Vì đâu nên nỗi?

28/12/2018 - 06:41

PNO - Lương thiện với ước mơ và mong mỏi của mình nhưng họ không được chọn lựa con đường đi tới cái ước mơ ấy một cách tử tế.

Ngày 27/12, giới chức Đài Loan công bố những hình ảnh đầu tiên về du khách Việt Nam chia thành từng nhóm nhỏ vội vã rời khách sạn ngay khi vừa nhận phòng.

Những chiếc áo màu cam. Tôi đã bắt gặp đồng phục này tại sân bay Nội Bài, trong phóng sự Miền đất hứa của Đài Truyền hình Việt Nam, phát sóng vào tháng 3/2017, cái sắc màu “cơn lốc” ấy lại ám ảnh tôi kinh hoàng.

Vi dau nen noi?
 

Vì vậy, ngay cả khi truyền thông nước nhà cập nhật liên tục con số du khách Việt Nam bị “bắt giữ”, “tự đầu thú”, từ 3 lên 9 lên 11… tôi vẫn chưa nghĩ đến “nỗi nhục quốc thể”, “hình ảnh quốc gia” mà chỉ xót xa, chua chát khi nhìn đấy, thấy đấy là “dân mình”, “người mình”. Vì đâu nên nỗi?

Cái oái ăm là ở chỗ: lao động Việt Nam chiếm trên 50% tỷ lệ lao động nước ngoài bỏ trốn tại Đài Loan. Nhưng cũng chính lao động Việt Nam lại được đánh giá cao nhất trong số lao động nước ngoài tại vùng lãnh thổ này. Thông minh, cần cù, siêng năng, làm việc có mục tiêu kiếm tiền lo cho gia đình, trở về gia đình - những tố chất mà người sử dụng lao động tại Đài Loan rất ưa chuộng, nhất là các chủ trang trại sản xuất, đóng gói nông sản.

Vì vậy, không hiếm các chủ lao động xứ Đài “tiếp tay” cho hành vi lao động bất hợp pháp của người Việt bằng cách sử dụng họ, “tiếp sức” cho hiện trạng bỏ trốn ra khỏi khu vực lao động hợp pháp, trở thành lao động bất hợp pháp. “Ra ngoài”, tiền kiếm nhiều hơn. Đổi lại, nguy hiểm và tai ương chực chờ.

Những giấc ngủ… nửa con mắt, chỉ cần tiếng động là bật dậy, có tiếng báo động “công an tới” là tất cả tìm đường thoát thân. Những đợt cao điểm công an kiểm tra, bố ráp là chủ lao động tạm thời cho nghỉ việc để trốn vào rừng sâu. Tại đó, chui nhủi qua ngày, cầm hơi bằng món mì gói sống.

Những quân bài được đánh số, người lao động chui - làm nhân công hái chè khai tên bắt số xong là tỏa đi các ngả để bắt tay vào việc. Trung bình, mỗi ngày họ làm từ 14-18 tiếng. Cuối ngày, những lá bài điểm tên, dựa vào năng suất được trả công ngay tại bãi đất trống ngoài trang trại. 

Những bữa ăn tối, những vốc tiền được kiểm đếm lại sau ngày lao động, những câu chuyện tâm tình nhớ nhà, nhớ con cái về đêm, tất cả đều leo lét dưới ngọn đèn pin, hay có khi chìm trong bóng tối.

Nhưng cũng chính trong cái bóng tù mù ấy, ai nấy đều dậy lên niềm mơ ước và họ cũng tin rằng mình sắp chạm tay vào đấy: làm việc, kiếm tiền, thoát nghèo, đổi đời. Mục đích duy nhất, sau cùng đối với họ, không chỉ là cuộc đổi đời cho chính họ mà là gia đình, là cha mẹ, là vợ con, là anh chị em họ.

Những người con của đồng sâu ruộng cạn, lại ly hương mà tìm việc nhà nông nơi xứ người. Những đứa con muốn giúp gia đình, lại bỗng chốc thành bi kịch và gánh nặng cho người thân.

Những thước phim như xát vào nỗi đau, sự xót xa cho từng phận người, họ lương thiện với ước mơ và mong mỏi của mình nhưng họ không được chọn lựa con đường đi tới cái ước mơ ấy một cách tử tế hơn.

Vi phạm quy định luật pháp nước sở tại, bất chấp điều kiện làm việc nguy hiểm, họ đặt mình vào sự trả giá khôn lường. Bị bắn, bị bắt bớ, trên giường bệnh vẫn bị cùm chân. Trốn chui trốn nhủi, bệnh không dám đi khám, chết nhiều ngày trong phòng trọ không ai hay. Để ngày về, là hũ tro cốt được đặt trong ba-lô, em trai sang xứ người đưa anh về, được các cô chú đồng hương bên Đài dặn trước khi qua cửa hải quan, “nó hỏi thì đưa giấy tờ anh mày ra, không hỏi thì cứ đi thẳng, mình đi là đi trộm”.

Những chính sách lao động xuất khẩu vẫn đang được kiện toàn và siết chặt thực thi. Những kiểm tra, khuyến cáo của ngành chức năng vẫn cứ liên tục được triển khai. Nhưng, những kẻ môi giới đang mỗi ngày lộng hành hơn, ma mãnh hơn và có chăng, nó thừa sức lách qua khe cửa hẹp luật pháp, lọc lừa những người dân mơ màng giấc mộng đổi đời nơi xứ lạ.

Ai bảo vệ người dân trong cơn khốn cùng này? Ai mang lại cho họ những cơ hội thoát nghèo ngay trên chính mảnh ruộng quê mình? Ai dẹp bỏ những kẻ môi giới bất nhân kia, để nó không còn đất sống mà gạt gẫm, bán mua, lừa đảo?

Câu trả lời không nằm ngoài biên giới, nó là chuyện của “người mình”, “nước mình” bởi đơn giản, dân có giàu, nước mới mạnh. Đừng để dân trốn chạy nơi “miền đất hứa” mà không có ngày về, hoặc về trong hình hài không nguyên vẹn, về trong nỗi tủi hổ tận cùng…

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI