Trẻ ham đọc sách do di truyền?
Nhiều bạn bè nói con tôi ham đọc là do di truyền, tôi sẽ chữa ngay: Tôi và ba của các bé hồi còn nhỏ không hề ham đọc sách như hai đứa con.
Ngược lại, ở những hội sách, đường sách, nhà sách… tôi gặp nhiều phụ huynh trí thức dẫn con đi chọn sách trong sự thờ ơ của đứa trẻ. Người mẹ thường năn nỉ: “Con đọc cuốn sách nổi tiếng này nhé, hay lắm” nhưng đứa trẻ vâng dạ cho qua, thậm chí nhăn nhó, gắt gỏng. Người mẹ phân bua thêm với xung quanh rằng, xưa bà vớ được cuốn sách ấy thì như bắt được vàng, đọc quên ăn quên ngủ, đọc tới khét nồi cơm vậy mà tới đời con, sách mua về chất đống, chúng không buồn mở ra.
Bạn bè tôi cũng tổng kết, bọn trẻ bây giờ nếu có đọc sách, các con chỉ xem sách hình công chúa, siêu nhân (tuổi mầm non), đọc truyện tranh Nhật Bản (tuổi tiểu học, trung học). Ngay cả khi đã là sinh viên đại học, cứ thấy sách nhiều chữ, sách văn học là chúng… bỏ chạy.
Thấy tôi thành công trong việc huấn luyện con đọc sách báo, bạn bè thường nhờ cậy tôi chọn sách cho trẻ theo lứa tuổi kèm lời nhắn gửi “làm sao để chúng chịu đọc”. Tôi hay hỏi thật kỹ sở thích, thói quen và mục đích của cả con lẫn mẹ trong việc đọc. Bởi nếu không nắm vững những điều này, coi như cầm chắc thất bại trong việc “dụ trẻ đọc”.
|
Sách nên trở thành một phần tự nhiên trong đời sống thường nhật của trẻ |
Thứ nhất và tối quan trọng, theo tôi là trẻ phải có môi trường đọc. Ví dụ cha mẹ bé có thể quá bận mà không đọc sách hoặc không đọc nhiều như tôi và chồng tôi nhưng phải trân trọng sách vở, biết hướng con bồi bổ văn hóa từ sách. Sẽ rất tốt nếu con chơi với nhóm bạn yêu thích sách để đua nhau đọc.
Thứ hai là động lực đọc. Cha mẹ phải giúp con biết đọc sách thì con nhận được gì, tốt cho chính con bây giờ và sau này thế nào. Khi đã có môi trường, động lực đọc và mục đích đọc thì mới tiến tới việc chọn sách phù hợp.
Cho con gối sách đầu giường
Hồi độc thân, một lần đi Hội An, tôi ấn tượng trước cảnh hàng trăm du khách Tây Âu nằm dài phơi nắng khắp bãi biển Cửa Đại, trong tay ai cũng là cuốn sách. Trên các chuyến tàu du lịch, tôi cũng luôn gặp hình ảnh những người ngoại quốc nằm đọc sách. Chiếc đèn đọc sách "nhà tàu" lắp, người Việt hầu như không sử dụng. Bây giờ, khi chúng ta bấm điện thoại mọi nơi mọi chỗ, ra biển tôi vẫn thấy người nước ngoài vừa nằm phơi nắng vừa đọc sách. Nhìn họ thật thích, văn minh, tự tại, thư thái.
Khi làm mẹ, tôi bắt đầu suy nghĩ cách để con có nhu cầu và phản xạ tìm đến sách. Nếu mỗi gia đình đều tạo cho con văn hóa đọc thì mới có một “thế hệ đọc sách”. Lúc mang thai, tôi tiếp cận các giáo trình thai giáo (thai giáo khẳng định rằng, chúng ta có thể dạy con từ lúc trong bụng). Chín tháng mang thai, tôi đọc sách khá nhiều. Tôi bỏ đọc sách trinh thám gay cấn, sách kinh dị, chỉ đọc sách có nội dung nhẹ nhàng và tích cực, lạc quan…
Con ra đời, chừng hai tháng chúng đã biết cầm đúng chiều tờ báo khi tôi cố tình xoay ngược. Chừng bốn tháng, khi các kỹ năng xúc giác của trẻ phát triển mạnh mẽ để khám phá thế giới, tôi mua loại sách có đính kèm các chất liệu như vải canvas thì nhám, lông thì mượt, bông hoa cao su thì mềm mại… Thời điểm này, con vừa dùng sách như một món đồ chơi, vừa như một dụng cụ khám phá các giác quan cầm nắm… Con lớn hơn, tôi mua các loại sách được cắt thành hình dáng bông hoa, trái cây, đồ vật đặt ở chỗ ngủ, chỗ chơi của con. Sách đúng nghĩa là “gối đầu giường”.
Khi con biết đi, điểm chúng tôi lui tới nhiều nhất chính là các nhà sách. Sách cho độ tuổi mẫu giáo rất phong phú và đẹp, tôi sắm cho con một ít, cho con trao đổi với bạn bè, anh chị hàng xóm. Tôi nghĩ, khi sách dự phần vào quá trình lớn lên của con, con sẽ vô thức coi đọc sách như một hoạt động thường nhật, chẳng khác cơm ăn, nước uống.
Còn một phần quan trọng khác, là hình ảnh đọc sách của cha mẹ. Cha mẹ chính là thần tượng đầu tiên của một đứa trẻ. Con tôi lớn lên đã nhìn thấy hình ảnh cha mẹ cầm sách đọc (thời điểm này chúng tôi hay đọc các sách kỹ năng như cách nói chuyện với con, sách dạy con của người Nhật, người Do Thái…).
Khi chiếc iPad bắt đầu phổ biến ở mọi nhà, nhà tôi chỉ có cái máy Kindle (thiết bị đọc sách điện tử). Khi con vào lớp Một, tôi cắt dịch vụ truyền hình cáp, chỉ để kênh thông tin thời sự. Khi con cần lên mạng, tôi chủ động chọn trang web hay kênh YouTube và mở bằng máy tính, điện thoại của cha mẹ. Con không được tự ý vào mạng.
Tôi nghĩ, không được để trẻ lệ thuộc vào YouTube hay ti vi, bởi đứa trẻ đã quen nghe nhìn bằng hình ảnh, âm thanh, sẽ rất chán đọc sách - một công việc phải tập trung, phải tưởng tượng.
Trò chuyện về nội dung sách
Vào đầu năm lớp Một, cả hai con tôi mù chữ hoàn toàn nhưng hết học kỳ I, khi biết đọc chữ, con liền tập đọc tờ rơi, nhãn hàng hóa, bảng hiệu ngoài đường… Tôi chọn những cuốn sách có câu thoại dí dỏm, hợp với tuổi con và nói: "Nếu con đọc sách, con sẽ học tiếng Việt rất nhanh, sẽ không bị cô chê nữa". Thế là con tôi thêm động lực đọc.
Tôi cũng hay nhắc lại “đề bài” với hai con: “Nếu con muốn mẹ dẫn đi du lịch nhiều thì con phải biết đọc sách giáo khoa và nắm được kiến thức, mẹ mới dám xin cho con nghỉ học”. Thế là suốt thời tiểu học, khi các bé khác cắm cúi đi học thêm thì con tôi cứ cuối tuần là đi chơi xa hoặc đi chơi quanh thành phố (chúng tôi gọi là city tour).
Nhờ có kỹ năng đọc hiểu, con lớn của tôi nay đang học lớp Chín vẫn tự đọc sách giáo khoa mà nắm được bài. Điều này hồi nhỏ tôi không hề có được, cứ nghỉ học là khốn khổ mượn vở bạn để chép lại. Tôi tin rằng, với khả năng tự đọc và tự học, sau này con có thể đọc tài liệu, nghiên cứu điều con thích, tốt cho mọi công việc, mọi ngành nghề.
Thi thoảng tôi lên mạng tìm hiểu để trao đổi với con về sách hay, sách đang nổi trong cộng đồng học sinh, sinh viên. Khi có ai hỏi tặng quà gì cho các con, tôi đều gợi ý mua sách cho các bé.
Lâu lâu, tôi hướng dẫn con nên đọc mảng sách này, sách kia, với các lý do phải là nhu cầu sát sườn của chúng. Ví dụ khi con tôi học lớp Chín, tôi nói con về cuốn Đắc nhân tâm và bộ sách Hạt giống tâm hồn. “Đó là những đầu sách tuổi teen săn lùng nhiều, vì đọc và thực hành được thì ai cũng thích chơi với con”, tôi nói.
Tôi chú trọng việc cho trẻ ra ngoài chơi, chúng tôi đi dã ngoại rất nhiều. Khi thế giới mở ra trước mắt, tôi có thể trao đổi với con các vấn đề gặp trên đường và so sánh với nội dung nào đó trong sách. Con tôi có thể phản biện rằng, điều sách nói không chính xác hoặc không còn đúng với thời đại mới…
Không để con đọc sách trong cô đơn
Một lần ở hội sách, tôi gặp cậu bé chừng 12 tuổi loay hoay nhấc lên đặt xuống cuốn sách lịch sử dày. Bà nội của bé lôi cháu đi với lý lẽ: “Tiền ăn không có, mua sách chi!”.
Hỏi ra thì là cậu bé mê sách, nhưng cả nhà không ai đọc sách, mong mỏi sở hữu một cuốn sách dày của cậu chưa bao giờ thành hiện thực. Thấy vậy, cô bán sách quyết định giảm giá một nửa và một người khách đã mua tặng cậu bé cuốn sách.
Cả hai chúc cậu giữ niềm đam mê đọc bởi họ hiểu thứ cậu bé cần không chỉ là tiền mua sách, mà còn là sự khuyến khích, cổ vũ.
Khi văn hóa đọc đi xuống, đôi khi chúng ta có cảm giác một người đọc sách lạc lõng giữa thế giới của công nghệ nghe nhìn. Nếu con bạn đọc sách mà bạn không có cách để động viên con, con có thể bị bạn bè cười chê là “mọt sách” khiến con thấy việc đọc sách trở nên lạc hậu, trái khoáy. Vì vậy, đừng bỏ rơi con…
Minh Lê