẻ và trầy xước.

Sau khi khảo sát kỹ lưỡng, một cán bộ của đoàn công tác Bộ Y tế hé lộ thông tin bé Q. thường xuyên sang chơi nhà của hai vợ chồng gần bên. Hai người này bị HIV chuyển sang giai đoạn AIDS nhưng không biết. Lúc sang chơi, bé được nhờ gãi ghẻ, bóc lớp vảy ở da cho người vợ.

HIV có lây qua đường gãi ghẻ?

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, HIV lây truyền qua 3 con đường. Thứ nhất, qua đường máu (dùng chung bơm kim tiêm, dùng chung các dụng cụ xuyên chích qua da có dính máu của người nhiễm HIV, tiếp xúc trực tiếp với máu của người nhiễm HIV mà vùng da tiếp xúc đó bị tổn thương; truyền máu của người bị nhiễm HIV hoặc trong giai đoạn cửa sổ chưa phát hiện ra bệnh).

Thứ hai, qua đường quan hệ tình dục (quan hệ tình dục với người nhiễm HIV mà không sử dụng bao cao su hoặc sử dụng bao cao su không đúng cách, hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch sinh dục của người nhiễm HIV mà da, niêm mạc vùng tiếp xúc đó không lành lặn).

Thứ ba, do lây truyền từ mẹ sang con (mẹ nhiễm HIV khi mang thai, khi sinh và cho con bú).

Vi rut HIV co lay qua duong gai ghe?
Cận cảnh vi rút HIV.

Với trường hợp bé Q., đoàn công tác của Bộ Y tế nhận định, bé bị nhiễm HIV qua đường máu. Phải chăng từ những lần bé gãi ghẻ cho người nhiễm HIV? Liệu móng tay bé có dính mầm bệnh khi gãi ghẻ cho người bệnh HIV rồi gãi lại trên vết ngứa của mình do muỗi đốt?

Các bác sĩ chuyên về bệnh truyền nhiễm cho biết chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm vi rút HIV khi gãi ghẻ cho người bệnh. Thậm chí, có trường hợp người nhiễm HIV quan hệ với vợ/chồng của mình suốt 10 năm nhưng may mắn không bị lây.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Trường - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - tư vấn: “Nếu đứa trẻ có trầy xước, chảy máu khi gãi cho người bị HIV cũng trầy xước, chảy máu thì có nguy cơ lây nhiễm HIV. Chỉ cần có máu chảy ra nhìn thấy được nghĩa là đã có sang thương. Nhưng không kết luận được là có bị lây nhiễm hay không, chỉ có thể nói là nguy cơ. Trường hợp da bé lành, không trầy xước thì dù gãi ghẻ cho người HIV có chảy máu cũng không bị nhiễm bệnh”.

Thói quen mớm cơm cho trẻ của người dân ở Kim Thượng, liệu có là con đường gây nhiễm HIV? Các bác sĩ khẳng định đây không phải là nguy cơ vì tải lượng vi rút HIV cao nhất ở trong máu. Thậm chí, lượng vi rút có trong dịch tiết và nước bọt cũng ở mức rất thấp.

Vi rut HIV co lay qua duong gai ghe?
Một gia đình ở xã Kim Thượng, Tân Sơn, Phú Thọ.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM - hoàn toàn không có đường lây nhiễm HIV nào mới trong sự việc ở Phú Thọ: “Điều quan trọng là phải thông tin cho người dân các biện pháp phòng ngừa. Đặc biệt, em bé 18 tháng tuổi phải nhanh chóng được cho uống thuốc ARV. Uống còn hơn là không”. Bác sĩ Nguyễn Thanh Trường khuyên: nếu uống ARV thường xuyên, đều đặn mỗi ngày thì vẫn sống khỏe mạnh như người bình thường.  

Theo TS.BS Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế - nếu không may bị đâm hoặc giẫm phải kim tiêm, vật sắc nhọn dính máu nhiễm HIV, cần rửa ngay vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương.

Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc mắt, phải rửa mắt bằng nước cất hoặc nước muối sinh lý 0,9% liên tục trong 5 phút. Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc miệng, mũi thì rửa mũi bằng nước cất hoặc dung dịch nước muối sinh lý 0,9 %, súc miệng bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9 % nhiều lần. Sau đó, đến ngay cơ sở y tế để được đánh giá nguy cơ phơi nhiễm và điều trị.

Ở nhiệt độ từ 32 - 36 độ ngoài không khí, vi rút HIV không tồn tại quá 5 phút. Với các giọt máu khô, vi rút HIV tồn tại từ 2 - 7 ngày và trong xác chết bệnh nhân AIDS là 72 giờ. Ngoài ra, với máu của người có HIV rơi trên đường, nếu bị ánh nắng chiếu trực tiếp thì virus HIV chỉ tồn tại được trong 30 phút. Nếu máu rơi trong chỗ tối, khe ẩm ướt thì có thể sống được 48 giờ đến 7 ngày. Trong kim tiêm đã sử dụng, vi rút HIV tồn tại được khoảng 48 giờ - 7 ngày (tùy trường hợp).

Hiếu Nguyễn - An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI