Vì con, đơn ly hôn viết rồi lại xé

11/04/2022 - 18:20

PNO - Những trận cãi nhau nảy lửa giữa hai vợ chồng thường xuyên hơn. Đơn ly hôn vài lần viết rồi xé. Hình như họ không còn thời gian để nhẹ nhàng cùng nhau giải quyết các vấn đề.

Anh chị gặp nhau ở công ty, cùng là đội trưởng sản xuất, cá tính mạnh mẽ như nhau. Sau vài lần xung đột không ai chịu nhường ai, họ nhận ra họ thuộc về nhau.

Con trai chào đời nhưng sức khỏe không tốt, bé phải thường xuyên đến bệnh viện. Chị chăm con đến phờ phạc, anh gồng gánh nuôi cả nhà, thiếu trước hụt sau. Hai vợ chồng bắt đầu gắt gỏng với nhau. 

Một tuổi, con đã cứng cáp hơn, sức khỏe ổn định và tập đi. Hai vợ chồng dự định khi con biết đi sẽ gửi ông bà chăm để chị đi làm. Nhưng đứa trẻ quá nhanh nhạy hiếu động, lơ là một phút là sinh chuyện. Ông bà nội, ngoại đều không thể trông cháu. Chị đành bấm bụng chịu cảnh eo hẹp để ở nhà với con. 

Những trận cãi nhau nảy lửa giữa hai vợ chồng thường xuyên hơn. Đơn ly hôn vài lần viết rồi xé. Hình như họ không còn thời gian để nhẹ nhàng cùng nhau giải quyết các vấn đề. Có lần anh nổi nóng đá vỡ cái bình sứ lọc nước, chị đáp trả bằng mớ chén bể nát vương vãi trên sàn nhà. Đứa trẻ nhanh tay lẹ chân giẫm phải mảnh vỡ, rướm máu. Nó khóc la ầm trời ba mẹ mới dừng lại. 

Con tuổi lên ba, chị chuẩn bị chu đáo cho con đến lớp. Chị nghĩ, con đi học, mẹ đi làm, kinh tế gia đình khá hơn thì mọi việc được giải quyết. Chị không phải nhìn sắc mặt chồng mỗi khi cần tiền. 

Ảnh mang tính minh họa: @Lifestylememory
Ảnh mang tính minh họa: @Lifestylememory

 

Con đến lớp được ba ngày, cô giáo nói con có những biểu hiện không giống các bạn đồng trang lứa. Bực mình, chị la cả cô giáo. Thấy cô rươm rướm nước mắt, chị biết sai, xuống giọng xin lỗi rồi thừa nhận cô có phần đúng. Cô khuyên chị tìm trường giáo dục đặc biệt dành cho con. Chị lắc đầu. Những trường như thế nằm trong nội thành, vừa xa vừa học phí không rẻ. Anh nghe vợ thuật chuyện chưa được nửa phần đã la toáng lên, bảo cô giáo biết gì mà dám nói con anh có vấn đề. 

Năm sau, chị lại đưa con đến trường. Cô giáo lớp mầm năm ngoái được phân công dạy lớp chồi năm nay. Biết hoàn cảnh của chị, cô đồng ý nhận con với sự chăm sóc đặc biệt mà không cần tăng học phí. Chị xin được việc, đúng vị trí cũ ở công ty cũ. Làm việc mà lúc nào chị cũng giữ khư khư điện thoại bên mình vì hầu như ngày nào con cũng gây sự ở trường. Lúc thì con đổ hết chai dung dịch rửa tay, lúc thì đánh bạn, không chịu nằm trong giờ ngủ, đi qua các lớp khác… 

Được dịp làm việc cùng xưởng với vợ, anh quan sát nghe ngóng các cuộc gọi mới tin con có vấn đề thật sự. Hai vợ chồng nhận ra, bao nhiêu bất hòa, bao nhiêu xung đột phần lớn nảy sinh từ sự mệt mỏi của chị khi căng thẳng bên con. 

Chiều nay, sau giờ làm, hai vợ chồng cùng ghé đón con. Cô mừng rỡ kể dạo này con có tiến bộ, bớt tăng động, biết vâng lời các cô. Anh chị rưng rưng, vì biết các cô đã bỏ nhiều công sức để dạy dỗ riêng cho thằng bé kỳ lạ. 

Buổi tối, khi con đã ngủ, anh bất chợt choàng tay ôm vợ thầm thì: “Anh xin lỗi”. Bao nhiêu uất ức mệt mỏi đè nén trong lòng chị bỗng tràn ra. Chị gục vào vai chồng, nước mắt chảy mà lòng nhẹ nhõm. 

Việt Quỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI