Vị đạo diễn đặc biệt

28/11/2015 - 08:42

PNO - Không có thảm đỏ, ngôi sao trong phim đến dự vì họ đã là người thiên cổ, đạo diễn cũng không có mặt vì đang sống cách đó hơn 10.000 cây số.

Buổi ra mắt bộ phim Hai thế giới (đạo diễn Phạm Văn Nhận) tại khách sạn Rex ngày 24/11 không giống bất kỳ buổi ra mắt phim nào từ trước đến nay.

Nhưng sự kiện mang lại cảm xúc thú vị khi khán giả được thưởng thức những thước phim trắng đen ngay tại nơi mà cách đây 62 năm về trước, bộ phim được chiếu thương mại. Trong số khán giả có con, cháu của các diễn viên trong phim, họ đến để nhìn lại bóng dáng thời trẻ của người thân đã khuất.

Đạo diễn Việt Linh - người có công mang bộ phim về Việt Nam (VN) xin giấy phép phát hành lại (công chiếu ngày 28/11 tại Idecaf), chia sẻ : “Đêm nay có một người rất nóng lòng chờ xem những hình ảnh buổi chiếu ra mắt này. Đạo diễn Phạm Văn Nhận năm nay đã 96 tuổi, ông sống một mình ở La Grande Motte, cách Paris khoảng 800km. Ông rất vui khi bộ phim của mình có cơ hội phổ biến ở VN lần nữa, ý nguyện của ông là nếu phim bán vé thì số tiền thu được sẽ dành tặng hết cho những bệnh nhi bị lao phổi”.

Vi dao dien dac biet
Đạo diễn Phạm Văn Nhận

Chuyện phim diễn ra trong bối cảnh bệnh lao còn là bệnh nan y ở Pháp - nơi hai nhân vật chính Tân và Lan gặp nhau. Đôi du học sinh Việt ở Pháp những năm 1950 yêu nhau nhưng bị đặt vào thử thách khi Tân được chẩn đoán mắc bệnh lao phổi, phải vào trại cách ly.

Hai thế giới là bộ phim VN đầu tiên có bối cảnh Pháp, người xem thích thú khi thấy một nước Pháp xưa cũ với những ngôi nhà cổ kính, những con đường ít xe cộ, những chuyến tàu lửa, những chiếc ô tô con bọ nhỏ xinh. Không gian Pháp nhưng phim đậm chất Việt, toát lên qua lời thoại, tính cách nhân vật, biểu cảm diễn xuất của các diễn viên và nhất là những tà áo dài tha thướt của các nhân vật nữ.

Câu chuyện đã lùi xa hơn 60 năm nên những câu thoại trong phim hơi ngô nghê nhưng xem vẫn thấy thích thú vì sự chân chất, mộc mạc. Hình ảnh Lan tượng trưng cho mẫu phụ nữ VN điển hình: thủy chung, son sắt.

Không cao trào, không kịch tính, chuyện phim diễn tiến nhẹ nhàng như mối tình giữa Tân và Lan, thỉnh thoảng đan cài vài tình huống, lời thoại hài. Tinh thần hài hước của bộ phim phần nào phản ánh tính cách lạc quan của người làm phim.

Theo đạo diễn Việt Linh, đạo diễn Phạm Văn Nhận - là bố dượng của chồng bà - rất vui tính, mỗi lần mệt, ông đều sửa soạn ăn mặc thật đẹp, nằm trên giường chờ thần chết rước đi, và đã ba lần như vậy. Trên đầu giường, ông luôn để sẵn tờ giấy ghi số điện thoại của người thân và dòng chữ to hơn, màu đỏ Pas d’hospital = Zéro! (tạm dịch: Không bệnh viện = Không!).

Niềm lạc quan, yêu đời là động lực giúp ông quên đi thân phận nghèo khó để tự mày mò theo đuổi bộ môn nghệ thuật đầy tốn kém như phim ảnh. Đạo diễn Việt Linh cho biết, khi làm Hai thế giới, ông Nhận phải dành dụm tiền để mướn máy quay và luôn tính toán thuê vào ngày thứ Bảy để “ăn gian” thêm bữa Chủ nhật, diễn viên rảnh.

Ông cũng tranh thủ luôn bối cảnh, chẳng hạn để quay chiếc xe ép rác tự động mà ông tin sẽ gây thích thú cho khán giả VN vì thời đó VN chưa có kiểu xe này, ông thuê hẳn căn phòng ở tầng ba một ngôi nhà để túc trực canh khi xe đến thì bấm máy ngay.

Những cảnh ở bến xe buýt, xe lửa đông người cũng được ông quay “tranh thủ” như vậy. Diễn viên thì mời người quen, người thân để tiết kiệm chi phí. Vậy mà Hai thế giới khi trình chiếu vào năm 1954 tại VN thành công về mặt thương mại, giúp vị đạo diễn nghèo dư sức mua hai căn nhà và điện ảnh VN từ đó có thêm một đạo diễn “đặc biệt”, chưa từng học qua trường lớp đào tạo nào về điện ảnh.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI