Trong khi với đàn ông, nói chuyện là để làm cho rõ ràng mọi điều, thì ngược lại, đàn bà càng nói càng bí ẩn, thông tin đưa ra cứ như chỉ dừng ở cấp độ... mật mã, khiến người đàn ông của họ bao phen chật vật, khổ sở.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Tôi có người bạn kết hôn khá muộn, sau khi đã kịp yêu... năm, bảy cô; làm “anh kết nghĩa” của dăm ba cô khác. Tình trường vào loại “không phải dạng vừa”, từng điêu đứng với phụ nữ không ít phen, khi “rửa tay gác kiếm”, anh đúc kết: “Phụ nữ trên đời phải có đến… vài tỷ mô-típ nhưng chỉ có chung một căn bệnh kinh điển là... có vấn đề với nghĩa của từ”.
Một buổi sáng hẹn hò, anh đến nhà đón nàng. Nàng xuất hiện với gương mặt nhăn nhó, đầu tóc rối bù, bộ đồ ngủ bèo nhèo: “Anh lên phòng chờ em chút!”. Theo vào phòng, anh lại thấy nàng vò đầu bứt tóc trước những cánh cửa tủ mở toang: “Em không có đồ mặc!” - như để lý giải cho sự trễ hẹn và vẻ mặt đầy đau khổ của mình.
Anh nghe mà… choáng vì trong chiếc tủ rộng hơn 2m trước mắt anh treo chật kín quần áo. Lại một ngăn xếp bên trên chồng đống những chiếc đầm còn chưa gỡ mác. Chữ “không” (có đồ mặc) còn có nghĩa khác trong trường hợp này chăng? Từ sau lần ấy, anh cứ nghĩ, hình như cái cảm giác “nghèo” như đã là một nỗi ám thị với phụ nữ, thể hiện rõ nhất ở trang phục. Lúc nào nàng cũng thấy mình thiếu quần áo. Càng thấy “thiếu” càng mua thêm. Mà càng có nhiều quần áo mới, nàng càng thường xuyên than thở rằng mình... “chẳng có gì để mặc”. Vấn đề hóa ra chẳng phải ở quần áo!
Đưa nàng đi ăn sáng, anh lướt qua con phố ăn uống quen thuộc với đủ thể loại hủ tíu, phở, bún... mời mọc: “Em thích ăn gì thì nói anh ghé lại chỗ đó nhé!”. Nàng hồ hởi: “Quán nào cũng được. Thời tiết này ăn món gì cũng ngon!”. Sẵn một quán bún bò Huế phía trước, ngay bên tay phải, anh vừa giảm tốc độ, vừa hỏi: “Bún bò nhé!”. Nàng cuống quýt: “Món khác đi anh. Gì cũng được, trừ bún bò”. Anh nhìn sang bên kia đường: “Bánh cuốn?” “Em vừa ăn bánh cuốn hôm qua” - nàng từ chối. “Phở?” “Phở hơi nặng nề với em lúc này”.
Anh sốt ruột: “Em cố nghĩ xem em thích ăn gì.” Nàng tiếp tục... dễ tính: “Trừ ba món ấy thì món gì cũng được!”. Anh hoang mang thật sự! Rồi sau một lúc “trừ” món này, “trừ” món kia, người tình “dễ tính” của anh cũng xác định cơm tấm là món “có thể chấp nhận được”. Rắc rối này dường như là... nỗi khổ thường nhật đối với đàn ông.
Trong một chuyến công tác, đến công đoạn mua quà cho vợ, anh lướt qua hàng khăn, quyết định chọn một chiếc. Lựa tới lựa lui vẫn thấy không ổn, anh nảy ra sáng kiến chụp ảnh cả gian hàng bán khăn, gửi về cho nàng thoải mái chọn. Sau một hồi “phỏng vấn” để có thêm thông tin, nàng quyết: “Anh chọn giữa chiếc màu hồng và màu tím nhé, em thích hai màu đó”. Được lời như cởi tấm lòng, anh chọn nhanh chiếc màu tím. Với anh thì màu nào cũng đẹp, nàng đã chỉ dẫn cụ thể đến thế còn gì!
Thế nhưng, lúc nhận quà nàng lại không hào hứng như anh nghĩ. Gượng cười, gượng nói cảm ơn chồng xong, nàng như ấm ức: “Thế chiếc khăn màu hồng thì sao? Nó không đẹp như trong hình hả anh?”. Anh vô tư: “Đẹp chứ!”. Mặt nàng chợt buồn xo: “Vậy anh không thích nó hả?”. Lúc này, anh mới vỡ lẽ, lòng ngùn ngụt nỗi oán trách trí khôn của mình đã bỏ đi đâu trong thời khắc quyết định ấy, mà ngờ nghệch không hiểu nàng muốn… cả hồng lẫn tím.
Không chỉ lận đận đường... “số lượng” với mật mã kiểu “chọn một hay lấy hết”, “thích hết hay chỉ thích một”; những người-ở-gần-đàn-bà còn phải sống chung với những thách thức giao tiếp khác, muôn hình vạn trạng. Vào trung tâm thương mại, sẵn đang trò chuyện về nhan sắc phụ nữ, hai vợ chồng lấy ngay ví dụ từ những cô gái đi qua trước mắt. Ngày cuối tuần, trung tâm mua sắm dập dìu khách, cô nào cũng xinh tươi, chỉn chu. Câu chuyện nhan sắc đã kết thúc, nhưng sau khi đi chung thang máy với một cô gái trẻ đẹp, vợ lại quay sang hỏi chồng: “Anh thấy cô lúc nãy có xinh không?”. Chồng thật thà gật đầu. Rồi chỉ vài câu đẩy đưa của vợ là anh mất cảnh giác huyên thuyên về vóc dáng, da dẻ, nét mặt của người “bạn đường” thoáng chốc mà... oan nghiệt ấy. Vợ anh chỉ “ngậm mà nghe”.
Suốt quãng đường về là một không khí im lặng đáng sợ. Chỉ thỉnh thoảng vợ anh lại bâng quơ: “Nếu em không sinh hai đứa nó, chắc giờ cũng không đến năm mươi ký đâu ha?”. Anh chưa kịp trấn tĩnh với cái “nếu mà” không có thật trong cả quá khứ lẫn hiện tại ấy, vợ lại tiếp: “Hoặc nếu em chỉ sinh con Na rồi ngưng, đừng sinh thêm thằng Tý, chắc em không rạn da dữ vậy đâu ha?”. Lòng tràn đầy ân hận vì phút nông nổi lỡ lời, anh chống chế bằng vài lý luận về “vẻ đẹp của sự gắn bó, thân thuộc, sự đồng hành…”, ý muốn nói đến “nhan sắc vô giá” của người phụ nữ đang ở cạnh mình.
Vợ lập tức ngửa bài: “Thế nhưng anh vẫn thấy những cô gái trẻ thon thả, tươi tắn, mịn màng ngoài kia xinh đẹp đó thôi!”. Thôi đã rõ! Những câu hỏi vừa rồi của vợ hóa ra chẳng phải để hỏi về nhan sắc của cô gái vừa lướt qua, dù câu chữ mười mươi là vậy. Rồi thì, bất kể là nói về nhan sắc của đồng nghiệp, bạn học, hay diễn viên điện ảnh… anh cũng không được phép trả lời đúng trọng tâm nữa. Mà trọng tâm thật sự ở đâu thì chỉ có trời và… vợ anh biết!
Đó là những mẩu chuyện chẳng của riêng ai. Nói về những ẩn số phụ nữ đặt ra hàng ngày, hàng giờ, chắc phải viết cả một trường thiên tiểu thuyết. Chuyện “mật ngôn của đàn bà” thật ra còn lắm tầng cao siêu, nhưng chỉ mới ở mức độ giao tiếp thông thường, ở những trao đổi cơ bản, phe không-phải-đàn-bà cũng đã điêu đứng. Chỉ là chuyện có-không, đẹp-xấu, hoặc “trắc nghiệm” đơn giản chọn một trong 10 món ăn mỗi sáng, cũng... hỏi xoáy đáp xoay thì đúng là... hết đường sống.
Có anh vừa vượt “cửa tử” đã than, chỉ còn thiếu nước ngửa cổ lên trời mà rằng: “Thà nàng dùng ngoại ngữ thì còn biết đường mà tra từ điển, đằng này...”. Đã vậy, lắm nàng còn xem việc “đánh tráo ngữ nghĩa” là chuyện đương nhiên, rồi quy tội đối phương “khô khan”, “không tâm lý”, tệ hơn là “thiếu thiện chí”. Mỗi ngôn ngữ trên thế giới này đều có từ vài chục đến vài trăm cuốn từ điển để giải nghĩa. Nhân loại đã cất công đến thế với chuyện từ ngữ, xin chị em lưu ý đừng làm rối thêm!
Thanh Tân