Vì đâu cái ác lộng hành?

04/12/2021 - 21:42

PNO - Chúng ta chỉ có thể hành động tử tế khi tư duy tử tế. Nên nhớ, bóc trần người khác trên mạng có thể khiến bạn bóc lịch ngoài đời!

Hai ngày nay, cộng đồng mạng dậy sóng về vụ nữ sinh ăn trộm váy bị gia đình chủ shop đánh đập, cắt tóc tại Thanh Hóa.

Mở đầu clip là hình ảnh một cô gái trẻ đang đội mũ bảo hiểm, quỳ mọp dưới sàn nhà liên tục khóc lóc, xin lỗi. Đứng cạnh đó là người phụ nữ được cho là chủ shop thời trang liên tục mắng chửi, yêu cầu cô gái bỏ mũ bảo hiểm để quay rõ mặt.

Cô gái trẻ liên tục gào khóc xin lỗi, nhưng không nhận được sự đồng cảm. Ngay sau đó, người phụ nữ đã có những hành vi mang tính bạo lực như đạp mạnh vào vai, lấy kéo đe dọa cắt tóc, cắt đứt áo ngực của cô gái trẻ.

Ngay sau khi được đăng tải, clip đã nhận được sự quan tâm, hầu hết mọi người đều tỏ ra bức xúc, muốn đưa sự việc này cho cơ quan có thẩm quyền thụ lý.

Tác giả Minh Sơn chia sẻ: “Hành vi bạo lực trẻ em dưới 16 tuổi, xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, cắt tóc, lột quần áo, quay clip rất đáng lên án. Chưa kể, vì cái váy 160 ngàn mà gia đình chủ shop còn không gợn tay tống tiền mười mấy triệu đồng. Thượng tôn pháp luật là trách nhiệm của mọi người, đề nghị công an xử mạnh tay để có một xã hội văn minh và đầy tình người”.

Dẫu biết rằng hành động trộm cắp tài sản là việc làm chẳng hề tử tế và chẳng đáng để cổ súy. Tuy nhiên, có thể nhìn nhận sự việc với tấm lòng bao dung và cái nhìn nhân văn. Cũng là một người trẻ, tôi rất đồng tình với dòng tâm sự của tác giả Adam Tran: “Bạn và tôi, ai cũng đều có con cái, cũng từng trải qua một thời tuổi trẻ nông nổi. Có thể do tâm sinh lý, do hoàn cảnh gia đình nên các cháu mới sai lầm trong chốc lát. Dù sao các cháu cũng đã lên tiếng nhận lỗi. Trong trường hợp này tôi nghĩ nên cho các cháu một cơ hội để hiểu thêm và vững tin bước vào đời”.

Có một thực tế, trước đây, khi dịch COVID-19 chưa hoành hành, thỉnh thoảng đâu đó lại có một vụ bạo lực học đường. Đôi khi còn có cả clip hot. Thế nhưng, tất cả những vụ việc này khi xảy ra đều “chính chủ”. Nghĩa là, chính các em là người gây ra mâu thuẫn, rồi chính các em lại dùng hành động bạo lực để giải quyết, dạy dỗ, thể hiện đẳng cấp với nhau. Vụ việc nào quá mức nghiêm trọng thì nhà trường sẽ đình chỉ việc học, kỷ luật, mời cơ quan chức năng vào cuộc.

Thế nhưng vụ việc nữ sinh bị đánh đập ở Thanh Hóa này hoàn toàn khác. Ở đây có đến ba chủ thể (người vợ là chủ cửa hàng, người chồng và mẹ chồng) cùng bạo hành tinh thần và thân thể một em học sinh yếu thế. Đó là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được.

Những ngày này, chúng ta đang ở trong “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2021” (diễn ra từ ngày 15/11 đến 15/12), do Bộ LĐ, TB&XH phối hợp với các cơ quan Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam phát động. Chủ đề của tháng là “Bảo đảm an sinh xã hội, tăng quyền năng, tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”.

Để bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khỏi nạn bạo hành và bị xâm hại, các tổ chức, bộ, ngành, cơ quan liên quan đã thường xuyên đặt ra, tổ chức những chương trình mang tính truyền thông đầy ý nghĩa. Thế nhưng qua vụ việc này, tôi tự hỏi, công cuộc giải phóng, xúc tiến bình đẳng giới nhằm tránh nạn bạo lực và xâm hại làm sao có thể đi vào thực chất, có được hồi kết như mong muốn, khi mà chính chị em phụ nữ lại tiếp tục cay nghiệt, tàn độc với chính giới mình như thế. 

Chỉ cần một thao tác nhỏ trong vòng vài giây, có thể thấy hàng ngàn đường dẫn về các vụ bóc phốt, đánh ghen, bạo lực phụ nữ. Và điều buồn cười là, dù chẳng hiểu rõ nguyên nhân đầu đuôi, cũng chẳng phải là người trong cuộc nhưng rất nhiều chị em vẫn thản nhiên lao vào cổ súy kiểu: “Đánh, phải đánh mạnh tay cho nó chừa”, “Lột trần nó, quay rõ mặt cho cả dòng họ nó biết”…

Chúng ta chỉ có thể hành động tử tế khi tư duy tử tế. Nên nhớ, bóc trần người khác trên mạng có thể khiến bạn bóc lịch ngoài đời!

Diệu Thông

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI