Vi khuẩn “ăn thịt người” không tồn tại ở bể bơi

22/05/2013 - 10:39

PNO - PN - Đó là khẳng định của PGS-TS Lê Văn Phủng, Trưởng bộ môn Vi sinh (Đại học Y Hà Nội) trước thông tin có vi khuẩn “ăn thịt người” tại các ao hồ và bể bơi. Theo PGS-TS Phủng, vi khuẩn này có tên Aeromonas hydrophila, nó là vi khuẩn...

Vi khuan “an thit nguoi” khong ton tai o be boi

Vi khuẩn “ăn thịt người” không tồn tại ở bể bơi. Ảnh minh hoạ: daithegioiwaterpark.com.vn

Theo ThS-BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư), trong 10 trường hợp (năm 2010 - 2011), có bảy ca không xác định được yếu tố phơi nhiễm. Ba ca còn lại thì có tiếp xúc với nước bẩn và ăn hàu sống. Trong số này, có bảy bệnh nhân bị xơ gan, nhập viện với các biểu hiện sốt, vàng da, vàng mắt tăng dần. Ba bệnh nhân còn lại là những người khỏe mạnh, chỉ khởi đầu là sốt, tiêu chảy rồi nhanh chóng đi vào tình trạng hoại tử lan rộng trên da và các tổ chức, sốc và suy đa phủ tạng.

Tuy nhiên, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cũng xác nhận, tuy ghi nhận các ca nhiễm Aeromonas hydrophila với biểu hiện đặc trưng gây hoại tử vùng cổ, ngực, chân tay… nhưng không phải thể bệnh đã phát hiện trên nhiều bệnh nhân ở Mỹ nhiễm chủng này.

Aeromonas hydrophila là loại vi khuẩn quen thuộc ở các nước phát triển, nhưng ít được quan tâm. Vi khuẩn này, đầu tiên người ta phát hiện ra từ những người hay nằm trong phòng có điều hòa không khí và những triệu chứng đầu tiên là trên đường hô hấp (ho, có thể khò khè, khó thở...). Về sau, người ta thấy có nhiều thể bệnh khác nhau, từ nhẹ tới nặng hoặc rất nặng (nhiễm trùng huyết). Các biến chứng như viêm bất chợt ở một hoặc nhiều vị trí trên cơ thể (cơ, não...) là các diễn biến thông thường của bệnh nhiễm trùng huyết nói chung, chứ không riêng vi khuẩn này.

Theo nghiên cứu, đây là loại vi khuẩn thường thấy ở những vùng nước ngọt hoặc lợ. Nó có thể lây qua đường hô hấp, tiêu hóa hoặc trực tiếp qua các vết thương trên da. Tuy nhiên, vi khuẩn này dù dễ gặp, nhưng khó sinh bệnh. PGS-TS Phủng khuyến cáo, những người dễ mắc bệnh là những người đang mắc một bệnh nhiễm trùng nào đó như bệnh phổi, bệnh nhiễm virus, các loại bệnh có suy giảm miễn dịch, dùng thuốc làm giảm sức đề kháng, đặc biệt là những người hay tiếp xúc với nước.

 Trúc Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI