Vì họ là nữ chiến binh

19/05/2018 - 06:30

PNO - Bạn sẽ sống như thế nào khi biết mình chỉ còn vài ngày, vài tháng hay vài năm để sống?

Có lẽ nhiều người đã từng nghe câu hỏi này nhưng ít khi bạn dành thời gian để trả lời một cách nghiêm túc. Bạn sẽ đùa vì cho rằng, đó là việc quá xa xôi, chẳng bao giờ đến với mình và nếu có thì cũng… chẳng sao! Thế nhưng, với họ, những phụ nữ trong những tấm hình này, bất chợt một ngày câu hỏi đó đến bằng một hình thức đáng sợ nhất, thông qua kết quả xét nghiệm: K vú giai đoạn… 

Vi ho la nu chien binh
Nụ cười của các “nữ chiến binh”

Đó là lúc họ bỗng nhận ra cuộc sống của mình là hữu hạn. Con đường đi đến cái hạn cuối cùng ấy cũng hoàn toàn không đơn giản. Nó là việc cắt xẻ da thịt đau đớn. Nỗi đau không chỉ nằm trong máu chảy, da thịt tổn thương mà còn là điều hết sức khủng khiếp: mất đi những bộ phận đẹp nhất, niềm tự hào kín đáo nhưng đặc biệt nhất của phụ nữ: bầu ngực, mái tóc… Cùng với sự mất mát đó, họ có thể sẽ mất hạnh phúc, tình yêu, mất cả gia đình.

Vi ho la nu chien binh
Những chiếc váy lụa mềm khiến họ thấy mình nữ tính và duyên dáng

“Ung thư vú đã thay đổi cuộc sống của tôi” - đó là lời khẳng định cay đắng của những phụ nữ mắc phải căn bệnh quái ác này. Mỗi người có thời gian đấu tranh với căn bệnh khác nhau, có người trải qua 7 năm sau đợt hóa trị cuối cùng, có người chỉ vài tháng. Họ cũng có số phận khác nhau sau căn bệnh, người thì được yêu thương, đùm bọc nhiều hơn, chăm sóc thiết tha, chung thủy hơn; có người lại nhận từ người đàn ông của mình sự từ chối phũ phàng, tàn nhẫn.

Liệu trình chữa bệnh của họ hoàn toàn khác nhau, nên chi phí tốn kém cũng khác nhau, có người phải chi trả lên tới 700 - 800 triệu đồng, có người tốn 300 - 400 trăm triệu đồng. Những toa thuốc hóa học, những tia xạ trị đánh vào thân thể mỏng manh, yếu đuối đàn bà gây nên những cơn đau, những biến đổi, vật vã hành hạ, tổn thương tinh thần và thể xác, cũng khác nhau. Rụng tóc, rụng móng, nhức buốt toàn thân như bị dao đâm, lửa đốt, ung thư di căn vào xương, vào bán cầu não, liệt cả hai chân, có người từng nghĩ mình không còn cơ hội trở về với cuộc sống.

Vi ho la nu chien binh
Hơn một năm sau thời gian chữa bệnh, Bích Thủy vẫn chưa dám bỏ mái tóc giả. Nhưng giờ đây, cô tìm được niềm tin rằng, mình rất đẹp, với những gì thực sự là của mình, từ tinh thần, đến cơ thể

Thế nhưng, trong những tấm hình này, nụ cười của họ đẹp hơn sóng biển, ánh mắt họ rực sáng hơn nắng biển, tinh thần tự do, phóng khoáng như gió biển. Dường như thứ hạnh phúc mà họ có được hôm nay đã vượt qua những niềm vui nhỏ bé, bình thường. “Sau khi bị bệnh, tôi yêu cuộc sống hơn. Những sân si, giận hờn, ham muốn vật chất ngày trước mà vì nó, tôi đã rất khổ sở giờ không còn ý nghĩa. Mỗi ngày sống là một ngày quý giá, tôi cần phải sống hết mình cho nó, vì nó. Điều gì muốn làm, dù chỉ là một kiểu tóc, một hình xăm, một chuyến đi đâu đó hay lớn hơn: nói với ai đó rằng, tôi yêu thương họ… tôi đều làm ngay, không chờ ngày mai, ngày kia hay năm này, năm sau nữa. Vì thế, thật kỳ lạ, từ khi bị bệnh, với tôi cuộc sống đẹp đẽ và ý nghĩa hơn rất nhiều” - đó là những điều bạn có thể nghe được từ câu chuyện của chị Hồng Anh, chị Ái Nghĩa, chị Nguyễn Thị Phượng…

Vi ho la nu chien binh
Trước ống kính của các nhiếp ảnh gia, họ tin là mình rất đẹp
Vi ho la nu chien binh
Niềm vui của những “nữ chiến binh” trước biển

Ai đó từng nói rằng, con người trưởng thành nhất, thông minh, mạnh mẽ nhất là khi họ trải qua đớn đau và mất mát. Ở bên họ, bạn sẽ hiểu điều đó một cách sâu sắc. Họ nhìn cuộc sống bằng sự cảm nhận mọi màu sắc, mùi vị, âm thanh. Ý thức về sự cần thiết phải có sức mạnh để tiếp tục chiến đấu nên họ gom góp cho mình mọi nguồn năng lượng, bắt đầu từ việc làm đẹp cho gương mặt, mặc một chiếc áo lụa mềm, tập những động tác yoga khỏe mạnh và cười rạng rỡ. Họ tin mình đẹp, đó là vẻ đẹp sâu thẳm của những con người có nội lực tuyệt vời.

Vi ho la nu chien binh
Bệnh tật không thể quật ngã cô gái Bích Thủy, 27 tuổi

Họ ngồi bên nhau trong một quán cà phê xinh đẹp ở Sài Gòn, cùng xem lại những bức hình ghi lại khoảnh khắc vui sống với nụ cười rạng rỡ. Một người không thể đến gặp mặt, cô nhắn tin: “Em vừa siêu âm về, bác sĩ phát hiện được hai khối echo trong gan. Có thể là di căn. Em phải nhập viện. Mọi người cứ vui nhé”. Tất cả im lặng, lo lắng, chia sẻ. Họ gửi lời động viên bạn mình: “Cố gắng lên, chúng ta là những chiến binh”. 

Đó là cuộc sống của họ với muôn vàn sắc thái và tuyệt đẹp.

 Thúy Trâm

Bộ ảnh được cung cấp bởi Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam. Trang phục của nhà thiết kế Lam. 
Các nhân vật trong ảnh là những phụ nữ mắc căn bệnh ung thư vú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI