Vị đắng sôcôla

27/02/2014 - 07:48

PNO - PN - Ngành công nghiệp sôcôla trị giá khoảng 110 tỷ USD một năm, nhưng cây ca cao (nguyên liệu chính để sản xuất sôcôla) lại được trồng bởi những người nghèo nhất hành tinh, trong các đồn điền ở châu Phi. Trẻ em bị buộc phải làm...

Chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng ước chừng có đến 800.000 trẻ em đang làm việc trong các đồn điền ca cao ở Bờ Biển Ngà - nước cung cấp hơn 1/3 sản lượng ca cao toàn thế giới. Trong số trẻ em này, nhiều trẻ đến từ các nước Mali, Burkina Faso hay Togo.

Đa số các em có độ tuổi 12-14, bị buộc làm việc từ 80-100 giờ mỗi tuần, không được trả tiền công, đói ăn, bị đánh đập thường xuyên và gần như không có cơ hội gặp lại gia đình.

Năm 1980, giá ca cao quốc tế là 3.750 USD/tấn. Ngày nay, giá ca cao ở mức 2.800 USD/tấn. Bất chấp đồng tiền bị trượt giá theo thời gian, giá ca cao vẫn không tăng mà lại giảm. Dù ca cao là thành phần chính của một thanh sôcôla và là yếu tố sống còn của người nông dân, giá trị của nó chỉ là một phần nhỏ trong tổng chi phí sản xuất. Hầu hết (chiếm đến 70%) giá thành một thanh sôcôla hiện nay rơi vào các chi phí tiếp thị, nghiên cứu và phát triển. Ca cao bị định giá chỉ là nhiên liệu thô, nên giá nhân công được trả rẻ mạt.

Vi dang socola

Lao động trẻ em trong ngành công nghiệp sôcôla - Ảnh: World Vision Australia

Hơn một thập kỷ qua, các “ông lớn” sôcôla đã dính nhiều tiếng xấu liên quan đến lao động trẻ em. Đây có vẻ như vấn đề của toàn ngành nhưng không ai chịu trách nhiệm. Một bộ phim của CNN về chủ đề này phát sóng hai năm trước như quả bom đánh vào các “ông lớn” ngành công nghiệp sôcôla, buộc họ phải có những biện pháp cải thiện tình hình.

Trước những chỉ trích gay gắt từ các nhà hoạt động, các đại gia của ngành công nghiệp này đã có những động thái thay đổi. Nestlé đưa ra “Kế hoạch ca cao” chi 120 triệu USD trong mười năm, lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển mới ở thủ đô Abidjan nghiên cứu những giống cây ca cao mới siêu kháng bệnh và năng suất cao. Nestlé còn thực hiện các chương trình trong cộng đồng nông thôn thúc đẩy nhận thức về lao động trẻ em và xây dựng trường học. Đại gia thực phẩm khổng lồ Mỹ Cargill cũng có chương trình tương tự mang tên “Cam kết ca cao” xây dựng chuỗi trường học để dạy cho 60.000 nông dân thực hành nông nghiệp tốt.

Để đưa một xã hội thoát khỏi đói nghèo và xóa bỏ lao động trẻ em không phải chuyện một sớm một chiều. Những nỗ lực ban đầu của những “đại gia” sôcôla như Nestlé và Cargill kể trên chỉ như muối bỏ biển. Vì thế, đói nghèo, bần cùng vẫn tiếp diễn, vẫn có không ít trẻ em chưa bao giờ biết đến vị ngọt ngào của một thanh sôcôla, mà đang làm việc như nô lệ.

 AN KHUÊ (Theo CNN, BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI