Vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan: Xử nhiều, vẫn chưa đủ sức răn đe

31/03/2023 - 16:08

PNO - Hàng trăm trường hợp vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan đã được phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, mức phạt chưa đủ sức răn đe.

Sáng ngày 31/3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Hội nghị cũng nhằm trao đổi, thảo luận, lắng nghe góp ý cho Dự thảo báo cáo tổng kết và dự kiến một số nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 131 trong thời gian tới.

Vi phạm quyền tác giả ở lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng được đánh giá rất nhiều và rất khó kiểm soát
Vi phạm quyền tác giả ở lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng được đánh giá rất nhiều và rất khó kiểm soát. Trong ảnh: Tranh của họa sĩ Bùi Trọng Dư từng được sử dụng in trên họa tiết áo dài không xin phép. Nguồn ảnh: phunuonline 

Tại hội nghị, ông Hà Văn Lâu - Phó chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - thông tin, từ năm 2014 đến nay, Bộ đã có 534 cuộc thanh tra (trong đó đã xử phạt 447 tổ chức và 3 cá nhân) về việc vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Tại TPHCM, lực lượng kiểm tra liên ngành trên địa bàn thành phố cũng đã tiến hành kiểm tra 445 tổ chức, cá nhân có vi phạm, tổng số tiền xử phạt là trên 8 tỉ đồng (trong 8 năm, từ năm 2014-2022).

"Môi trường số ngày càng phát triển, tình trạng vi phạm bản quyền ngày càng tăng cao và khó kiểm soát. Các trường hợp vi phạm bị phát hiện và xử phạt nhiều, nhưng mức phạt từ 15-70 triệu đồng/trường hợp là không đủ sức răn đe. Hiện nay, khó khăn nhất trong việc xử lý là những vụ việc vi phạm bản quyền xuyên quốc gia (có máy chủ đặt ở nước ngoài). Như vậy, hành lang pháp lý cần phải có sự thay đổi, đồng bộ để có thể xử phạt kịp thời" - bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - nhận định. 

Vi phạm bản quyền trong nghiên cứu khoa học được Hội nghị nhắc đến như một trong những trường hợp nổi bật, điển hình
Vi phạm bản quyền trong nghiên cứu khoa học cũng được "mổ xẻ" tại hội nghị 

Biểu diễn tác phẩm trước công chúng không xin phép, sử dụng tác phẩm vi phạm bản quyền trong nhà hàng/siêu thị/dịch vụ karaoke/bưu chính viễn thông; phim ảnh bị quay lén tung lên mạng, sao chép tác phẩm trong nghiên cứu khoa học, lưu trữ/đăng tải các xuất bản phẩm vi phạm bản quyền... Tất cả đều là thực trạng vi phạm bản quyền, quyền liên quan phổ biến đã xảy ra ở mọi lĩnh vực, trong suốt nhiều năm qua. 

"Nghiên cứu, sửa đổi bổ sung hình thức xử phạt đối với các hành vi bị xử phạt hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan để đảm bảo tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa vi phạm, đặc biệt là các chế tài xử phạt hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số" - một trong những nội dung đề xuất, kiến nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tăng mức phạt tiền cho các trường hợp vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan cũng là một trong những kiến nghị được quan tâm, đề xuất từ hội nghị. 

"Ngoài việc tăng mức xử phạt, còn cần phải có thêm quy định về hình thức xử phạt bổ sung, và biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp đối với từng hành vi vi phạm cụ thể" là một trong những kiến nghị của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Có như vậy mới góp phần tăng hiệu quả của công tác chế tài cũng như có tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu các hành vi xâm phạm bản quyền. 

Hiện tại, Nghị định 131 quy định mức phạt tiền chỉ dựa vào hành vi mà chưa căn cứ vào mức độ gây thiệt hại của hành vi, giá trị, số lượng hàng hóa sao chép lậu, hàng hóa xâm phạm quyền tác giả/quyền liên quan dẫn đến việc xử lý vi phạm hành chính chưa phù hợp, chưa đủ sức răn đe. 

Tránh đùn đẩy trách nhiệm

Theo kiến nghị từ phía Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, để nâng cao hiệu quả quản lý, cần có sự phối hợp giữa Cục Bản quyền tác giả, Cục Sở hữu trí tuệ, các Bộ và cơ quan ngang bộ có liên quan trong việc xử lý vi phạm về sở hữu trí tuệ, để tạo cơ sở cho các tỉnh, thành phố có quy chế phối hợp giữa các ngành trong việc xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ.

"Cần có sự phối hợp giữa các Bộ, sở, ban ngành đoàn thể trong việc cùng nhau phối hợp, xử lý. Tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau" - bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó cục trưởng Cục Bản quyền nhấn mạnh.

Bên cạnh Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, kiến nghị thành lập thêm các tổ chức đại diện quyền tác giả, quyền liên quan trong các lĩnh vực khác. Đồng thời đẩy mạnh việc giới thiệu, tuyên truyền và mở rộng hoạt động của Tổ chức giám định về lĩnh vực sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan tại các tỉnh thành...

Song Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI