Thoạt nhìn, toàn cảnh nền nhạc pop của Nhật Bản có vẻ khá rối rắm. Âm nhạc đương đại của xứ sở mặt trời mọc là một sự kết hợp giữa ngọt ngào và sôi động, giữa một nhánh của nền văn hóa kawaii với một thế giới xa lạ khác của những ca sĩ có phần nghiêm nghị với đàn guitar hoặc những tay rap với nhịp điệu phóng khoáng.
Bên cạnh những ca sĩ solo và các nhóm nhạc nam, tương tự như âm nhạc Hàn Quốc hay phương Tây, có một sự kích thích khó tả mà người dân Nhật dành cho các nhóm nhạc nữ.
Hiện tượng này diễn ra với hầu hết các nhóm nhạc nữ, từ nhóm nhỏ như Perfume hay Momoiro Clover Z hay nhóm với số lượng thành viên “khủng” như AKB48 (130 thành viên).
|
Một nhóm nhạc nữ Nhật Bản |
Có thể nói, văn hóa Đông Á thường đánh giá cao sự phối hợp nhịp nhàng và tinh thần đồng đội hơn chủ nghĩa cá nhân, vì thế mà các nhóm và tập thể ở Nhật Bản có xu hướng trội hơn hơn các nghệ sĩ solo.
Trong trường hợp của AKB48, sự cạnh tranh để được một chiếc vé trở thành thành viên chính thức không chỉ gay gắt mà còn rất căng thẳng khi được sản xuất như một chương trình truyền hình thực tế. Nếu đặt chương trình về cuộc chạy đua giành chiếc vé vào AKB48 và X-Factor (Nhân tố bí ẩn) thì X-Factor đột nhiên trở nên “yên bình” hơn gấp nhiều lần.
Vừa qua, Storyville – một series chương trình truyền hình của đài BBC Nhật Bản – đã thực hiện một bộ phim tài liệu có tên Tokyo Girls (đạo diễn: Kyoko Miyake) với mục đích khám phá hiện tượng nhóm nhạc nữ thần tượng – những người được cho là đã góp phần làm nên bộ mặt J-Pop – qua góc nhìn của Rio – một nữ nghệ sĩ đầy tham vọng và lực lượng người hâm mộ trung thành của cô có tên Rio Brothers.
Đa phần người hâm mộ của Rio là đàn ông trưởng thành, có người đã vào độ tuổi trung niên, và tự gọi là otaku – một từ ngữ dùng để chỉ những người bị ám ảnh “nặng” bởi một đối tượng nào đó của nền văn hóa nghệ thuật đương đại, đến nỗi làm giảm khả năng tương tác xã hội của người đó. Nhóm người này có nhiều nét tương đồng với nerd và geek (những khái niệm dùng để chỉ những người hoặc quá thông minh hoặc quá ngốc nghếch đến nỗi lạc lõng khỏi xã hội) trong văn hóa phương Tây.
|
Xã hội Nhật Bản có một sự kích thích lạ lùng đối với nhóm nhạc nữ |
Sự “cuồng” của các otaku có thể tạm ví như cách các bạn trẻ Mỹ “phát cuồng” vì Justin Bieber hay các bạn trẻ Việt Nam đam mê làn sóng Hallyu của Hàn Quốc. Thậm chí có một số trường hợp sẵn sàng từ bỏ sự nghiệp và dành hết tất cả các khoản tiết kiệm của mình để theo đuổi nghệ sĩ mà họ yêu thích.
Đây không phải là một trường hợp cá biệt. Trong khi J-pop vẫn còn rất phổ biến trong mặt bằng văn hoá Nhật Bản nói chung, các fan thần tượng là một nhóm đối tượng xã hội có tính chất hoàn toàn khác so với fan nhạc pop ở Anh.
Với nhóm đối tượng fan thần tượng J-pop, đáng chú ý là số lượng nam giới vượt trội hơn và cũng cao tuổi hơn. Vì vậy, trong khi một số người hâm mộ âm nhạc Nhật ở một độ tuổi nào đó có thể phối lại những bản nhạc của huyền thoại Radiohead, thì một số khác lại cặm cụi, tỉ mỉ từng chút một để làm… fansign cho buổi trình diễn sắp tới của thần tượng.
Đa phần các nữ nghệ sĩ thần tượng sẽ chọn hình tượng nữ sinh trung học vui nhộn và ngây thơ. Ngay cả Babymetal - một nhóm nhạc chuyên vận dụng tính nhạy cảm đặc thù của J-Pop với thể loại heavy metal – còn có các ca khúc mang nội dung về… kẹo chocolate hay nhảy nhót hơn là quỷ Satan hay tình dục – hai chủ đề phổ biến của thể loại heavy metal.
|
Các otaku cuồng nhiệt |
Theo những gì bộ phim tài liệu lí giải thì có rất nhiều dạng nghệ sĩ để khán giả lựa chọn trở thành thần tượng của mình, bởi hiện tại, số lượng nữ nghệ sĩ thần tượng ở Nhật Bản đã lên đến 10.000 người! Họ trình diễn qua webcam trực tiếp cũng như ở các tụ điểm nhỏ như quán bar karaoke được gọi là cà phê thần tượng. Riêng khu Akihabara của Tokyo là trung tâm của các hoạt động thần tượng - một ngành công nghiệp được cho là mang lại 1 tỷ đô-la một năm.
Theo nhà bình luận văn hóa Akio Nakamori, có một lý do kì lạ và đầy bất ngờ liên quan đến kinh tế giải thích vì sao những người này lại dành thời gian và toàn bộ sự quan tâm cho các thần tượng. Bà cho biết, hiện tượng xã hội này có mối liên hệ khá mật thiết đến cuộc suy thoái của Nhật Bản: “Có những điểm tương đồng giữa London vào những năm 70 của thế kỉ trước và Tokyo hiện tại, đó chính là nền kinh tế trì trệ và bối cảnh văn hóa đang chết dần chết mòn. Từ đó, con người ta tìm đến những giá trị mới mẻ hơn, như cách London sản sinh ra ban nhạc Sex Pistols, và với Nhật Bản trong trường hợp này là văn hóa thần tượng”.
Vì vậy, cốt lõi của vấn đề nằm ở sự phản văn hoá và cả yếu tố tư bản, tương tự như nền nhạc pop ở phương Tây. Đáng chú ý là, âm nhạc Nhật Bản “gốc” không bao giờ đề cập trực tiếp đến cảm xúc tiêu cực như thể loại grunge của Âu Mỹ với phần lời thường giận dữ, tập trung vào các chủ đề như sự xa lánh xã hội, sự thờ ơ, sự hạn chế và khát khao tự do. Thay vì đưa những cảm xúc đau đớn vào các thể loại như punk rock, nền văn hoá thần tượng mang đến một sự giải thoát qua những giai điệu huyền ảo của nền văn hóa kawaii.
|
Dành tất cả cho thần tượng |
Tương tác giữa nghệ sĩ và fan cũng có “nghi thức riêng” với các thông số quan sát chặt chẽ và sự kỳ vọng. Có những fan không nghĩ gì ngoài việc làm sao kiếm ra được hàng ngàn đô-la/tháng phục vụ cho một cuộc gặp gỡ và chào hỏi (meet and greet) để nhận về một chiếc đĩa CD trị giá khoảng 10 đô-la Mỹ cùng cái bắt tay và một bức ảnh chụp chung với thần tượng.
Tất nhiên, hiện vật như chiếc đĩa và bức ảnh chụp chung với thần tượng chỉ là một phần rất nhỏ của sự hấp dẫn trị giá hàng ngàn đô la này. Phần lớn nhất nằm ở việc, loại hình dịch vụ này đã chứng tỏ một điều rằng những thần tượng không hề nằm ngoài tầm với mà hoàn toàn có thể tiếp cận được.
Cơn sốt thần tượng còn mang một hiệu ứng bất ngờ, trong đó các nữ thần tượng- những người thường phải có lịch trình làm việc dày đặc- đã đạt được một vị thế tương đối mới trong văn hoá Nhật Bản. Nhà báo Minora Kitahara giải thích: “Trong nền văn hoá thần tượng, phụ nữ là những ngôi sao. Điều này dường như không hề có ở bất kì khía cạnh nào khác trong xã hội Nhật Bản – nơi đàn ông chúng tôi luôn là lực lượng chủ lực”.
Tuy vậy, bước đột phá này dường như chỉ diễn ra với một số đối tượng trong giới thần tượng chứ không phải tất cả. Bởi hồi năm 2013, trên kênh Youtube của nhóm AKB48 đã đăng tải video quay cảnh thành viên Minami Minegishi (khi ấy chỉ mới 20 tuổi) vừa khóc vừa cạo đầu để xin lỗi công chúng sau khi bị phát hiện rời nhà bạn trai lúc sáng sớm.
|
Thành viên Minami Minegishi của nhóm AKB48 cạo đầu xin lỗi khán giả vì bị phát hiện qua đêm ở nhà bạn trai |
Ở đây xuất hiện một sự tương đồng ngược với các nhóm nhạc nam phương Tây và các fan nữ của họ. Cụ thể, các nhóm nhạc nam luôn được đánh giá là biểu tượng của sự lãng mạn đối với những fan còn quá trẻ và thiếu kinh nghiệm để nhận thức đâu là tình yêu thật sự. Và nếu sự giải thích mang tính phỏng đoán này có chứa một phần nào đó của sự thật thì ta có thể áp dụng nó để giải thích điều tương tự trong trường hợp của Rio Brothers – những người đàn ông luôn coi tình yêu đích thực là một triển vọng khó khăn, trông giống sự thỏa hiệp hơn hay chỉ đơn giản là một mục tiêu họ chẳng thể nào đạt được.
Vì thế, có vẻ như các nghệ sĩ thần tượng giúp các otaku hồi tưởng lại khoảng thời gian mà những niềm vui và sự lạc quan hoàn toàn hữu hình, và thay vì đối mặt với thực trạng chán chường hoặc có khả năng gây thất vọng, họ chọn cách trốn vào thế giới tuyệt vời của thần tượng - nơi họ biết chính xác rằng mình đang mong đợi điều gì. Như Mitacchi - một fan của thành viên Yuka thuộc nhóm P.IDL tâm sự: “Tôi đã thôi không hẹn hò nữa kể từ khi biết đến Yuka… Tuy nhiên, tôi vẫn đủ ‘tỉnh táo’ để nhận thức rằng mình sẽ chẳng có cơ hội nào với cô ấy trong đời thực”.
Ryan Luu