Vi-rút Adeno, sốt xuất huyết… tấn công trường học ở Hà Nội

29/09/2022 - 06:05

PNO - Tại nhiều lớp học ở Hà Nội, tình trạng trẻ mắc vi-rút Adeno, sốt xuất huyết, cúm… đang khiến không ít phụ huynh lo lắng về nguy cơ bệnh lây lan thành ổ dịch.

Nhiều học sinh phải nghỉ bệnh 

Con trai đang theo học tại Trường mầm non Họa Mi (H.Đông Anh, TP.Hà Nội), chị Lê Ngọc cho hay: “Hai tuần trở lại đây, trong nhóm thông tin của lớp, ngày nào cũng có phụ huynh xin cho con nghỉ bệnh. Lớp học có 24 bạn nhưng nhiều hôm chỉ một nửa số có mặt”. Hầu hết các trường hợp này đều có biểu hiện ho, sốt, sổ mũi…

Bệnh nhi nhiễm Adenovirus nhập viện được phân theo nhóm bệnh - Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương
Bệnh nhi nhiễm Adenovirus nhập viện được phân theo nhóm bệnh - Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

Trước tình hình vi-rút Adeno đang có xu hướng tăng nhanh tại Hà Nội, giáo viên chủ nhiệm và Ban Giám hiệu Trường mầm non Họa Mi thường xuyên gửi các thông tin về bệnh như biện pháp phòng tránh, dấu hiệu nhận biết… để phụ huynh nắm thêm thông tin. Trong trường hợp trẻ ốm, nghi ngờ mắc vi-rút Adeno, cúm A hay các loại bệnh truyền nhiễm khác, nhà trường khuyến cáo phụ huynh cho con ở nhà để phòng tránh lây lan.

Chị Vân Phương (Q.Hà Đông, TP.Hà Nội) cho biết, phụ huynh của một học sinh lớp Ba đang theo học tại trường tư thục ở H.Thanh Oai (Hà Nội) cũng phản ánh, thời gian gần đây, lớp học của con chị không lúc nào đầy đủ. Lớp có 27 học sinh nhưng có những ngày vắng mặt tới sáu em. Các trường hợp nghỉ đều do ho sốt, trong đó có em mắc cúm B, có em viêm đường hô hấp… Bản thân con trai chị cũng nghỉ học gần một tuần vì mắc vi-rút Adeno. Trong lớp, có phụ huynh vì lo lắng con từng bị hen suyễn, khả năng bệnh tái phát nếu bị lây nhiễm từ bạn nên đã quyết định con nghỉ học vài ngày để “nghe ngóng” tình hình.

Để phòng bệnh lây lan, lớp học của con chị Vân Phương đã “bật chế độ” 2K trở lại như thời kỳ COVID-19 còn căng thẳng. Học sinh của lớp đeo khẩu trang thường xuyên ngay cả trong các tiết học, giáo viên và phụ huynh cũng nhắc nhở các em thực hiện khử khuẩn, không sử dụng chung đồ cá nhân, đặc biệt là ly, bình nước. 

Bà Bùi Thị Thu Hằng - Hiệu trưởng Trường tiểu học Ái Mộ A (Q.Long Biên, TP.Hà Nội) - cho biết, thời tiết giao mùa cùng sự xuất hiện của nhiều loại dịch bệnh như sốt xuất huyết, cúm… khiến dịch bệnh đang có cơ hội xâm nhập vào các trường học. Nhà trường đang ghi nhận một số ca sốt xuất huyết do trường nằm tại khu vực Long Biên - địa bàn trọng điểm của bệnh. Trước đó, trường cũng ghi nhận nhiều học sinh và cả giáo viên bị mắc cúm A. Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết trường học tại thủ đô.

Dịch bệnh diễn biến căng thẳng 

Nguy cơ dịch bệnh tấn công các trường học đang trở nên hiện hữu khi tình hình bệnh nhi tại Hà Nội đang gia tăng đột biến. Tại nhiều cơ sở y tế ở Hà Nội, tình trạng trẻ ùn ùn nhập viện khiến các đơn vị rơi vào quá tải cục bộ, hết giường điều trị. Bác sĩ Phạm Thị Thảo - Phó Trưởng khoa phụ trách khám bệnh Bệnh viện Đa khoa Đức Giang - cho hay, trước đây, bệnh viện khám trung bình từ 1.000-1.200 bệnh nhân/ngày thì gần đây, không ngày nào dưới 1.600 bệnh nhân, cao nhất là khoảng 1.800. Nằm tại địa bàn trọng điểm sốt xuất huyết, bệnh viện đang tiếp nhận rất nhiều ca bệnh từ người lớn tới trẻ em. Trong đó có những gia đình phát hiện 3/4 người nhiễm bệnh. Khoa nhi của bệnh viện luôn trong tình trạng kín giường. 

Ngoài sốt xuất huyết, các bệnh truyền nhiễm như cúm mùa (gồm cả cúm A, B), vi-rút Adeno, sốt xuất huyết, bác sĩ Phạm Thị Thảo cho biết thời điểm này còn có nhiều trẻ mắc “bộ ba cơ địa dị ứng” do thời tiết giao mùa. Đây là bệnh da cơ địa, viêm mũi dị ứng và hen phế quản. Riêng đối với hen phế quản, bệnh có thể tái lại nhiều lần.

Tại Khoa Nhi Bệnh viện Thanh Nhàn, bác sĩ Vũ Thị Mai chia sẻ: Nhân viên y tế đang phải làm việc hết công suất vì bệnh nhi nhập viện quá đông. Đơn vị này thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải, phải mượn thêm giường điều trị của các khoa, phòng khác để tránh tình trạng trẻ phải nằm ghép, lây nhiễm chéo. “Có rất nhiều bệnh nhân đã từng đi các bệnh viện như Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Xanh Pôn, thậm chí là bệnh viện tư nhưng không có chỗ nên lại về đây” - bác sĩ Mai nói. Nếu như mọi năm, tỷ lệ bệnh chia đều viêm đường hô hấp và đường tiêu hóa thì hiện các bệnh viêm đường hô hấp chiếm 2/3 tại khoa.

Thống kê của Sở Y tế Hà Nội cũng phản ánh tình trạng dịch đang diễn biến căng thẳng với số ca mắc sốt xuất huyết tăng 1,8 lần so với thống kê trung bình trong 5 năm. Hà Nội hiện đã ghi nhận 5 ca tử vong vì sốt xuất huyết. Trong khi đó, vi-rút Adeno cũng tiếp tục đáng lo ngại. Hà Nội đã ghi nhận 1.020 bệnh nhân dương tính với vi-rút Adeno phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã, trong đó đã có ba trường hợp tử vong. 

Trước nguy cơ bệnh dịch lây lan trong trường học, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tuyên truyền đến đội ngũ giáo viên, nhân viên và học sinh, cha mẹ học sinh về công tác phòng, chống dịch COVID-19, sốt xuất huyết… Đặc biệt, tại các cơ sở trường học phải thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch.

Huyền Anh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI