|
Các em thiếu nhi chụp ảnh lưu niệm tại "Đường cờ Tổ quốc" trên đường Bến Vân Đồn, quận 4, TPHCM - Ảnh: Thái Phương |
Nhiều mô hình phục vụ dân
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhắc lại vai trò của chính quyền cấp cơ sở. “Phường, xã, thị trấn là tuyến đầu trong tiếp xúc, triển khai chủ trương, chính sách, cũng là nơi đầu tiên tiếp nhận, xử lý các phát sinh từ cuộc sống, duy trì sự ổn định và làm tiền đề cho sự phát triển kinh tế, xã hội”.
Cải cách thủ tục hành chính là nội dung trọng tâm trong chủ đề hoạt động của chính quyền năm 2022 và 2023. Phần lớn các phường, xã, thị trấn đều tích cực triển khai, hướng đến rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp.
Ông Lê Minh Phát - Chủ tịch UBND phường Bến Nghé, quận 1 - cho biết, mô hình “Buổi trưa vì người dân và doanh nghiệp” do UBND phường này triển khai từ đầu năm 2022 đến nay được người dân, doanh nghiệp rất hoan nghênh. Dù thủ tục được giải quyết vào buổi trưa chủ yếu là sao y, chứng thực, nhưng số người dân đến đông cho thấy nhu cầu làm giấy tờ ngoài giờ hành chính là khá lớn.
Từ 2022, UBND xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh đã triển khai rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cấp bản sao trích lục hộ tịch từ “trong ngày” xuống còn “1 giờ làm việc”. Còn mô hình “Xác nhận trực tiếp quyền sử dụng đất nông nghiệp để nhận cho tặng, chuyển nhượng giấy chứng nhận thuộc lĩnh vực địa chính” của UBND xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh rút ngắn thời gian giải quyết từ 5 ngày xuống còn 2-3 ngày.
Ông Nguyễn Minh Hoàng - Chủ tịch UBND xã Bình Lợi - phân tích quy trình rút gọn nêu trên: “Khi nhận hồ sơ, trong nửa ngày, cán bộ tiếp dân phải chuyển hồ sơ cho cán bộ địa chính để xác minh và tham mưu lãnh đạo trong 1 ngày rưỡi. Lãnh đạo ký, giải quyết trong nửa ngày đến 1 ngày làm việc”. Theo ông, có lúc hồ sơ nhiều, cán bộ làm không xuể nhưng mọi người linh hoạt choàng gánh cho nhau để bảo đảm đúng tiến độ, trả kết quả cho người dân, doanh nghiệp đúng hạn.
Bà Võ Thị Ngọc Lan - Chủ tịch UBND phường An Phú Đông, quận 12 - cho hay, UBND phường này đã rút ngắn quy trình hỗ trợ chi phí, khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng từ 27 ngày xuống còn 7 ngày. Bà kể: “Lúc đó, tôi hỏi từng bộ phận xem khả năng giải quyết được đến đâu. Ví dụ, trong khi cán bộ phụ trách an sinh hoàn thành hồ sơ thì thủ tục rút tiền, chi trả của kế toán thế nào. Qua đó, chúng tôi rút ngắn được thời gian giải quyết”.
Mong muốn phục vụ người dân tốt hơn, UBND phường An Phú Đông còn sửa sang khu vực tiếp dân, lắp máy điều hòa nhiệt độ, xông tinh dầu để tạo cảm giác dễ chịu. Trong khi chờ đợi cán bộ giải quyết hồ sơ, người dân còn được thưởng thức miễn phí trà, cà phê.
|
Trụ sở UBND phường An Phú Đông được sửa sang ngăn nắp, lắp máy điều hòa nhiệt độ, xông tinh dầu và phục vụ trà, cà phê miễn phí cho người dân đến làm thủ tục hành chính - Ảnh: Tuyết Dân |
Còn những rào cản
Theo chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn, với tinh thần phục vụ người dân, họ coi những kết quả khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với công tác của cán bộ là kênh quan trọng để ngày càng hoàn thiện mình. Tuy nhiên, với lượng cư dân đông, lượng công việc nhiều, họ chưa thể giải quyết rốt ráo những bức xúc của người dân.
Theo ông Nguyễn Minh Hoàng, UBND xã Bình Lợi gặp nhiều khó khăn khi chuyển đổi số. Ông mong lãnh đạo thành phố quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ: “Bình Lợi là xã vùng xa của huyện Bình Chánh. Chúng tôi vận động người dân làm các thủ tục hành chính trực tuyến trên cổng thông tin của UBND thành phố nhưng không phải ai cũng kiên nhẫn thao tác bởi đường truyền không được tốt”.
Theo ông, đường truyền ở trụ sở UBND xã cũng chậm, ở nhà dân càng chậm hơn. Ngoài ra, cán bộ cấp xã cũng cần được đào tạo thêm về chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng quá trình chuyển đổi số của thành phố. Chẳng hạn, cán bộ cũng cần có kỹ năng tránh để lọt, lộ thông tin của người dân khi họ nhờ thao tác trực tuyến.
Ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TPHCM - cho biết, UBND TPHCM sẽ rà soát, đánh giá hệ thống máy móc để có giải pháp nâng cấp hạ tầng kỹ thuật. Về việc đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đã, đang và sẽ tiếp tục cung cấp tài liệu, mở các khóa đào tạo cho cán bộ.
Ông Đỗ Hữu Cường - Chủ tịch UBND phường Đa Kao, quận 1 - trăn trở, khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị, UBND phường trở thành đơn vị dự toán ngân sách, không có khoản dự phòng nên điều hành khó khăn: “Khi 1 cán bộ không chuyên trách nghỉ việc, tiền trợ cấp chỉ hơn 10 triệu đồng nhưng UBND phường cũng phải làm thủ tục xin quận”. Theo nhiều chủ tịch UBND cấp xã, phường, có những dự án rất nhỏ, họ vẫn phải lập dự toán, chờ đợi khiến tiến độ dự án bị
ảnh hưởng.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho hay, UBND TPHCM đã nhận diện được khó khăn này khi thực hiện chính quyền đô thị và bước đầu đã giao UBND các quận gói điều hành 30-70 tỉ đồng. Về lâu dài, trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2027 về thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TPHCM, UBND thành phố có xin cho phép cấp quận, phường là đơn vị cấp ngân sách.
Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh chỉ còn 2 năm là tròn 50 năm kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Ông mong muốn UBND mỗi phường, xã, thị trấn có công trình ý nghĩa để chào mừng. Về những vướng mắc của cán bộ cấp này, ông cho rằng, chủ tịch UBND cấp xã, phường cần đề xuất giải pháp, trình cấp có thẩm quyền. Điều này thể hiện sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám đột phá vì lợi ích của cán bộ hướng về nhân dân để phục vụ.
|
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi tặng bằng khen cho các chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn có thành tích tiêu biểu trong công tác - Ảnh: Tuyết Dân |
“Cái gì làm được cho người dân thì làm” Bà Võ Thị Ngọc Lan - Chủ tịch UBND phường An Phú Đông, quận 12 - được UBND TPHCM đánh giá cao về việc động viên, khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Năm 2022, tập thể UBND phường An Phú Đông được nhận cờ thi đua của UBND TPHCM, là đơn vị dẫn đầu thi đua khối phường, đồng thời là địa phương đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu phát triển. Bà Ngọc Lan cho hay, phường có hơn 16.000 hộ với khoảng 61.000 người dân, diện tích hơn 881ha. UBND phường cũng thiếu cán bộ nhưng tất cả đều làm việc với tinh thần “cái gì làm được cho người dân thì làm”. Nhờ đó, 2 năm qua, UBND phường có nhiều mô hình hay. Chẳng hạn, với suy nghĩ rằng khi gia đình nào đó có người qua đời, mọi người trong gia đình sẽ buồn phiền, rối trí. Do đó, UBND phường đã nghĩ ra mô hình làm thủ tục khai tử tại nhà và trả kết quả tại nhà. UBND phường cũng rút ngắn thời gian xác nhận tình trạng hôn nhân từ 3 ngày xuống còn 1 ngày. “Phường đang trên đà phát triển, người dân nhập cư ngày càng đông nên công việc của cán bộ rất nhiều. Hằng tháng họp giao ban, tôi thường nói anh em phải cố gắng từng ngày; rồi lấy những thành quả mỗi ngày đó làm động lực cho những ngày, tháng tiếp theo” - bà Ngọc Lan nói. Bà thường nói với cán bộ phường rằng, mình đang phục vụ người dân, và mình là thành viên của địa phương, có trách nhiệm giúp địa phương phát triển. “Tôi thường nói anh em, ngày trước mình quan niệm làm hết việc chứ không hết giờ nhưng việc quá nhiều, không làm hết thì mỗi ngày mình cố gắng thêm một chút, giải quyết được thêm một khâu cũng là thành quả. Cán bộ không nên chỉ thấy áp lực của công việc, mà cần thấy mình hạnh phúc khi giải quyết được một việc nhỏ, có lợi cho người dân” - bà Ngọc Lan chia sẻ. |
Tuyết Dân