Trước thông tin này, phóng viên báo Phụ nữ TP.HCM đã có buổi trao đổi với bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên ngành nhiễm nhi, Trưởng Khoa Nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM - nhằm cung cấp thông tin chính thống liên quan tới căn bệnh, giúp người dân phòng tránh và các bác sĩ cảnh giác, hạn chế bỏ sót khi chẩn đoán.
Phóng viên: Thưa bác sĩ, vì sao whitmore được gọi là vi khuẩn ăn thịt người?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên ngành nhiễm nhi, Trưởng Khoa Nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM: Dùng từ vi khuẩn ăn thịt người để miêu tả về whitmore là không chính xác.
|
Vi khuẩn ăn thịt người (aeromonas hydrophila) |
Trên thế giới đúng là có tồn tại vi khuẩn ăn thịt người (aeromonas hydrophila) vì khi tiếp xúc tiết ra độc chất làm phân hủy khiến thịt bị thối rữa nhưng đây không phải loại chúng ta đang bàn.
Whitmore là một bệnh truyền nhiễm được các nhà khoa học Pháp phát hiện ở Việt Nam gần 100 năm trước. Ca bệnh do whitmore đầu tiên được ghi nhận trên thế giới tại Myanmar năm 1912. Hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa, bệnh nhân được nâng đỡ thể trạng và điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu. Tháng 8/2019, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận 12 ca nghiêm trọng do vi khuẩn whitmore được chuyển đến từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ. Từ tháng 7 - 11 (mùa mưa) là giai đoạn cao điểm của bệnh do whitmore. |
Whitmore là bệnh được gây ra bởi vi khuẩn gram âm burkholderia pseudomallei (trước đây có tên gọi là pseudomonas pseudomallei), tồn tại trong đất bùn, hay gặp ở khu vực miền Trung và miền Đông Nam bộ nước ta.
Vi khuẩn xâm nhập qua các vết trầy xước trên da khi con người tiếp xúc với bùn đất (hay gặp ở người lớn đi làm đồng, trẻ em bơi lội, đùa nghịch ở những nơi ao tù, nước đọng...), sau đó đi vào máu. Mùa mưa là điều kiện thuận lợi để chúng phát triển.
Nhiễm vi khuẩn whitmore gây ra bệnh cảnh nhiễm trùng máu, sốt cao, đa áp-xe... Bởi bệnh không phổ biến nên người ta không dịch ra tên tiếng Việt.
* Từ trước tới nay bác sĩ đã gặp và điều trị bệnh nhân nào bị nhiễm vi khuẩn whitmore chưa? Cơ hội sống sót, hồi phục của những bệnh nhân này thế nào?
- Bệnh do whitmore ở Việt Nam có từ lâu rồi, đây là bệnh hiếm nhưng không xa lạ. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, năm nào chúng tôi cũng gặp vài ca nhiễm vi khuẩn whitmore. Cách đây vài tháng khoa tôi vừa điều trị cho một bệnh nhi từ Campuchia. Cháu bé 16 tháng tuổi nhập viện với bệnh cảnh viêm màng não, sốt cao, nhiễm trùng da, áp-xe phổi.
Khi cấy máu thì phát hiện ca này dương tính với whitmore. Chúng tôi đã điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu trong vòng một tháng. Sau đó, tình trạng bệnh nhi thuyên giảm, ổn định nên được xuất viện điều trị ngoại trú bằng thuốc. Ca này đến nay đã hồi phục, không để lại di chứng.
|
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, sự khó khăn trong điều trị bệnh nhiễm vi khuẩn whitmore là dễ bị bỏ sót khi chẩn đoán |
* Vậy điều gì khiến bác sĩ và bệnh nhân lo sợ khi điều trị một ca nhiễm vi khuẩn whitmore?
- Chúng tôi sợ nhầm lẫn ở khâu chẩn đoán. Tôi muốn nhấn mạnh lý do các ca bệnh nhiễm whitmore tự dưng được nhắc đến rầm rộ trong khi nó đã xuất hiện từ lâu. Ngoài việc giúp người dân nâng cao ý thức phòng tránh, đây còn là cách các bác sĩ đánh động cho đồng nghiệp của mình, nhất là đồng nghiệp ở tuyến dưới cẩn trọng để đừng bỏ qua khi chẩn đoán.
Triệu chứng của bệnh nhân nhiễm whitmore rất giống với biến chứng áp-xe trên bệnh nhân tiểu đường; dễ nhầm với bệnh viêm phổi kéo dài, nhiễm trùng huyết không rõ nguyên nhân...
Vi khuẩn whitmore lại chỉ nhạy với 2-3 loại kháng sinh (Ceftazidime, Bactrim). Quan trọng ở chỗ bác sĩ có nghĩ tới nguyên nhân gây bệnh là do whitmore hay không, nếu nghĩ tới thì chỉ cần cấy máu là thấy ngay và điều trị đúng loại kháng sinh là ổn.
Những ca tử vong đa phần do bỏ qua căn bệnh này, điều trị quá xa nguyên nhân gây bệnh, làm chậm trễ thời gian cũng như lỡ mất cơ hội cứu sống bệnh nhân.
* Khi nhiễm whitmore, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng gì?
- Bệnh chia làm hai dạng cấp tính và mạn tính. Cấp tính: bệnh nhân bị tổn thương phổi, suy hô hấp, co giật. Mạn tính: sốt cao kéo dài, tổn thương áp-xe da, bệnh tiến triển dần dần làm da lở loét từ từ.
Điều trị bệnh do whitmore rất tốn thời gian, mất một quá trình từ 3-6 tháng. Có thể bệnh thuyên giảm nhưng vài tháng sẽ tái phát nên cần được theo dõi kỹ. Những đối tượng nguy cơ cao có thể nhiễm bệnh là người suy giảm miễn dịch (AIDS, ung thư, đang hóa trị, tiểu đường...), người làm việc đồng áng, trẻ em ở vùng nông thôn.
|
Hai bệnh nhi được phát hiện nhiễm bệnh Whitmore sau một thời gian chữa quai bị tại nhà |
Không điều trị, 90% bệnh nhân sẽ tử vong Người lớn mắc bệnh whitmore nhiều hơn trẻ em, nhất là những người lao động chân tay, thường tiếp xúc nhiều với bùn đất, nước bẩn, nếu trên cơ thể đã có vết trầy xước, vi khuẩn Burkholderia pseudomallei sẽ từ vết xước đi vào máu gây nhiễm trùng máu hay áp-xe hoại tử nhiều cơ quan, trong đó có vùng da bị bệnh gây hoại tử nên bị nhầm lẫn là bị nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người”. Bác sĩ Đỗ Tiến Sơn, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết vi khuẩn gây bệnh whitmore thường có ở đất, bùn bẩn, nước mặt (ao, hồ, kênh rạch, mương máng) bị ô nhiễm, truyền trực tiếp vào con người và động vật khi tiếp xúc. Gia súc, thú nuôi cũng có thể nhiễm bệnh này. Whitmore có thể lây từ người sang người nhưng cực kỳ hiếm. Nếu không được điều trị, 90% bệnh nhân sẽ chết. Ở bệnh nhân được phát hiện và điều trị hồi sức kịp thời, tỷ lệ tử vong vẫn còn 20%. Đường lây nhiễm chính qua tiếp xúc các vết trầy xước trên da với đất hoặc nước có vi khuẩn. Bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất có vi khuẩn trong những trận gió lốc xoáy trước cơn mưa. Chưa có bằng chứng về việc lây bệnh giữa người với người hoặc từ động vật sang người qua đường không khí. Các triệu chứng thường xuất hiện hai đến bốn tuần sau khi tiếp xúc với vi khuẩn. Nông dân, người hay tiếp xúc với bùn, đất có tiền sử đái tháo đường, người nghiện rượu, người có bệnh mạn tính về phổi và thận là những người có nguy cơ mắc bệnh whitmore. Thời gian ủ bệnh trung bình 9 ngày với các triệu chứng khác nhau tùy vùng vi khuẩn xâm nhập. Ở người lớn, đa số bệnh nhân mắc bệnh có biểu hiện viêm phổi kèm nhiễm khuẩn huyết, viêm bàng quang, có các vết mưng mủ trên da, một số trường hợp còn có biểu hiện viêm cơ, viêm khớp hoặc viêm màng não. Trẻ em thường có các triệu chứng: viêm mủ tuyến nước bọt mang tai, sốt cao, viêm phổi, áp-xe ở lách và thận, hay các ổ nhiễm khuẩn trên da, đặc biệt ở vùng đầu, mặt và cổ. |
Phòng tránh bệnh Whitmore Khi tiếp xúc với đất hay nước bẩn phải có găng tay, ủng bảo vệ, sau đó phải rửa sạch tay chân ngay. Trẻ em tránh chơi, bơi ở bùn lầy, đất bẩn, đất nông nghiệp, ao tù nước đọng, ao nuôi cá, tôm... nhất là tại vùng đang có ca bệnh. Người đang có vết thương hở, trầy xước chân tay hoặc viêm loét của bệnh mạn tính (đái tháo đường, bệnh thận) tránh tiếp xúc trực tiếp với nước đọng, đất bẩn. Nếu bị trầy xước trong khi chơi, làm việc, cần vệ sinh vết thương với xà phòng, đến trạm y tế để được xử lý đúng cách. Theo dõi vết thương để đi khám kịp thời đồng thời báo với bác sĩ về tiền sử có trầy xước khi chơi với đất bẩn. Không được chủ quan lơ là các vết thương hay triệu chứng bệnh dù nhỏ nhất. |
Thanh Huyền - Phạm An