Vì một thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em

16/10/2017 - 10:19

PNO - Ngoài cơ chế, chính sách, phải quan tâm thực sự đến việc thực thi, kiểm tra, giám sát. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân, bằng thái độ sống tích cực, thân thiện, cần chủ động tham gia xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt.

Ngày 17/10, sẽ diễn ra chương trình “Lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ, đối thoại với cán bộ Hội, hội viên phụ nữ (PN)”. Dự kiến tại đây, lãnh đạo Hội LHPN TP.HCM và các nữ đại biểu sẽ nêu ý tưởng về chương trình Xây dựng thành phố an toàn, thân thiện với PN và trẻ em.

Vi mot thanh pho an toan, than thien voi phu nu va tre em
 

Chưa thực sự an toàn, thân thiện

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, thực tế, PN và trẻ em bị bạo hành, phân biệt đối xử về giới vẫn còn phổ biến và chưa có xu hướng giảm; cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ các nhu cầu vui chơi, giải trí cho trẻ em còn hạn chế; mô hình cơ sở trợ giúp PN và trẻ em tuy đã được nhân rộng nhưng chưa phát huy hết vai trò. 

Là một PN khuyết tật phải ngồi xe lăn, chị Dương Đình Thảo Phương (36 tuổi, ngụ tại Q.10, TP.HCM) thừa nhận, bản thân luôn gặp khó khi tham gia giao thông. Đường sá nay đập chỗ này, mai đào chỗ kia khiến người khỏe mạnh còn khó khăn khi di chuyển, nói chi đến người khuyết tật. Vẫn còn phổ biến tình trạng xe buýt “bỏ rơi” hành khách chống nạng, ngồi xe lăn hoặc bị khiếm thị.

Một số nơi đã có nhà vệ sinh công cộng miễn phí, nhưng người khuyết tật hầu như không dùng được vì phòng quá nhỏ, xe lăn không thể chen vào. “Triều cường liên miên, ngập ngay cả trong mùa nắng, kẹt xe, tội phạm trộm cướp quá manh động... khiến chúng tôi mệt mỏi, bất an” - chị Thảo Phương ngao ngán.  

Muốn an toàn, phải xây dựng 

Trong buổi nói chuyện chuyên đề “An toàn với PN tại nơi làm việc và không gian công cộng” do Hội LHPN TP.HCM tổ chức vào chiều 10/10 vừa qua, ông Dean Laplonge - Giám đốc và chuyên gia cố vấn cấp cao của Tổ chức Factive - cho rằng, vấn đề an toàn của PN thường bị bỏ qua.

Vi mot thanh pho an toan, than thien voi phu nu va tre em

Điều này khiến PN phải đối mặt với bạo lực thể chất, tinh thần ở nhà lẫn nơi làm việc. Ông cho rằng, rất cần có sự đảm bảo an toàn dựa trên tri thức giới (gender smart safety) để giúp PN an toàn tại nơi làm việc lẫn không gian công cộng.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu đề xuất, TP.HCM nên xây dựng một kênh tiếp nhận và xử lý nhanh chóng các nhu cầu của người dân, đặc biệt là PN và trẻ em, nhằm giúp các đối tượng này có thể chủ động trong việc bảo vệ quyền lợi bản thân.

Phó giáo sư, tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn - Phó hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM, Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam - cho rằng, muốn xây dựng một thành phố an toàn, thân thiện với PN và trẻ em thì cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội, môi trường sống đều phải hướng đến mục tiêu này.

Muốn vậy, ngoài cơ chế, chính sách, phải quan tâm thực sự đến việc thực thi, kiểm tra, giám sát. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân, bằng thái độ sống tích cực, thân thiện của chính mình, cần chủ động tham gia xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt. 

Bạo hành, quấy rối tình dục còn phổ biến

* Năm 2014, Tổ chức phi chính phủ ActionAid Việt Nam đã cùng Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và môi trường trong phát triển tiến hành một cuộc khảo sát với 2.046 người (từ 16 tuổi trở lên) tại Hà Nội, TP.HCM về thái độ, trải nghiệm cá nhân liên quan đến quấy rối tình dục nơi công cộng.

Có đến 87% PN và trẻ em gái từng bị quấy rối tình dục dưới các hình thức trêu ghẹo, bình phẩm vẻ bề ngoài, cố ý sờ mó, nhìn chằm chằm vào bộ phận nhạy cảm trên cơ thể, bị gợi ý/ép quan hệ tình dục để được nâng điểm hoặc thăng chức, giữ việc.

Khảo sát này cũng chỉ ra: PN và trẻ em gái ở tất cả các nhóm nghề nghiệp đều từng bị quấy rối 2-5 lần trong đời, trong đó học sinh, sinh viên bị quấy rối cao nhất (60%), tiếp đó là nhóm nhân viên văn phòng, công chức, người giúp việc nhà, thất nghiệp...

Tại TP.HCM, những địa điểm thường xảy ra quấy rối tình dục là Bến xe Miền Đông, Công viên Gia Định, nhà vệ sinh công cộng, đường phố, xe buýt... 

* Theo một nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình, 58,3% PN đã từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực gia đình.

Tại TP.HCM, theo báo cáo của Ban Vì sự tiến bộ PN và bình đẳng giới,  từ tháng 9/2015 - 9/2016, TP.HCM xảy ra 58 vụ bạo lực gia đình, trong đó 47/58 nạn nhân là nữ từ 16-59 tuổi và 15/58 vụ việc phải xử lý hình sự. 

Thảo Nguyên


M.Nhi - T.Lê - H.Chi - K.Thủy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI