Giun ăn phải nhựa, chim và cá ăn giun
Đảo Great Cumbrae nằm ngoài khơi bờ biển Ayrshire của Scotland. Cô Daniella Hodgson - một nghiên cứu sinh tại Royal Holloway, Đại học London - đang đào một cái hố trên cát ở một bãi biển lộng gió, trong khi những con chim biển lượn vòng trên đầu cô. “Tìm được một nè” - cô bật khóc, ném chiếc thuổng của mình xuống cát.
|
Đại dương nhựa, theo Trung tâm Phân tích và tổng hợp sinh thái quốc gia (NCEAS), thuộc Đại học California, Hoa Kỳ |
Cô mở bàn tay của mình, để lộ ra một con giun cát đang quằn quại. Bị kéo lên từ cái hang của nó dưới lòng đất, sinh vật khiêm nhường này không khác gì... con chim hoàng yến trong mỏ than. Trong tiếng Anh, thành ngữ “hành động như chim hoàng yến trong mỏ than” được dùng như một phép ẩn dụ cho mọi cảnh báo nguy hiểm, nghiêm trọng sẽ tới.
Thành ngữ này bắt nguồn từ một thực tế: thuở xưa, những người khai thác than thường đem theo chim hoàng yến vào mỏ. Nếu thợ mỏ thấy chim hoàng yến bị bệnh hoặc chết, đó là dấu hiệu cho thấy có khí độc và họ sẽ phải rời khỏi mỏ than ngay tức thì.
Có thể gọi chim hoàng yến là “hệ thống cảnh báo sớm động vật học” đối với khí độc hay khói, đặc biệt trong trường hợp mỏ than nằm sâu dưới lòng đất.
Với nghiên cứu vi hạt nhựa, giun cát được coi như “lính gác” cho nhựa, vì khi nuốt cát, nó sẽ ăn bất kỳ hạt nhựa nào lẩn trong cát. Sau đó, khi trở thành con mồi, giun cát sẽ truyền những hạt nhựa ấy vào chuỗi thức ăn cho chim và cá.
“Chúng tôi muốn xem có bao nhiêu nhựa trên bờ biển, trong trầm tích ở đó và những gì động vật đang ăn” - cô Daniella Hodgson cho biết - “Chúng có mặt ở khắp mọi nơi. Vi hạt nhựa có thể được tìm thấy ở biển, trong môi trường nước ngọt ở sông hồ, trong khí quyển, trong thực phẩm”.
|
Cô Daniella Hodgson trong phòng thí nghiệm |
Có rất nhiều câu hỏi chưa được trả lời về tác động của những mẩu nhựa nhỏ ấy, xuất phát từ những mảnh nhựa lớn hơn, từ mỹ phẩm và cả từ quần áo. Câu hỏi đặt ra là, trong vài chục năm, vi hạt nhựa đã “đi” được bao xa trên hành tinh này?
“Đó là những loại nhựa nào, hình dạng, màu sắc và kích cỡ ra sao? Chúng tôi cần những thông tin đó cho các thí nghiệm, nhằm xem xét tác động của việc ăn phải nhựa nơi các động vật khác nhau” - cô nói.
Giáo sư David Morritt - người lãnh đạo nhóm nghiên cứu của Đại học Royal Holloway - chỉ vào đoạn dây bện màu xanh và các mảnh chai nhựa bị cuốn dạt cùng rong biển ở vịnh Kames, nói: “Nó đến từ đâu, ấy là câu hỏi nhiều triệu USD. Bằng cách xác định loại polymer, và sau đó bằng cách kết hợp với việc sử dụng các polymer đã biết, đôi khi bạn có thể đoán được loại nhựa đó có thể đến từ đâu”.
Thời đại đồ nhựa
Vi hạt nhựa là một trong những chất gây ô nhiễm phổ biến nhất trên hành tinh, xuất hiện từ phần sâu nhất của đại dương cho tới dạ dày của cá voi và chim biển. Việc sử dụng nhựa mang tính chất bùng nổ trong mấy chục năm gần đây, tới nỗi các vi hạt nhựa đang trở thành một phần thường xuyên nơi đá trầm tích của trái đất.
Khi nghiên cứu trầm tích đá ở ngoài khơi bờ biển California (Hoa Kỳ), tiến sĩ Jennifer Brandon đã phát hiện bằng chứng đáng lo ngại về tình yêu đồ nhựa của chúng ta đang để lại dấu vết không thể xóa nhòa trên hành tinh.
“Tôi nhận thấy sự gia tăng theo cấp số nhân của vi hạt nhựa bị bỏ lại trong hồ sơ trầm tích của chúng ta, và sự gia tăng theo cấp số nhân của vi hạt nhựa phản ánh sự gia tăng theo cấp số nhân trong sản xuất nhựa” - cô nói. Theo cô, nhựa đang ra ngoài đại dương và bỏ lại nó trong hồ sơ hóa thạch của chúng ta.
Khám phá ấy gợi ý rằng, sau thời đại đồ đồng và thời đại đồ sắt, nay chúng ta bước vào thời đại đồ… nhựa. “Trong hàng chục, hàng trăm năm nữa kể từ nay, nhựa sẽ được dùng nhiều nhất, như điểm đánh dấu địa chất của những gì chúng ta đã bỏ lại” - tiến sĩ Brandon, thuộc Viện Hải dương học Scripps, Đại học California ở San Diego (Hoa Kỳ), nói.
Một ẩn số lớn là làm thế nào vi hạt nhựa có thể ảnh hưởng đến sinh vật. Hồi tháng Tám năm nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố một báo cáo kết luận rằng, cần nhiều nghiên cứu và bằng chứng hơn về việc các hạt nhựa trong nước máy và nước đóng chai không gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.
Theo tiến sĩ Brandon, chúng ta cần biết “điểm số nhựa” của những con vật được chế biến thành thức ăn dọn ra cho chúng ta: “Những vi hạt nhựa ấy đủ nhỏ để sinh vật phù du, polyp san hô và trai vẹm ăn lọc, nhưng làm thế nào chúng tích lũy sinh học lên chuỗi thức ăn?”. Tiến sĩ Brandon cảnh báo: “Khi bạn ăn một con cá lớn, đó là con cá tự ăn nhựa, hay nó đã ăn hàng ngàn con cá nhỏ mà những con cá nhỏ đó đã ăn hàng ngàn sinh vật phù du đã xơi hàng loạt vi hạt nhựa”.
Tại phòng thí nghiệm của Đại học Royal Holloway, các mẫu nước và trầm tích thu thập từ đảo Great Cumbrae đã được lọc để loại bỏ nhựa, được kiểm tra dưới kính hiển vi, cùng với nhựa được tìm thấy trong động vật biển. Cô Daniella Hodgson cho biết, có nhựa trong tất cả các mẫu, bao gồm cả động vật, nhưng đặc biệt là ở vịnh Kames trên bờ biển phía nam của hòn đảo.
Những động vật như cá voi, cá heo và rùa đang ăn những mảnh vụn nhựa lớn như túi nhựa, có thể khiến chúng bị chết, nhưng rất nhiều bit dữ liệu đang cho thấy hiệu ứng tinh tế hơn của việc ăn vi hạt nhựa. “Nó có thể không gây hại, như giết chúng, nhưng theo thời gian, có thể có tổn thương tế bào, có thể ảnh hưởng tới cân bằng năng lượng của chúng, và tới cách chúng có thể đối phó với điều đó. Vì vậy, trong thời gian dài, nó có thể gây ra những tác động khó chịu cho tới tận dòng giống” - cô nói.
“Chúng tôi biết rằng có rất nhiều vi hạt nhựa, và chúng tôi tiếp tục tìm thấy nó ở mọi nơi chúng tôi tìm kiếm. Nhưng những tác động của nó tới sức khỏe, và cách nó thực sự ảnh hưởng đến động vật và con người, chúng ta chỉ mới bắt đầu vạch ra bề mặt của những câu hỏi đó” - tiến sĩ Brandon nhận định.
Nhựt Minh (theo BBC)