Vì miếng đất, anh em tan tác

22/10/2020 - 09:38

PNO - Khi tôi cúi xuống giường, ghé tai chú nói: “Chiều nay bố mẹ con và hai cô sẽ về”, nước mắt tràn ra và chảy trên thái dương gầy gò của chú.

Biết tin chú út bệnh nặng, tôi hỏi bố mẹ có về không. Mẹ thở dài: “Tùy cha con bây!”

Tôi hiểu vì sao mẹ dành phần cho cha con tôi quyết định. Thứ nhất tiền tàu xe từ Sài Gòn ra Nam Định không ít; thứ hai, là những mâu thuẫn từ ngày xưa của bố và chú út, liệu chúng tôi đã quên chưa?

Ông bà nội có bốn người con, bố tôi lớn nhất. Học hết lớp chín bố nghỉ học đi làm phụ nuôi em. Ba đứa em đứa nào cũng học hành đàng hoàng. Chú út không ở lại thành phố lớn, mà về quê, chú nói trong đám con phải có người ở nhà cùng cha mẹ.

Gà cùng một mẹ. Ảnh minh họa
Gà cùng một mẹ. Nguồn ảnh: Internet

Bố và hai cô thấy vậy cũng đúng, nhiều năm trời, hàng tháng ba anh em thay phiên nhau gửi tiền về cho chú út chăm lo cho ông bà.

Bố theo người làng vào tận miền Nam rồi gặp mẹ, sinh ra anh em tôi. Vì xa xôi khó khăn, hai ba năm bố mới đưa gia đình về thăm bên nội một lần.

Hồi ông nội mất, hai cô rỉ tai bố, nói chú út gần đây đổi tính, làng xóm thấy chú lớn tiếng hỗn hào với ông bà. Hai cô nói, đang khi bà còn sống, có cái nhà với mảnh vườn đó, chia đều cho con cháu tránh sau này bất hòa.

Ý kiến đưa ra, chú út giãy nảy, nói rằng nhà của bố mẹ mà mấy anh chị đòi chia là chia sao, mẹ còn sống đó mà. Chú dè bỉu: "Thảo nào người ta nói “của cha mẹ là của con, chứ của con không bao giờ là của cha mẹ”. Nghe chú út nói, bố và hai cô đành im lặng

Rồi bà nội mất, hai cô nhắc chuyện nhà đất, chú út thản nhiên: "Mấy anh chị đi đông đi tây, nhà cửa có đủ. Tôi hy sinh đời mình, về nhà chăm cha mẹ, không làm ăn được gì. Giờ có cái nhà anh chị đòi chia. Làm người ai làm vậy?".

Chú nói mà không nhớ chuyện bố tôi hàng tháng gửi tiền về biếu ông bà, dù chúng tôi lúc ấy còn đang phải thuê nhà. Chú cũng không nhớ chuyện hai cô ở gần vẫn qua lại phụ chăm ông bà. Khi hai cô nhắc, chú út phản bác: "Tiền đấy to lắm hả". Rồi chú kể khi ông ốm bà đau ai nâng giấc, ai vất vả đêm hôm, sống với người già đổi tính căng thẳng thế nào...

Để chấm dứt câu chuyện, chú út đưa ra cái sổ hồng mang tên chú từ một năm trước.

Bố tôi khuyên can thế nào hai cô cũng không chịu, quyết làm đơn kiện ra toà. Làng xóm nhìn anh em tranh chấp đất đai lắc đầu: “Gà cùng một mẹ...”

***

Hơn hai mươi năm sau, nhà tôi không về quê, cũng không nhắc gì đến cô chú.

Chú út có giấy tờ hợp pháp trong tay nên đương nhiên thắng kiện. Nhưng có được mảnh đất rộng thì cắt ra bán dần, khi thì mua xe cho con, khi để tiêu dùng. Hai con chú học hết cấp III thì lần lượt có gia đình, đưa vợ chồng về ở chung. Cháu nội cháu ngoại ra đời, chú thím thành người giữ trẻ không công, còn phải nghe những cãi cọ hàng ngày của đám con.

Chú thím than mệt, thì hai đứa con nói, một là ngăn đôi cái nhà cho hai đứa, chú thím ở với ai thì tùy, hoặc chúng nó cứ ở như vậy giữ đất, vì chúng đều sợ ra khỏi nhà thì cái sổ hồng đổi tên lúc nào ai biết. Chú trừng mắt mắng, chúng bảo: "Con học bố chứ ai". Nghe đám con hỗn hào, chú đau đớn thở dài.

Nay chú út nằm đó, nhà đông người mà ngoài thím chẳng ai chăm. Bệnh tới nước cuối, bệnh viện trả về cũng chỉ có người nhà ra vào. Tôi biết tin chú bệnh nặng qua một người hàng xóm.

Các con chú không hề tôn trọng cha và đồng tiền cha cho. Chú tiếc nhớ tình thâm ở phút cuối cuộc đời. Ảnh minh họa
Các con chú không hề tôn trọng cha và đồng tiền cha cho. Chú tiếc nhớ tình thâm ở phút cuối cuộc đời. Ảnh minh họa

Lúc tôi tới, chú út chỉ còn da bọc xương, nằm thiêm thiếp. Căn nhà nay cũng xập xệ, đâu còn như xưa, không khí ẩm mốc và lạnh lẽo.

Ghé tai chú, tôi nói: “Chiều nay bố mẹ con và hai cô sẽ về thăm chú”. Tôi thấy nước mắt tràn ra và chảy ngang vùng thái dương gầy gò của chú.

Thảo Nhiên (Tân Phú, TPHCM)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI