Vì phụ nữ cần được bảo vệ

17/04/2018 - 06:23

PNO - Tôi không đủ thoáng để chấp nhận mại dâm là một nghề, nhưng cũng không thể trả lời “không” cho câu hỏi “có nên hợp pháp hóa mại dâm?”.

Nhà tôi ở Chợ Lớn, Q.6, TP.HCM; nhưng tôi đi học, đi làm đều ở Q.1. Những đêm về khuya, chạy ngang đường Hùng Vương, Q.5 - đoạn gần nhà thờ Ngã Sáu, tôi thường bắt gặp hình ảnh những cô gái bán hoa thậm thụt trong bóng tối, đưa tay vẫy khách. Vài người đàn ông tấp vào, thì thầm vài ba câu, rồi đèo nhau đi. Tôi thấy hình ảnh ấy gần như mỗi ngày, bất kể pháp luật Việt Nam đến giờ vẫn chưa hợp pháp hóa mại dâm.

Vi phu nu can duoc bao ve
 

Hà Lan thường được mang ra làm điển hình về mại dâm hợp pháp. Khác Thái Lan, Hà Lan hợp pháp hóa mại dâm từ năm 2000. Khu đèn đỏ của De Wallen nổi tiếng ở Amsterdam là điểm đến cho du lịch tình dục quốc tế và doanh thu của ngành công nghiệp này tại Hà Lan không hề nhỏ. 

Trong một cuộc khảo sát tại Hà Lan năm 1997 - trước khi hợp pháp hóa mại dâm, 74% dân số Hà Lan cho rằng, mại dâm là một nghề chấp nhận được, nếu vận hành trên cơ chế tự nguyện. Từ đó, Hà Lan hợp pháp hóa mại dâm và kiểm soát chặt chẽ hoạt động này.

Nhưng nhắc Hà Lan, không ai nghĩ đó là một quốc gia của tình dục mà người ta sẽ nghĩ ngay đến cối xay gió, hoa tulip… Hình ảnh của đất nước này không hề bị gắn với mác “tình dục”, dù họ hợp pháp hóa mại dâm.

Thân phận của những cô gái bán hoa ở Thái Lan và Hà Lan cũng khác nhau. Gái bán hoa ở Thái Lan không được luật pháp bảo vệ. Để có thể “hành nghề”, họ phải chi tiền cho chủ nhà thổ và “chi ngầm” cho cảnh sát. Trẻ mại dâm vị thành niên không thể kêu cứu. Gái mại dâm bị lạm dụng hay bạo hành cũng không thể tố cáo.

Ngược lại, gái bán dâm ở Hà Lan được luật pháp bảo vệ, được kiểm tra sức khỏe định kỳ, thậm chí có cả trợ cấp thất nghiệp và tàn tật. Cảnh sát ở Hà Lan thường xuyên kiểm tra các nhà thổ để đảm bảo rằng, không có trẻ mại dâm vị thành niên (độ tuổi quy định cho gái mại dâm ở Hà Lan là 21), cũng như không có bạo hành và lạm dụng phụ nữ ở những nơi này.

Vi phu nu can duoc bao ve
Ảnh minh họa

Thân phận của gái mại dâm ở Việt Nam thì sao? Nhiều năm trước, khi còn là phóng viên xã hội của một tạp chí dành cho phụ nữ, tôi có dịp tiếp xúc với một cô gái mại dâm tên Hoa. Hoa bảo khi còn đẹp, làm trong nhà chứa thì bị chủ ăn chặn tiền, có khi đến 50%. Cô phản ứng thì bị đánh đập không thương tiếc. Đến khi tàn xuân sắc, Hoa “dạt” ra phố, làm tự do thì sợ nhất là bị ép quan hệ tình dục tập thể. Nhưng chuyện đó lại xảy ra rất thường xuyên.

Khi bàn liệu Việt Nam có nên hợp pháp hóa mại dâm, nhiều người đã lấy Thái Lan làm ví dụ mà quên mất thực tế rằng, Thái Lan chưa từng hợp pháp hóa mại dâm, kể từ năm 1960. Luật Thái Lan cấm mại dâm, nhưng các quán bar, karaoke… có yếu tố tình dục vẫn được đăng ký như các doanh nghiệp thông thường.

Các khu đèn đỏ vẫn mọc lên khắp Thái Lan. Doanh thu từ nền công nghiệp không hợp pháp này ước tính đạt hơn 10% GDP. Nhắc đến Thái Lan, người ta nghĩ ngay đến tình dục và tôi không cho rằng, đó là một hình ảnh đẹp về một đất nước.

“Họ thường đi một mình, đến ngả giá, rồi chở mình đến nơi có 5, 7 người chờ sẵn. Chạy không thoát. Có khi quan hệ xong họ còn quỵt cả tiền. Nhưng tôi chỉ mong đừng bị đánh. Làm gì cũng được, nhưng đừng đánh, để tôi còn sức mà đi kiếm bù” - Hoa từng nói như thế, rất bình thản. Không khóc, không oán trách, không than thở, chỉ có

một mong ước nhỏ nhoi: “Giá mà tôi có thể báo công an được, để cho bọn khốn ấy vào tù”. Một quyền lợi cơ bản của bất kỳ công dân ở bất kỳ đất nước nào - được báo công an, nhờ sự bảo vệ, Hoa không có, tất cả gái mại dâm ở Việt Nam đều không có.

Nếu xét trên khía cạnh đạo đức, có lẽ khó ai chấp nhận mại dâm là một nghề. Tôi cũng không. Nhưng, nói công bằng, gái mại dâm không đi xin, cũng không cướp của ai. Họ lao động bằng chính sức mình để nuôi thân, nuôi gia đình, con cái, thậm chí nuôi cả chồng.

Chợt nhớ, một vị thẩm phán Canada từng nói trong một phiên tranh luận về việc có nên hợp pháp hóa mại dâm tại nước này: “Việc bảo vệ phụ nữ quan trọng hơn loại công việc họ thực hiện” (*). Phụ nữ cần được bảo vệ. Bất kể cô ấy làm nghề gì, cô ấy vẫn cần được bảo đảm những quyền lợi cơ bản của một con người. Ta không nhất thiết phải xem mại dâm là một nghề và kê khai vào lý lịch, nhưng ta cũng không thể làm ngơ, bỏ mặc những cô gái vốn đã ở dưới đáy xã hội phải tự xoay xở với biết bao rủi ro.

Ta có thể xem mại dâm như một loại hình dịch vụ, hợp pháp hóa và kiểm soát nó như cách Hà Lan đang làm; để mỗi khi bước ra khỏi nhà chứa, một cô gái mại dâm vẫn có thể ngẩng đầu và từ chối các vị khách khiếm nhã, thậm chí báo cảnh sát nếu bị quấy rối. Đơn giản vì khi đó, cô ấy đã được pháp luật bảo vệ, như bao phụ nữ bình thường khác. 

(*) Canada hợp pháp hóa mại dâm một phần. 

Cao Bảo Vy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI