Những ngày này, dư luận trong nội bộ thầy cô lẫn học sinh Trường THCS Mỹ An râm ran chuyền nhau câu hỏi “được nâng mấy điểm môn địa lý?”. Kỳ thi học kỳ I kết thúc đã lâu và kết quả học kỳ của học sinh cũng đã được thông báo cho phụ huynh, nhưng câu hỏi điểm thực chất của học sinh là bao nhiêu vẫn khiến nhiều thầy cô trăn trở, bức xúc.
Từ điểm kém thành giỏi
Một giáo viên của trường này bộc bạch: “Vào kỳ thi học kỳ I năm học 2019-2020, nhiều học sinh lớp tôi chủ nhiệm có than vãn chuyện điểm thi học kỳ I môn địa lý không công bằng. Các học sinh cứ hỏi vì sao có bạn thi 1 điểm mà cuối cùng thành 8 điểm, được nâng đến 7 điểm? Một bạn khác 5 điểm được lên 9 điểm, nâng 4 điểm? Nhưng có bạn thi được 7,5 điểm thì được nâng lên 8,5 điểm; chỉ được nâng 1,5 điểm? Rõ ràng bạn thi được 7,5 điểm giỏi hơn bạn được 5 điểm, nhưng sau khi nâng điểm thì bạn 7,5 điểm thấp hơn bạn 5 điểm?… Tôi cũng không biết trả lời sao với học trò”.
Chúng tôi trao đổi với nhiều học sinh khối lớp Bảy trường này, các bạn đều thừa nhận được “cho thêm” điểm. Như V.M.T. (học sinh lớp 7/5) thừa nhận có việc được nâng điểm: “Điểm kiểm tra học kỳ I môn địa lý của tôi không cao. Tôi được nâng lên hai điểm. Các bạn trong lớp cũng được nâng điểm hết luôn”. Nhiều bạn cùng lớp của V.M.T. cũng thật thà xác nhận việc nâng điểm môn địa lý còn nguyên nhân thì các học sinh này không biết.
Thật bất ngờ khi chúng tôi so hết hơn 160 bài thi học kỳ I môn địa lý của học sinh khối Bảy thì ngần ấy bài thi bị thay đổi điểm. Đáng nói, toàn bộ sự thay đổi điểm đều là nâng lên chứ không có bài bị hạ điểm. Xét về quy chế coi và chấm thi, nhiều bài thi thậm chí không đúng quy chuẩn, có bài thiếu chữ ký giám thị coi thi, có bài không có chữ ký của cả hai giám khảo chấm thi… Ở phần điểm thi, sau khi liệt kê các điểm số thành phần, tính ra tổng điểm (cả bằng chữ và số) thì điểm thi mới được thêm vào một cách trắng trợn bằng số ngay bên dưới điểm tổng thực tế của bài thi.
Lớp 7/1 có 33 bài thi được nâng điểm. Trong đó, bài thi được nâng điểm ít nhất 0,75 là bài thi của học sinh C.N.A.D. từ 9,25 lên 10 điểm. Bài thi được nâng điểm nhiều nhất là của Đ.N.M.T. từ 4,5 lên 9 điểm. Nghĩa là học sinh này được “tặng” đến 4,5 điểm.
Tương tự, lớp 7/2 có 31 bài thi bị thay đổi điểm. Học sinh Đ.K.M. có điểm thực tế là 3,5 được cho thêm 5 điểm nữa. Nhưng vẫn chưa hào phóng bằng trường hợp học sinh N.H.S., từ 2,75 được sửa thành 8,25 điểm. Đặc biệt có trường hợp học sinh N.M.M., lớp 7/4 từ 2,5 điểm được “hô biến” thành 8,5 điểm. Dù bài làm chỉ đạt điểm yếu kém nhưng được cho thêm đến tận 6 điểm để đạt điểm giỏi.
Ngoài ra, trường này còn có 34 học sinh của lớp 7/3 và 35 học sinh của lớp 7/5 được thay đổi điểm thi môn địa lý trong kỳ thi học kỳ I vừa qua. Thật không thể ngờ, trong môi trường giáo dục mà những nhà sư phạm có thể gian dối với quy mô lớn như thế.
Xôn xao dư luận nhưng trường im, phòng giáo dục “né” phóng viên
Theo cô Phạm Thị Ngọc Thúy, giáo viên môn sử Trường THCS Mỹ An và cô Phạm Thị Yến, nhân viên nhà trường, các cô chấp nhận đứng ra tố cáo là để bảo vệ quyền lợi học sinh vì thấy quá bất công và muốn nhắc nhở giữ sự liêm chính trong môi trường sư phạm.
Một trong số những bài thi được nâng điểm
Cũng theo cô Yến, ban đầu cô N.T.B.Ng., giáo viên môn địa của trường, chính là giáo viên ra đề kiểm tra học kỳ I rồi chuyển đến Phó hiệu trưởng nhà trường Châu Chánh Ngôn. Thầy Ngôn lại tiếp tục chuyển đề đến thầy Ng.H.Th. - giáo viên mới chuyển về trường từ năm học này. Tuy nhiên, phần chấm điểm và sửa điểm, nâng điểm học sinh lại trở về do cô N.T.B.Ng. thực hiện.
Trước những thông tin chấn động này, sáng 5/5, chúng tôi đến Phòng Giáo dục và Đào tạo H.Mang Thít liên hệ làm việc thì được một cán bộ nơi đây cho biết các lãnh đạo đều bận đi họp. Liên hệ qua điện thoại để hẹn làm việc thì ông Đỗ Phi Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo H.Mang Thít, nhiều lần nói sẽ hẹn lại sau chứ không có một thời gian cụ thể. Theo ông Sơn, “vụ việc vẫn đang tiến hành chưa ngã ngũ. Hôm nay, có buổi họp có Sở Giáo dục và Đào tạo nữa. Khi nào xong, cũng chưa biết”.
Chúng tôi tiếp tục hẹn gặp tại trường để có buổi làm việc thì ông Sơn lại tiếp tục: “Chờ vì tìm hướng xử lý, sự việc đang thụ lý, xác minh, còn thời gian chừng nào xong cũng chưa biết. Buổi họp vẫn còn hai vụ việc đang xác minh tìm hướng xử lý. Khi chín chắn đàng hoàng mới có thể trả lời được với báo chí”.
Cũng trong ngày 5/5, chúng tôi đến Trường THCS Mỹ An, liên hệ Ban giám hiệu nhà trường để tìm hiểu về vụ việc nhưng bất thành. Trước đó, chúng tôi đã cố gắng liên lạc bằng điện thoại (số cá nhân lẫn số nhà trường), nhắn tin nhưng không nhận được phản hồi nào từ lãnh đạo nhà trường.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, buổi họp tại Trường THCS Mỹ An có sự tham dự của Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long, Trưởng phòng chuyên môn, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo H.Mang Thít và Ban giám hiệu nhà trường.
Chiều 5/5, trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long, cho biết: sở đã nhận được thông tin của cô Phạm Thị Ngọc Thúy và đơn tố cáo của cô Phạm Thị Yến về việc nâng điểm môn học xảy ra tại Trường THCS Mỹ An. Quy trình xử lý vụ việc thuộc thẩm quyền của H.Mang Thít. Tuy nhiên, sai phạm của một vài cá nhân làm ảnh hưởng đến cả ngành giáo dục của tỉnh.
“Quan điểm xuyên suốt của sở là nếu có sai phạm thì cá nhân bị xử lý nghiêm, tuyệt đối không bao che và đảm bảo quyền lợi của học sinh là trên hết. Chúng tôi sẽ giám sát xuyên suốt quá trình xử lý. Chậm nhất vào thứ Bảy tuần này (ngày 9/5) sẽ có kết quả và thông tin đến báo chí”, ông Ngoãn khẳng định.
Được biết, ngày 4/5, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có công văn chuyển đơn tố cáo của công dân liên quan đến vấn đề nâng điểm gửi về UBND H.Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long để giải quyết theo thẩm quyền và gửi báo cáo giải quyết về bộ trước ngày 30/6/2020.
Tổ trưởng chuyên môn cho điểm khống và cho học sinh kiểm tra hai lần để lấy điểm cao
Phòng Giáo dục và Đào tạo H.Mang Thít đã có văn bản trả lời đơn tố cáo của cô Phạm Thị Yến, nhân viên thư viện Trường THCS Mỹ An, vào ngày 21/4. Cô Yến từng gửi ba đơn tố cáo đến Phòng Giáo dục và Đào tạo liên quan đến hai cá nhân là nhà giáo. Trong đó, cô Yến tố ông Trần Ngọc Linh, tổ trưởng chuyên môn tiếng Anh của Trường THCS Mỹ An, làm sai quy chế chuyên môn, cho điểm khống…
Sau khi nhà trường kiểm tra học kỳ I xong, ngày 23/12/2019, ông Trần Ngọc Linh cho hai lớp 8/1 và 8/4 kiểm tra 15 phút hai lần trong cùng một tiết học. Kết quả xác minh cho thấy, hành vi trên là có thật. Ông Trần Ngọc Linh thừa nhận có thực hiện kiểm tra 15 phút hai lần trong một tiết học. Thầy giải thích do kiểm tra lần một, học sinh dưới điểm trung bình nhiều nên cho kiểm tra lần hai và lấy bài có điểm cao hơn để vào sổ.
Chưa hết, vị tổ trưởng chuyên môn này còn bị phản ánh ghi khống điểm kiểm tra miệng lớp 8/4 trong học kỳ I năm học 2019-2020. Thực tế có bảy học sinh của lớp này dù chưa kiểm tra miệng nhưng vẫn được ông Linh cho điểm.
Hoàn cảnh khó khăn, nhưng nhiều sinh viên không những vượt qua mà còn có thành tích học tập rất tốt, tham gia nghiên cứu khoa học, làm gia sư miễn phí...
Chiều 14/11, tại Hà Nội, diễn ra buổi gặp mặt các nhà giáo của chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” và tuyên dương “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương.