Vi phạm bản quyền sách trên môi trường số: Chuyện thường ngày ở huyện
Những ngày gần đây, chuyện công ty Yeah1 Network (trụ sở tại 201A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM) tự ý đăng tải thông tin tuyển cộng tác viên đọc sách nói với mức lương 3 triệu đồng/tháng đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, đặc biệt những đơn vị xuất bản, phát hành và giữ bản quyền sách. Theo đó, các cộng tác viên sẽ nhận đọc các đầu sách và được đơn vị này chuyển thành audio hoặc video có lồng ghép giọng đọc phát trên các kênh truyền thông của đơn vị trên.
|
Tài khoản cá nhân có tên Nguyễn Ngọc Hưng vô tư đăng tải quyển sách đã được dịch sang Tiếng Việt nhưng bản quyền lại thuộc Nhà xuất bản Trẻ |
Việc làm này đã bị CLB Sách Sài Gòn phản ứng dữ dội vì vi phạm bản quyền các đầu sách có mặt tại Việt Nam. Trước luồng dư luận này, nhóm CTV sách nói - Yeah1 Network với hơn 2.000 thành viên trên Facebook đã chuyển từ trạng thái hoạt động công khai sang nhóm kín và thay đổi tên thành Hội yêu thích sách. Tuy nhiên, trước động thái từ CLB sách Sài Gòn, phía Yeah1 Networlk được cho là vẫn cho thu âm những đầu sách như: Totto-Chan bên cửa sổ, Nhà giả kim, Một lít nước mắt,... của một số đơn vị phát hành, nhà xuất bản như: Nhã Nam, NXB Trẻ, NXB Văn học, Alphabooks,… nhưng chưa hề mua bản quyền hay xin phép theo đúng luật.
|
Totto-Chan bên cửa sổ |
Hôm qua (12/7), một thành viên thuộc Yeah1 Network lại tiếp tục đăng tải trên trang cá nhân về việc dịch quyển sách Marketing 4.0 của Philip Kotler sang tiếng Việt. Trong khi đó, NXB Trẻ đang giữ độc quyền việc dịch quyển sách này sang tiếng Việt, hợp đồng bản quyền do NXB Trẻ ký với tập đoàn xuất bản John Wiley & Sons, Inc có hiệu lực từ tháng 12/2016.
Đây chỉ là những ví dụ mới nhất cho tình trang vi phạm bản quyền sách trên môi trường số. Việc tự dịch sách đã được mua bản quyền, tự viết lại sách đã được mua bản quyền và dịch để đăng tải lên mạng là chuyện gần như "khổ lắm, nói mãi" nhưng vẫn không có dấu hiệu dừng lại. Các diễn đàn sách nói trên mạng cũng ngày càng tăng về số lượng, và dĩ nhiên là 2 chữ "bản quyền" không hề được quan tâm.
Sử dụng công cụ tìm kiếm với những từ khoá như: khosach..., taisach..., sachnoi..., không khó để tìm đọc những quyển sách phổ biến như: Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi, Hạt giống tâm hồn, Quà tặng diệu kỳ,… Thậm chí, một số đơn vị còn tạo ra các ứng dụng trên điện thoại di động để dễ dàng phát tán các bản sách ra thị trường.
|
Sách Hạt giống cho tâm hồn |
Liên lạc với bà Lệ Chi, Giám đốc của công ty Chibooks, bà cho rằng việc làm này là mối nguy lớn cho ngành xuất bản.
“Nhiều đơn vị ngang nhiên cho thu âm sách nói phát hành trên kênh Youtube. Những đơn vị đi sau, dù thật sự có bản quyền, nhưng vì phát hành trên kênh này sau nên khả năng lớn sẽ bị báo cáo vi phạm bản quyền. Một lần nữa, thiệt hại lại nằm về phía sở hữu quyền hợp pháp với quyển sách. Vì thế, chuyện mất bản quyền sách là hoàn toàn có thể xảy ra”, bà Lệ Chi nhận định.
Nói về việc này, ông Nguyễn Huy Toàn - Giám đốc phát triển Văn hoá công ty sách Trí Việt cũng không giấu được sự bức xúc. Hiện tại, Trí Việt có 2 phương thức mua bản quyền sách, mua theo đầu sách và mua theo năm. Thậm chí có những quyển sách cực kì hút độc giả, đơn vị này vẫn bắt buộc phải mua theo năm, 5 năm kí lại một lần để được tái bản. "Nhưng những đơn vị sản xuất trái phép chỉ cần những bản in, scan file PDF là hoàn toàn có thể lưu hành trong một thời gian dài, phát tán rộng. Họ chẳng tốn nhiều chi phí mà thu lợi lại rất lớn. Trong khi việc đọc sách trên mạng nay rất phổ biến”, ông Toàn nói.
|
Yeah1 Network là đối tác của Youtube nên sẽ được ưu tiên hơn về mặt nội dung |
Với những đầu sách nước ngoài đưa về Việt Nam, theo bà Lệ Chi, nếu muốn phát hành e-book phải tốn một số tiền gấp đôi việc mua bản quyền để xuất bản sách giấy, khả năng thu hồi vốn hoặc kiếm lời là mong manh nên chưa nhiều đơn vị chính thống muốn thực hiện. Trong khi đó, một đơn vị không hề tốn tiền bản quyền lại được ngang nhiên sử dụng và tạo ra tác phẩm phái sinh với mục đích thu lợi. “Với tình trạng này, 10 năm hoặc thậm chí 5 năm nữa, ngành xuất bản đứng trước nguy cơ bị xoá sổ”, bà Lệ Chi bức xúc.
Vi phạm bản quyền sách trên môi trường số: Chuyện cũ nhưng không thể giải quyết dứt điểm
Tình trạng bản quyền sách bị vi phạm một cách công khai, mặc nhiên trên môi trường internet không chỉ xảy ra gần đây, thậm chí từ nhiều năm trước nhưng đến hiện tại vẫn nan giải. Theo bà Lệ Chi, có 4 nguyên nhân dẫn đến tình trạng dai dẳng trên: ý thức người dân, thói quen khó bỏ, mục đích ban đầu là chia sẻ phi lợi nhuận bị bóp méo và luật chưa thể xử lý triệt để.
|
Việc phát tán sách vi phạm bản quyền trên mạng là chuyện không mới nhưng chưa thể giải quyết dứt điểm vì những bất cập nhất định |
Trong đó, ý thức về bản quyền, về quyền sở hữu trí tuệ của người dân chưa được nâng cao đúng mức. Trong khi đó, việc sử dụng sách vi phạm bản quyền trên môi trường số đã được người dân xem là hiển nhiên từ trước đến nay.
"Ngoài ra, ban đầu, việc chia sẻ sách trên môi trường số có thể xuất phát từ mục đích tốt, ở phạm vi bạn bè, nhưng về sau lại càng lan rộng, khó quản lý. Chưa kể những đơn vị kinh doanh lợi dụng việc này để trục lợi. Vì thế, để tra tận gốc, xử lý là không hề dễ. Một số đơn vị, ban đầu cho độc giả đọc miễn phí bằng cách cung cấp những tài khoản. Nhưng sau đó, khi đủ số lượng thành viên, lại bắt người đọc trả phí bằng cách hình thức khác nhau, phổ biến nhất là thẻ nạp", bà Lệ Chi lý giải.
Cũng theo bà, tuy các quy định hiện hành để bảo vệ các đơn vị xuất bản, phát hành trước tình trạng vi phạm bản quyền ở môi trường số đã có, nhưng lĩnh vực này vẫn còn rất mới mẻ tại Việt Nam, phạm vi lại rộng, chưa có cơ quan chuyên môn để giám sát, theo dõi thường xuyên nên tình trạng này cứ tái đi tái lại. Đó là lý do dẫn đến tình trạng sách cứ bị vi phạm bản quyền một cách ngang nhiên, công khai trên mạng.
|
Chibooks, một đơn vị đang lên tiếng mạnh mẽ về việc vi phạm bản quyền sách trên môi trường internet |
“Về phía Chibook, chúng tôi đã thiệt hại rất nhiều từ việc vi phạm bản quyền trên môi trường số như thế này, thậm chí không thể đong đếm được. Nhiều lần, chúng tôi cũng kêu cứu nhưng tình hình cũng không khả quan hơn. Các cá nhân, các nhóm dịch, viết sách vi phạm bản quyền tung lên mạng khi bị phát hiện thì lập tức chuyển đổi hình thức hoạt động", bà Lệ Chi than thở.
“Tính về số lượng, con số đã lên đến hơn 300 đầu sách. Từ sách về việc học ngoại ngữ cho đến những sách về giá trị cuộc sống như: Hạt giống tâm hồn, Đắc nhân tâm, Xin đừng làm mẹ khóc, Những câu chuyện cảm động về mẹ… đều bị vi phạm bản quyền trắng trợn. Không chỉ sách mua bản quyền mà sách do chính đơn vị chúng tôi biên soạn vẫn bị như thế”, ông Nguyễn Huy Toàn cho biết về tình hình bị vi phạm của Trí Việt.
Trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền sách, Trí Việt gần như là đơn vị mạnh mẽ nhất với việc tự điều tra, thu thập chứng cứ và khiếu kiện trong thời gian qua, nhưng vẫn không ngăn được tình hình.
"Môi trường mạng quá rộng, phạm vi tìm kiếm, khảo sát không thể bao quát được. Thứ hai, nếu có phát hiện thì cũng không xử lý được vì số lượng rải rác, quá nhỏ để có thể áp dụng luật. Họ chấp nhận đóng phạt từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng để tiếp tục thực hiện việc vi phạm bản quyền. Hơn nữa, hiện tại, một đầu sách có quá nhiều cơ quan chức năng quản lý, dẫn đến chồng chéo trách nhiệm. Khi xảy ra việc không biết vin vào ai để xử lý”, ông Toàn nói.
|
Đắc nhân tâm, một trong những quyển sách bán chạy của Trí Việt bị vi phạm bản quyền nặng nề về việc bị phát tán trên mạng lẫn in lậu |
Tình trạng vi phạm bản quyền sách không chỉ khiến các đơn vị kinh doanh sách chân chính bị thiệt hại, mà uy tính của thị trường xuất bản Việt Nam giảm sút trong mắt các đối tác quốc tế. Để giảm thiểu thiệt hại do tình trạng này, các đối tác đã nâng mức chiết khấu từ 8% lên đến 12% dựa theo doanh số bán ra trên mỗi đầu sách. Lúc này, "trăm dâu" lại đổ lên đầu đơn vị kinh doanh sách chân chính.
Việc vi phạm bản quyền sách không dừng lại ở chuyện vi phạm pháp luật, mà còn đó là nền tảng nhận thức, thể hiện sự phát triển của một đất nước. Tuy nhiên, căn bệnh trầm kha này lại kéo dài trong suốt những năm qua, người trong cuộc cứ lên tiếng, kẻ bên ngoài cứ nhởn nhơ, còn cơ quan chức năng lại chưa có thuốc trị triệt để.
Thuỵ Khuê