Vi-rút cúm làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi

03/03/2023 - 19:12

PNO - Một nghiên cứu gần đây tiết lộ, những thai phụ mắc bệnh cúm trong giai đoạn đầu của thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ em bé bị dị tật suốt đời.

 

Một số chuyên gia y tế kêu gọi những người sắp làm mẹ hãy chủ động tiêm phòng cúm – Ảnh: Press Association
Một số chuyên gia y tế kêu gọi những người sắp làm mẹ hãy chủ động tiêm phòng cúm – Ảnh: Press Association

Các chuyên gia từ Đại học y Semmelweis ở thủ đô Budapest của Hungary vừa công bố một nghiên cứu cho thấy, phụ nữ nhiễm cúm trong thai kỳ khiến em bé của họ sinh ra với nguy cơ mắc các bệnh như sứt môi, dị tật tim hoặc nứt đốt sống cao hơn gấp đôi những đứa trẻ khác.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích trên 10.000 mẫu, với 85.855 ca sinh nở của phụ nữ từ 20 đến 45 tuổi. Có những trường hợp người mẹ bị cúm trong 3 tháng đầu thai kỳ làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho thai nhi lên gấp 4 lần.

Dựa trên kết quả nghiên cứu đáng lo ngại, các chuyên gia y tế kêu gọi “những người sắp làm mẹ” chủ động tiêm phòng cúm.

Tiến sĩ Ákos Mátrai, trợ lý giảng dạy tại Khoa Sản và Bệnh sinh dục nữ của Đại học Semmelweis, cho biết: “Cúm trong 3 tháng đầu có thể gây ra những tác động nghiêm trọng vì đây là giai đoạn quan trọng nhất trong sự phát triển của thai nhi”.

Ông Mátrai nói thêm: “Vì vậy, chúng tôi thực sự khuyên những người phụ nữ sắp làm mẹ nên tiêm vắc-xin cúm, ngay cả trong giai đoạn dự định mang thai”.

Nghiên cứu nói trên, được công bố trên Tạp chí Viruses, bổ sung thêm bằng chứng ngày càng tăng về mối liên hệ giữa các bệnh mà thai phụ mắc phải trong thời kỳ mang thai với các biến chứng của em bé trong bụng mẹ.

Kết quả tổng quan cho thấy, nguy cơ dị tật ở thai nhi có thể tăng trung bình 50% (1,5 lần) nếu bà bầu bị cúm trong 3 tháng đầu mang thai, so với người không nhiễm bệnh.

Tương tự, nguy cơ nứt đốt sống của em bé có thể tăng trung bình 148% (2,48 lần) nếu người mẹ không giữ bản thân khỏe mạnh trong lúc mang thai. Dị tật này xảy ra khi cột sống và tủy sống không phát triển đúng cách trong bụng mẹ, dẫn đến hình thành một lỗ hổng trong cột sống.

Hầu hết những người bị nứt đốt sống đều có thể phẫu thuật để đóng lỗ hở ở cột sống. Nhưng do hệ thống thần kinh đã bị tổn thương từ trước khi chào đời, người bệnh vẫn phải sống chung với rủi ro có thể dẫn đến các vấn đề như tê liệt, đại tiểu tiện không tự chủ, cũng như tổn thương não.

Tương tự, nguy cơ trẻ em bị dị tật khe hở môi và vòm miệng có thể tăng đến 2,48 lần. Những đứa trẻ này thường phải vật lộn với khó khăn trong ăn uống, thậm chí có thể bị mất thính giác và gặp phải vấn đề về ngôn ngữ.

Tương tự, nguy cơ em bé bị dị tật tim có thể tăng trung bình 63% (1,63 lần). Cụ thể, trong thời gian người mẹ mang thai bị bệnh, rủi ro em bé phát triển dị tật hẹp động mạch chủ có thể tăng lên đến 4 lần.

Nghiên cứu cũng cho thấy, các trường hợp thai phụ bị bệnh làm tăng nguy cơ phát triển dị tật chân tay và các vấn đề về mắt của em bé cao hơn, cũng như tăng nguy cơ sảy thai, sinh non và em bé nhẹ cân.

Tiến sĩ Ákos nói thêm: "Các biến chứng khi mang thai do nhiễm vi-rút là tâm điểm chú ý trong những năm gần đây, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, và ngày càng có nhiều lo ngại chúng ta có thể phải đối mặt với những đại dịch tương tự trong tương lai”.

Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) của Anh cho biết, những thai phụ có nguy cơ bị cúm và phải nhập viện cao hơn. Bởi vì quá trình mang thai sẽ ức chế hệ thống miễn dịch của người phụ nữ một cách tự nhiên, đây lại là cơ chế bảo vệ cơ thể chúng ta chống lại bệnh tật.

Sự ức chế này làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh, bao gồm cả bệnh cúm. Đó là một trong các nguyên nhân khiến số lượng bệnh nhân phải nhập viện ở Anh lên mức cao nhất trong một thập kỷ vào tháng 1 vừa qua, ngay sau đợt bùng phát cúm vào dịp Giáng sinh năm ngoái.

Trường An (theo The Sun)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI