PNO - “Các cò xây dựng hướng dẫn người dân xây nhà kiên cố nhưng sau đó phủ tôn bên ngoài để giống như công trình tạm bợ, chính quyền địa phương có thấy cũng dễ bỏ qua hơn”, một "cò" xây dựng tiết lộ.
Hôm nay, Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X tiếp tục ngày làm việc thứ hai. Trong khi hội nghị đang bàn thảo về hiện tượng tăng vọt số vụ vi phạm xây dựng trong sáu tháng đầu năm 2017 thì bên ngoài hội nghị, phóng viên báo Phụ Nữ ghi nhận, việc xử lý sai phạm trong xây dựng vẫn theo kiểu… hợp thức hóa sai phạm. Đây là nguyên nhân khiến tình hình sai phạm ngày càng trầm trọng.
Nhà không phép đua nhau mọc
Chủ xây dựng nhà trái phép phủ tôn bên ngoài ngụy trang ở xã Vĩnh Lộc A
Một vài năm gần đây, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh luôn là địa phương “nóng” về tình trạng xây dựng nhà không phép. Đất xã này nằm trong quy hoạch “Khu đô thị mới Nam TP.HCM” với quy mô 2.600ha. Trong lúc chờ dự án này đi vào hoạt động, tình trạng mua bán đất bằng giấy tay, xây nhà không phép tại đây trở nên rất sôi động. Chỉ trong vòng hai năm trở lại đây, đã có hàng trăm căn nhà không phép được xây dựng tại H.Bình Chánh mà xã Bình Hưng là địa phương dẫn đầu về tình trạng này.
Anh N.T.T. ngụ tại ấp 4, xã Bình Hưng cho biết, đầu năm 2017, gia đình anh có mua một lô đất ở ấp 4 để xây nhà tạm sinh sống. Khi căn nhà vừa được xây dựng một phần thì chính quyền địa phương cho người xuống lập biên bản, yêu cầu tháo dỡ công trình vì “đất nằm trong khu quy hoạch”. Anh T. buộc phải tháo dỡ toàn bộ công trình của mình. Trong khi đó, một số chủ đất ở gần đó lại ngang nhiên xây dựng mà không bị cơ quan chức năng xử lý. Qua tìm hiểu, anh T. được biết, sở dĩ những căn nhà nói trên dễ dàng mọc lên như vậy là do chủ đất nhờ cò “bảo hộ” với số tiền gần 100 triệu đồng.
Bức xúc, anh T. và nhiều hộ dân khác trên địa bàn liên tục phản ánh về điều bất công này với cơ quan chức năng. Trước áp lực của dư luận, đầu tháng 5/2017, chính quyền địa phương có cho người xuống lập biên bản, tháo dỡ một căn nhà mới mọc lên tại đường C6, ấp 4 nhưng việc cưỡng chế này bị người dân phản ánh là “làm cho có”, vì họ chỉ xuống đập một số hạng mục chiếu lệ rồi bỏ về. Đến nay, căn nhà đó vẫn tồn tại và được chủ nhà sử dụng bình thường.
Theo khảo sát của chúng tôi, tại các xã Tân Quý Tây, Vĩnh Lộc A (H.Bình Chánh), vẫn còn tồn tại tình trạng xây nhà không phép. Bên đường Nữ Dân Công của xã Vĩnh Lộc A, ở khu vực những cánh đồng, hàng loạt căn nhà với mái tôn che bên ngoài nhưng bên trong được xây dựng kiên cố. Ông Bình - một người làm nghề xây dựng tại H.Bình Chánh - tiết lộ: “Các cò xây dựng thường hướng dẫn người dân xây nhà kiên cố nhưng sau đó phủ tôn bên ngoài để trông giống như công trình tạm bợ, chính quyền địa phương có thấy cũng dễ bỏ qua hơn”.
Tại khu vực ấp 1 xã Xuân Thới Thượng, H.Hóc Môn, cũng có rất nhiều ngôi nhà được xây dựng ngay trên đất nông nghiệp, thậm chí, có nhiều công trình kiên cố. Không chỉ để các công trình xây dựng trái phép tồn tại, UBND H.Hóc Môn còn cấp phép xây dựng nhà ở trên mồ mả.
Chẳng hạn như trong năm 2016, UBND H.Hóc Môn đã lấy 1.250m² đất mộ ở nghĩa trang gia tộc của ông Võ Văn Gia cấp cho ông Trần Văn Cu. Khi con cháu ông Gia khiếu nại thì ông Trần Văn Cu nhanh chóng chuyển nhượng phần đất này cho ông Châu Văn Tiết. Không hiểu ông Tiết “phù phép” bằng cách gì mà đến ngày 7/12/2016, UBND H.Hóc Môn đã cấp giấy phép xây dựng số 6738/GPXD cho ông Tiết và bà Nhàn xây dựng nhà ở.
Đến đầu năm 2017, ông Tiết xây dựng nhà ở theo giấy phép xây dựng thì bất ngờ bị UBND xã Đông Thạnh “tuýt còi” do công trình xây dựng xâm phạm mồ mả. Sau đó, UBND H.Hóc Môn mới lật đật ra quyết định thành lập tổ kiểm tra để rà soát lại quy trình cấp các thủ tục nói trên, nhưng đến nay, vẫn chưa có kết luận vụ việc.
Hợp thức hóa cho dự án sai phạm
Cùng với sự “trỗi dậy” của các công trình xây dựng nhà ở trái phép, hiện nay, trên địa bàn TP.HCM, các dự án xây dựng trái phép cũng đang ngang nhiên lộng hành. Các cơ quan có trách nhiệm thường hô hào điệp khúc “thường xuyên kiểm tra, tăng cường giám sát, xử lý nghiêm sai phạm” nghe có vẻ nghiêm khắc, nhưng ít ai biết, đằng sau đó, mọi việc hoàn toàn ngược lại.
Sau hơn hai tháng phát hiện dự án khu biệt thự Thảo Điền Sapphire (Q.2) do Công ty cổ phần TDS làm chủ đầu tư, xây dựng trái phép hàng loạt hạng mục, đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa thể xử lý dứt điểm. Cụ thể, các cơ quan chức năng phát hiện và lập biên bản ngày 27/4 với các sai phạm: xây tăng diện tích tầng trệt, vi phạm khoảng lùi sông Sài Gòn, rạch ông Hóa với tổng diện tích lên đến gần 1.400m2.
Ngày 20/5, UBND TP.HCM ban hành quyết định xử phạt chủ đầu tư với mức phạt kịch khung lên đến 1 tỷ đồng. Quyết định còn nêu rõ, chủ đầu tư phải khôi phục lại hiện trạng theo đúng giấy phép xây dựng trong vòng 10 ngày; nếu sau thời gian này mà chưa khắc phục, sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế. Thế nhưng, đến nay, chẳng ai thấy động thái khắc phục hậu quả vi phạm. Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Sở Xây dựng thừa nhận “chủ đầu tư vẫn chưa khắc phục sai phạm”. Nhưng vị này lại cho rằng, biện pháp giải quyết là “sở sẽ mời chủ đầu tư đến họp, động viên họ chủ động khắc phục sai phạm”(!?).
Tương tự, dự án Tân Bình Apartment (Q.Tân Bình) do Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Tân Bình làm chủ đầu tư bị phát hiện xây dựng trái phép hàng loạt hạng mục và xây vượt hai tầng so với giấy phép xây dựng nhưng gần một năm qua (từ tháng 9/2016), vẫn chưa xử lý xong.
Đến khoảng đầu năm 2017, nhiều người không khỏi giật mình khi phát hiện dự án đã được Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM hợp thức hóa sai phạm bằng cách điều chỉnh quy hoạch dự án từ 14 tầng lên 18 tầng, đúng theo hiện trạng xây trái phép của chủ đầu tư. Trong khi đó, Sở Xây dựng một mặt tuyên bố xử lý nghiêm sai phạm, mặt khác gửi văn bản đề nghị chủ đầu tư... nhanh chóng hoàn thành thủ tục pháp lý để tái khởi động dự án.
Tháng 10/2016, dự án Đạt Gia (Q.Thủ Đức, do Công ty TNHH Tư vấn và kinh doanh nhà Đạt Gia làm chủ đầu tư) bị phát hiện xây dựng trái phép hàng loạt hạng mục với diện tích gần 800m2. Thanh tra Sở Xây dựng đã lập biên bản yêu cầu chủ đầu tư ngưng thi công, tháo dỡ phần sai phạm. Ngày 25/11/2016, Sở Xây dựng ban hành tiếp quyết định đình chỉ xây dựng, nêu rõ, tối đa ba ngày kể từ ngày ban hành quyết định, nếu chủ đầu tư không tự phá dỡ công trình vi phạm sẽ bị cưỡng chế.
Thế nhưng sau đó, chủ đầu tư không những không thực hiện mà còn lén lút xây dựng tiếp. Đến ngày 18/4/2017, xảy ra tai nạn lao động làm hai công nhân té từ trên cao xuống, một công nhân tử vong, Sở Xây dựng lại lập biên bản đề nghị chủ đầu tư ngưng thi công. Nhưng ngày 27/6/2017, theo ghi nhận của chúng tôi, dự án vẫn rầm rộ thi công.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Phúc - Chủ tịch UBND P.Tam Phú, Q.Thủ Đức - nói: “Chúng tôi đã chốt chặn, không cho chủ đầu tư đưa xe vào công trường, nhưng họ vẫn lén lút đưa vật liệu vào thi công. Chúng tôi đã báo cáo vụ việc này ít nhất ba lần cho Sở Xây dựng nhưng tình hình vẫn vậy”.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, trong sáu tháng đầu năm 2017, lực lượng chức năng đã kiểm tra và phát hiện 1.595 trường hợp vi phạm hành chính về hoạt động xây dựng, trong đó, xây dựng không phép chiếm 830 trường hợp (tăng 35,6% so với cùng kỳ), công trình sai phép 557 trường hợp (tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2016).
Theo nhiều chuyên gia ở lĩnh vực xây dựng, ở nhiều địa phương, lực lượng chức năng thường “ngó lơ”, chờ đến khi công trình xây dựng trái phép hoàn thành rồi mới tiến hành kiểm tra và đề xuất xử lý. Trong đó, có nhiều công trình chỉ bị xử lý hành chính một lần rồi ngang nhiên được chính quyền “thả cửa” cho tồn tại.
Nhiều công trình không phép trong Sân bay Tân Sơn Nhất
Ngày 27/6, nguồn tin riêng của báo Phụ Nữ cho biết, UBND Q.Tân Bình vừa có báo cáo gửi UBND TP.HCM và Sở Xây dựng TP.HCM về tình hình xây dựng các công trình trong khuôn viên Sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo báo cáo, hiện nay, Sư đoàn 370 Không quân ký hợp đồng với các đơn vị kinh tế triển khai xây dựng các khu vui chơi giải trí, các dịch vụ trong khu đất thuộc Sân bay Tân Sơn Nhất (P.15, Q.Tân Bình); đa số các công trình nêu trên đều không có giấy phép xây dựng.
Về việc xây dựng trên, các cơ quan chức năng địa phương không được biết, không được vào khu vực để kiểm tra các thủ tục liên quan. UBND Q.Tân Bình đề xuất UBND TP.HCM sớm chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với UBND Q.Tân Bình tổng kiểm tra tình hình xây dựng các công trình nêu trên để kịp thời xử lý hành vi vi phạm, nếu có.
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.