Công việc gắn với thời sự và truyền thông
Có thể nói, từ công việc suốt đời gắn bó với nhân dân trên nhiều lĩnh vực công tác, trả lời chất vấn, hiểu sâu đời sống và con người, bà đã trở thành người làm báo có tiếng.
|
Bà Phạm Phương Thảo - nguyên phó bí thư Thành ủy TPHCM, nguyên chủ tịch HĐND TPHCM - cho biết bà có 28 năm làm công tác Đoàn, với rất nhiều ký ức đẹp |
Bà Phạm Phương Thảo xuất thân từ gia đình có truyền thống cách mạng. Người cha và các anh em trong gia đình đều tham gia kháng chiến. Thời trẻ, khi làm công tác Đoàn, bà từng theo học lớp đào tạo 9 tháng nghiệp vụ báo chí trong chiến khu. Thời đó, bà học để làm công tác tuyên truyền phục vụ kháng chiến.
Khi được hỏi về “lý lịch báo chí“ của mình, bà kể: “Sau năm 1975, đất nước thống nhất, tôi cũng làm công tác Đoàn, ở các lĩnh vực gần và cần báo chí. Sau này, khi làm công tác Tuyên giáo, UBND, HĐND TPHCM, đại biểu Quốc hội, tôi luôn tiếp xúc với những thông tin nóng, trả lời chất vấn của đại biểu và nhân dân, trả lời phỏng vấn và cung cấp thông tin cho báo chí. Có thể nói, tôi luôn sống trong môi trường gắn chặt với các sự kiện, vấn đề thời sự và truyền thông, báo chí”.
Bà nói thêm: “Khi đất nước có nhiều sự kiện lớn mang tính thời sự, giới báo chí phỏng vấn dữ lắm. Có nhiều vấn đề khó, một số vị lãnh đạo từ chối trả lời nhưng với vị trí công tác của mình, tôi cần tương tác với truyền thông”.
Sát với đời sống, chịu lắng nghe và am hiểu, bà được các cơ quan, ban ngành tin cậy và hợp tác, cung cấp thông tin những sự kiện, vụ án hay các phong trào lớn. Nguồn tin của bà thật sự khổng lồ. Cũng từ thực tiễn, bà hiểu sâu sắc suy nghĩ của người dân, của cán bộ, biết rõ cần làm những gì là tốt nhất để giải quyết vấn đề, bắt đầu từ đâu, từ đó tham mưu cho lãnh đạo. Đó cũng chính là những điều mà báo chí cần được biết và cho độc giả biết. Có thể nói, đó chính là cái gốc, chỗ đứng tuyệt vời của nghề báo.
Bà nói: “Tôi thấy công việc của mình gắn với báo chí, rất trực tiếp. Nghỉ hưu rồi cũng gắn, cũng liên tục trả lời phỏng vấn và viết bài. Cái nào cũng đụng hết, từ phòng, chống dịch cho tới phòng, chống tiêu cực”.
Tôi hỏi khó nhất khi viết báo là gì, bà nói, nhiều vấn đề đã khó, lại còn gấp. Có khi buổi sáng, tòa soạn đặt bài thì buổi chiều lấy bài. Bà phải viết bất kể sáng, trưa, chiều, tối, phải thu xếp công việc để gửi bài đúng hẹn. Tiếp theo, có những sự kiện đang diễn ra, cần thông tin nhanh.
“Tôi nghỉ hưu, ra khỏi guồng máy rồi nên khó tiếp cận thông tin hơn trước do phải tôn trọng những người đang làm nhiệm vụ kế tiếp mình. Tôi không thể lợi dụng lòng tin quý của họ để làm khó cho công việc của họ. Tất nhiên, khi quá cần cho công việc hữu ích chung, tôi vẫn có thể hỏi và mọi người vẫn sẵn lòng giúp đỡ, tin cậy” - bà trải lòng.
Về điểm này, bà nói “học ở ông Sáu Phong” (tức ông Nguyễn Minh Triết - nguyên Chủ tịch nước, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM). Khi ông rời chức vụ, mọi người nhận xét “ông ấy không nói tiếng nào”, ý là không can thiệp, làm khó cho người đi sau.
Viết để nâng niu cái tốt
Tôi hỏi: “Hiện nay, nhà báo Phạm Phương Thảo quan tâm vấn đề nóng nào?”. Bà cho biết, vẫn là những vấn đề thời sự liên quan cuộc sống người dân, các nhiệm vụ mới và khó khăn của TPHCM, dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (thay thế cho Nghị quyết số 54/2017/QH14)”.
|
Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo phát biểu tại hội thảo khoa học Thí điểm cơ chế, chính sách mới vượt trội tại TPHCM do Học viện Cán bộ TPHCM, Cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam tổ chức |
Bà cho hay, đang quan tâm và theo dõi kỹ về vấn đề trao quyền chủ động cho HĐND, UBND TPHCM ở nhiều lĩnh vực hơn, nới chiếc áo quá chật, tháo điểm nghẽn để thành phố năng động hơn, phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình bởi nút thắt, trở ngại chính hiện nay vẫn là thể chế.
Với đặc tính riêng của cây bút viết nhiều về mảng văn hóa, xã hội và xây dựng Đảng, bà đặc biệt muốn đi sâu vào sức mạnh văn hóa, con người Sài Gòn - TPHCM. Bà nhắc tới cuốn sách Những cường quốc trong tương lai của một vị thứ trưởng ở Nhật Bản, trong đó nhấn mạnh đến sức mạnh mềm văn hóa, xã hội và con người, bên cạnh sức mạnh cứng về kinh tế, quân sự. Trong sách có nhắc đến “sức mạnh mềm” của Việt Nam.
Theo bà Phạm Phương Thảo, người Sài Gòn - TPHCM có đặc tính lớn như một cách sống, đó là: không đợi nhiều tiền mới giúp. Đây là mảnh đất lành chở che cho nhiều mảnh đời, là nơi có nhiều tiềm năng để phát triển, nơi mà nghĩa tình là nét văn hóa đặc sắc. Đảng bộ, chính quyền thành phố đang xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Đây là việc vô cùng quan trọng và đúng hướng.
Theo bà, không gian đó không chỉ là tượng đài, lễ nghi mà còn là giá trị phi vật thể, con người, văn hóa và lối sống, tất cả tạo nên sức mạnh để phát triển. “Làm sao để vẻ đẹp đạo đức, tâm hồn của Bác sống động trong con người TPHCM” là câu hỏi mà bà tâm đắc đặt ra và cố gắng đi tìm câu trả lời đầy đủ, thuyết phục.
“Suy nghĩ, xem xét theo nhiều hướng để viết ra những vấn đề thời cuộc quan trọng. Điều này không dễ đâu, nên người làm báo phải rèn luyện nhiều. Con đường phát triển của người trẻ, người giỏi không dễ dàng. Tôi viết để nâng niu cái tốt. Dân cũng đang quan tâm đến vấn đề đạo đức, lối sống của xã hội, của cán bộ. Không phải cái gì cũng tiền. Làm sao có thể miễn dịch với cái xấu?” - bà trăn trở.
Bà nhắc lại gương nhiều thế hệ lãnh đạo của TPHCM không chỉ là nhà lãnh đạo mà còn là nhà văn hóa. Họ có sức viết, tiếng nói thúc đẩy xã hội, như các tên tuổi Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ…
Bà thán phục: “Sức làm việc của họ bền bỉ, sau lưng họ là ngồn ngộn tài liệu thực tế, họ tiếp cận với các nền văn hóa. Họ sống, làm việc gắn bó với nhân dân, với giới báo chí và viết rất tài tình”. Bà đang cố gắng học theo họ cả trong cách sống lẫn nghiệp viết.
Nguyễn Thị Ngọc Hải