Vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm diệt được khối u não

13/01/2017 - 07:00

PNO - Chủng vi khuẩn đường ruột Salmonella có thể là công cụ mới chống lại bệnh ung thư ở não.

Nhóm kỹ sư y sinh tại Đại học Duke (Mỹ) “tuyển dụng” đội quân vi khuẩn thuộc chủng Salmonella, vốn thường gây ngộ độc thực phẩm, để tham gia cuộc chiến chống lại một trong những dạng ung thư nguy hiểm nhất ở não là u nguyên bào thần kinh đệm.

Căn bệnh này rất khó điều trị bằng thuốc, bởi các mô não tách khỏi các mạch máu chính. Đồng thời, bác sĩ cũng  rất khó để loại bỏ hoàn toàn khối u thông qua phẫu thuật, vì mảnh vụn nhỏ còn sót lại cũng sẽ sinh ra các khối u mới.

Ngay cả dưới sự chăm sóc y tế tốt nhất hiện có, thời gian sống trung bình của bệnh nhân chỉ khoảng 15 tháng, và tỷ lệ sống sót sau 5 năm kể từ khi chẩn đoán không quá 10%.

Vi khuan gay ngo doc thuc pham diet duoc khoi u nao
Vi khuẩn Salmonella

Vì vậy nhóm nghiên cứu từ Đại học Duke quyết định theo đuổi lựa chọn điều trị tích cực bằng vi khuẩn Salmonella. Sau một số thay đổi di truyền, các kỹ sư biến vi khuẩn thành “tên lửa truy kích” tiêu diệt ung thư bằng cách đưa ra lệnh tự hủy từ sâu bên trong khối u.

“Thách thức lớn trong điều trị u thần kinh đệm là khối u phân tán không có cạnh rõ ràng. Vì vậy, chỉ vi khuẩn mới có thể tích cực tìm ra những khối u, sau đó sản sinh protein tự hủy với “kíp nổ” là điều kiện thiếu oxy xảy ra khi tế bào ung thư phát triển quá nhanh,” các tác giả cho biết.

Ngoài ra, vì nhóm đã vô hiệu hóa độc tính tự nhiên của vi khuẩn, chúng sẽ không gây ra phản ứng miễn dịch nào nguy hiểm cho vật chủ.

Vi khuan gay ngo doc thuc pham diet duoc khoi u nao
Vi khuẩn Salmonella (màu hồng) tấn công tế bào ung thư (xanh dương) trong thí nghiệm. (Ảnh: NeuroscienceNews.com)

Các xét nghiệm trên chuột ở giai đoạn cực đoan của bệnh cho thấy các khối u thuyên giảm hoàn toàn, giúp tỷ lệ sống sót sau 100 ngày tăng thêm 20%, tương ứng với 10 năm tuổi thọ ở con người.

Ở 80% còn lại, biện pháp điều trị không làm thay đổi thời gian sống của chuột thí nghiệm. Các nhà nghiên cứu kết luận sự vô hiệu trên dường như do mâu thuẫn trong quá trình xâm nhập của vi khuẩn, hoặc các khối u phát triển nhanh hơn dự tính. Dù vậy, mọi con chuột đều cho thấy dấu hiệu cải thiện tích cực sau điều trị.

Từ kết quả nghiên cứu, nhóm kỹ sư y sinh tại Đại học Duke đang lên kế hoạch sản xuất nhiều loại vi khuẩn khác nhau, đồng thời xem xét những tác dụng phụ tiềm năng nhằm tạo ra chế phẩm mạnh mẽ hơn trong nhiệm vụ tiêu diệt khối u.

Bảo Tùng (Theo Neuroscience News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI