Là cựu binh Mỹ từ năm 1969 đến 1972 nhưng giáo sư địa chất Kenneth R Olson không tham chiến tại Việt Nam. Hơn 43 năm sau chiến tranh, ông vẫn nặng lòng với câu hỏi liệu chất diệt cỏ (chất độc mà quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam Việt Nam) đã để lại hậu quả như thế nào. Ông đã tìm đến Việt Nam để tự tìm câu trả lời.
Rừng rậm bị biến thành đất chết
Khi ghé thăm khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, cảnh cây trồng còi cọc gây ngạc nhiên cho vị giáo sư địa chất này. Trong quá trình nghiên cứu, ông hiểu rằng, đây là hậu quả của việc quân đội Mỹ phun thuốc diệt cỏ xuống vùng đất này.
|
Giáo sư Kenneth R Olson - người đã bỏ nhiều công sức để nghiên cứu, chứng minh tác hại của dioxin ở Việt Nam |
Với con mắt của người chuyên nghiên cứu đất đai, Kenneth nhận định, Việt Nam là một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi. Thổ nhưỡng, khí hậu nhiệt đới và mạng lưới kênh rạch, sông ngòi của miền Nam Việt Nam đã tạo nhiều khu rừng nhiệt đới, những cánh đồng lúa và hoa màu. Nhưng trong chiến tranh, từ năm 1965-1972, quân đội Mỹ đã rải 80 triệu lít chất diệt cỏ để hủy diệt thảm thực vật ở các khu rừng ngập mặn, gây ô nhiễm trầm trọng cho đất và trầm tích.
Giáo sư Kenneth R Olson đã viết về những điểm nóng còn chịu ảnh hưởng nặng nề từ chất độc diệt cỏ trong bài nghiên cứu Long-term fate of Agent Orange and Dioxin TCDD Contaminated Soils and Sediments in Vietnam Hotspots (Số phận của đất và trầm tích bị ô nhiễm chất độc da cam và dioxin TCDD ở các điểm nóng Việt Nam). Trong đó, ông tập trung nghiên cứu về độc tính trong chất diệt cỏ và tác động của nó lên đất, nguồn nước, thức ăn và sức khỏe con người ở miền Nam Việt Nam.
Sáu chất diệt cỏ cầu vồng đã được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam được đánh dấu bằng sáu màu khác nhau. Bốn trong số đó có chứa chất diệt cỏ 2, 4, 5-T với sản phẩm phụ là dioxin. Nguồn gây hại thực sự nguy hiểm là hợp chất dioxin sinh ra trong quá trình chế tạo chất độc da cam. Thời gian phân hủy của dioxin lại phụ thuộc vào nơi nó lắng đọng.
Không dừng lại ở đó, chất độc da cam bị rải xung quanh bờ sông và biển theo dòng chảy đưa dioxin trôi vào nước và trầm tích biển mà tác hại kéo dài hơn 100 năm. Theo thời gian, dòng chảy trong lưu vực sông và biển cũng như quá trình xói mòn đất đã khiến diện tích bị nhiễm độc trong nước lan rộng hơn.
Quân đội Mỹ lưu trữ và chiết nạp chất độc da cam tại các căn cứ không quân ở Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) rồi đưa đi phun, rải khắp nơi ở miền Nam Việt Nam. Họ đã rải chất độc da cam và các chất diệt cỏ khác trên khắp các tán rừng, nhất là dọc đường mòn Hồ Chí Minh. Cây ở vùng Củ Chi và Tam Giác Sắt bị rụng hết lá. Khu phi quân sự ở vĩ tuyến 17 thường xuyên bị rải chất độc, biến hàng ngàn mẫu rừng rậm thành những khu rừng trụi lá.
Di hại đến trăm năm
Quân đội Mỹ còn rải chất diệt cỏ xuống các vùng đất ngập nước, sông và kênh ở rừng ngập mặn U Minh ở bán đảo Cà Mau; dùng chất độc màu xanh mạ rải xuống Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long nhằm triệt nguồn lương thực của bộ đội Việt Nam.
Những năm 1960, nhiều nhà khoa học Mỹ đã nhận ra tác hại của các chất diệt cỏ chiến thuật (rainbow). Nhưng đến năm 1970, Tổng thống Nixon mới ra lệnh cho quân đội Mỹ ngừng rải chất độc da cam. Số lượng chất độc da cam chưa rải hết tại các căn cứ khác được gom về lại Biên Hòa vào năm 1971. Nhiều container chứa chất độc da cam không may bị rò rỉ và quân đội Mỹ phải đóng thùng lại trước khi đưa đến đảo Johnston ở Thái Bình Dương để xử lý.
Lúc giáo sư Kenneth đến Việt Nam, chiến tranh đã kết thúc 48 năm nhưng sân bay Biên Hòa vẫn là nơi nhiễm dioxin trầm trọng nhất ở Việt Nam, trải dài 40km. Tôm cá ở khu vực này vẫn nhiễm nồng độ dioxin ở mức độ cao nên Chính phủ Việt Nam cấm đánh bắt ở các ao hồ liền kề với căn cứ không quân cũ. Hai bên hàng rào của căn cứ Biên Hòa và các căn cứ quân sự khác của Mỹ cũng bị phun chất độc da cam để ngăn các cuộc đột kích bất ngờ. Nhưng binh sĩ Mỹ lại vô tình tiếp xúc với độc chất dioxin với nồng độ cao nhất.
Giáo sư Kenneth đã nhấn mạnh trong nghiên cứu của mình rằng, đây là vấn đề nghiêm trọng vì dioxin không dễ bị phân hủy và càng độc hại hơn trong hàng chục năm. Cơ thể con người tích tụ dioxin trong các mô mỡ và cần có thời gian đào thải dioxin ra ngoài. Khi cơ thể chết, được chôn xuống đất, dioxin mất thêm từ 20-50 năm mới tiêu hủy do không tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Ở sông và trầm tích biển, chu kỳ tan rã có thể hơn 100 năm. Dioxin được rải xuống bề mặt đất Việt Nam chỉ mới được 50 năm nên có khả năng vẫn tồn tại trong các điểm nóng nếu không được khắc phục.
Đến nay, phương pháp xử lý dioxin hiệu quả nhất vẫn là đốt đất bị nhiễm dù biện pháp này rất tốn kém. Chi phí giải quyết ô nhiễm ở các điểm nóng và ở Biên Hòa đã lên tới 330 triệu USD.
Trong nghiên cứu về chất độc da cam của giáo sư Kenneth, có sự góp sức không nhỏ của Lois Wright Morton - giáo sư danh dự tại Đại học Iowa State, một người say mê nghiên cứu về con người và cuộc sống ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Họ tin rằng, nghiên cứu của mình sẽ giúp mọi người nhận thức rõ hơn, rằng ô nhiễm dioxin sẽ gây tác hại lâu dài lên môi trường, nguồn thực phẩm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cựu binh hai nước và con cháu họ.
Gần đây, chính phủ Mỹ đã bắt đầu hỗ trợ Việt Nam tẩy sạch sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa và cung cấp tài chính thông qua USAID (cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ) để hỗ trợ nạn nhân. Giáo sư Kenneth mong các nhà khoa học trong ngành y ở Mỹ cũng vào cuộc, giúp y học Việt Nam nghiên cứu tác hại của dioxin lên con người và hệ di truyền.
|
Mỹ Huyền