Xe chè vừa đẹp mắt vừa ngon miệng của cô Lộc, hàng chè “ma” lặng lẽ đi qua 70 năm thăng trầm, hay hàng chè Hiển Khánh vẹn nguyên những giá trị của Sài Gòn xưa… chỉ là ba trong số hàng ngàn quán chè lớn nhỏ ở Sài thành.
Qua bao nhiêu năm tháng, những quán chè lâu đời này vẫn giữ được nét duyên thanh tao, ngọt ngào của ẩm thực Nam bộ.
Chè cô Lộc - Đinh Tiên Hoàng, Q.1
Cứ độ tan tầm, mặc dòng người đông như mắc cửi, bất kỳ ai đợi đèn xanh tại ngã tư Đinh Tiên Hoàng - Nguyễn Đình Chiểu đều không thể rời mắt khỏi xe chè vô cùng hấp dẫn của cô Lộc. Chỉ là một chiếc xe đẩy đơn giản, xung quanh rải dăm ba chiếc ghế gỗ, phía trên treo lủng lẳng mười mấy bịch chè căng bóng, đủ màu sắc.
“Đồ nghề” của cô Lộc khiêm tốn thế thôi, nhưng đã đi qua hơn 40 mùa mưa nắng cùng người đàn bà tuổi ngoài 60.
Xe chè nhỏ nhưng sự "trù phú" của nó khiến bất cứ hàng chè nào cũng phải dè chừng. Có đến 23 loại chè đặc sệt Nam bộ như chè đậu xanh, đậu đen, chè hạt sen, chè bưởi, chè thưng, chè trôi nước... với giá từ 10.000 đồng - 15.000 đồng/ly tùy loại. Tất cả đều được đích thân cô Lộc chăm chút từ nguyên liệu cho đến hương vị của từng loại chè.
Bán buôn lâu năm, có những khách ăn chè cô Lộc từ lúc còn bé tí, giờ đã mấy mặt con. Và rồi khách lại dẫn theo con đến quán chè năm xưa của mẹ, vừa tìm lại dư vị ngọt ngào, vừa kể cho các con nghe những câu chuyện chỉ còn trong ký ức.
Chè “ma” - Trần Hưng Đạo B, Q.5
Được người dân xung quanh đặt cho nhiều biệt danh khá rùng rợn và có phần kỳ quái như “chè âm phủ”, “chè ma”, “chè nhà đèn”, “chè cột điện”, nhưng mấy ai biết, quán chè nhỏ nằm trong chợ Soái Kình Lâm, trên đường Trần Hưng Đạo B đã có tuổi đời lên đến 70 năm.
Ban đầu, đây chỉ là một gánh chè đậu xanh nhỏ của một phụ nữ người Hoa. 70 năm sau đó, qua hai đời con cháu, gánh chè nhỏ năm nào vẫn tồn tại và được nhiều người biết đến, tựa một nhân chứng sống giữa thăng trầm lịch sử của Sài Gòn.
Nguyên nhân quán chè bị gán cho những biệt danh kỳ bí, có lẽ xuất phát một phần từ giờ mở cửa của quán: bắt đầu từ buổi chiều chập choạng và kết thúc lúc nửa đêm. Với 20 loại chè quen thuộc như sâm bổ lượng, hạnh nhân, chè đậu xanh, đậu đỏ, cùng một số món của người Hoa như hột gà chưng, hột gà nấu trà đường, chè hạt sen, chè đậu phộng, chè mè đen, nhãn nhục, bạch quả, củ năng… chè “ma” trở thành một trong những điểm ăn vặt được người Sài Gòn ưa chuộng.
Thậm chí khách ở tận Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi cũng không ngại đường sá xa xôi tìm đến rồi trở thành khách quen hồi nào không biết.
Chè Hiển Khánh - Nguyễn Đình Chiểu, Q.3
Hiển Khánh từng là một trong những quán chè nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn trước năm 1975. Không bán nhiều món như hai hàng chè trên, chỉ vỏn vẹn chè thạch cát trắng, chè kho ướp lạnh và chè đậu xanh, chè Hiển Khánh vẫn có một vị trí vững chắc trong lòng người Sài Gòn nhờ cái vị thanh tao, tinh tế không lẫn vào đâu được của nước đường ướp với hương hoa lài.
Không chỉ tồn tại những vật dụng chỉ có ở thế kỷ trước như chiếc khăn trải bàn ni-lông hoa văn sặc sỡ, hay những chiếc ghế gỗ cũ sờn, quán còn giữ được phong vị xưa bằng việc phục vụ những loại bánh truyền thống như bánh gai, bánh đậu xanh, bánh su sê… được đặt mua từ tận Hải Dương, Huế, Đồng Nai.
Sài Gòn có nhiều quán chè lâu đời, nhưng có lẽ không nơi đâu giữ được vẹn nguyên giá trị xưa cũ như ở Hiển Khánh, và đó cũng là lý do người Sài Gòn vẫn cứ tìm về quán, dù ở thời này, họ chắc chắn có nhiều chọn lựa hơn.
Vĩnh Trinh