Vì chúng ta là một gia đình

13/11/2020 - 09:45

PNO - Gia đình là chốn yêu thương, nhưng lại là nơi dễ khiến con người ta bị tổn thương nhiều nhất. Ngay cả bản thân mình là của mình, được gọi là “chủ”, nhưng đâu phải lúc nào “người chủ” cũng “làm chủ” được bản thân?

Có lẽ không có gia đình nào hoàn hảo theo nghĩa không có xung đột trong quan hệ vợ - chồng, cha mẹ - con cái. 

Thử xem hai trường hợp:

1. Gia đình ba anh em, nhưng chị có điều kiện hơn, nên sau khi bố mất, chị đón mẹ về ở với vợ chồng chị. Bà cụ hạnh phúc hơn nữa là có con rể làm ra tiền, cưng vợ, chiều con và thơm thảo với mẹ vợ. Ai cũng khen bà có phước. 

Vậy nhưng, lạ một điều là bà cụ rất quý con rể và hay cãi nhau với con gái. Hồi còn khỏe, bà quán xuyến chợ búa, cơm nước. Nhưng khi sức khỏe yếu đi, bà không đảm việc bếp núc nữa. Mẹ con hay cãi nhau vì bà thấy việc gì chị làm cũng trái ý bà. Từ mâm cơm đến cách sắp xếp gian bếp, trang hoàng nhà cửa, dù là nhà của chị. 

Chị than, có hiếu thực sự không dễ. Không phải lúc nào chị cũng có thể bình tĩnh, dịu dàng với mẹ, vì nhiều lúc mẹ nói hay hành động rất ngang bướng. Phần bà cụ, mỗi khi không hài lòng con gái út, lại điện thoại mách con trai và con gái kế. Trong trường hợp này, nếu không thấu hiểu và thông cảm, giữa anh em rất dễ xảy ra xung đột. Cô em út càng thêm áp lực khi vừa chăm mẹ, chịu đựng sự khó chịu của mẹ, lại còn phải giải thích với anh chị. 

May mắn là chị có ông chồng hiểu biết, bao dung nên hóa giải phần nào xung đột. Người ngoài cuộc sẽ nói ngay rằng, bà cụ này thật có phước khi được ở với con gái lại có con rể rộng rãi, vị tha. Ở với con gái mà còn khó, làm sao ở được với con dâu? 

2. Buổi tối, người mẹ bận bịu trong bếp nhắc con gái giặt quần áo. Cô con gái 25 tuổi, đi làm về mải coi ti vi để mẹ nhắc đến mấy lần. Đến khi lấy nước giặt thì bình nước giặt đã hết, cô hỏi mẹ có mua nước giặt mới chưa? Người mẹ trong lòng đã bực vì thái độ của con gái, bèn la cô nước giặt, xà bông các thứ mua về chưa dùng, lâu nay bà vẫn để nơi đó, sao bây giờ cô lại hỏi. Cô con gái trả treo với mẹ là hỏi để biết mẹ đã mua chưa. Có vậy thôi mà hai mẹ con lời qua tiếng lại. 

Người mẹ tức quá, khi ấy bà đang cầm cây kéo nhỏ, trong một tích tắc mất kiểm soát, bà quăng mạnh cây kéo xuống sàn nhà. Chỉ là hành động vô thức giải tỏa cơn giận, nhưng rủi sao, mũi kéo trúng chân con gái, chảy máu. Cô ngồi xuống ôm chân khóc, rồi giận dỗi không giặt quần áo nữa. Trong cơn nóng giận, cô còn có những lời hỗn hào với mẹ. Vậy là chiến tranh bùng nổ. 

Người mẹ vào giường nằm, con gái cũng về phòng riêng, khóa cửa. Suy nghĩ một hồi, bà mẹ mới thấy nếu bà kiềm chế cơn giận, nói nhỏ nhẹ với con thì đâu xảy ra chuyện này. Tuy nhiên, trong cái xui còn có cái hên là mũi kéo chỉ trúng chân, nếu trúng chỗ hiểm yếu thì ai biết chuyện gì sẽ xảy ra?

Suy nghĩ thấu đáo xong xuôi, bà qua gõ cửa phòng con gái, gọi cô ra ăn cơm và nói chuyện giảng hòa, nhưng cô nhất quyết không mở cửa. Bà mẹ đành nhắn tin xin lỗi con, vì mẹ nóng giận mà có hành động thiếu kiềm chế, tuy nhiên con gái cũng không được làm mẹ nổi nóng hay to tiếng với mẹ, và bà cũng sẽ không bao giờ làm như vậy nữa. Cô con gái vẫn cố thủ, bỏ luôn bữa tối, dù bà thấy dấu hiệu cho biết cô đã đọc tin nhắn. 

Hai trường hợp trên không đại diện cho nhiều hoàn cảnh gia đình, nhưng có thể thấy mấu chốt của vấn đề là mọi người trong gia đình đều phải biết kiềm chế cơn nóng giận khi xung đột. Trường hợp một, anh con rể luôn biết kiềm chế, bỏ qua những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong gia đình. Trường hợp hai, người mẹ thiếu kiềm chế nhưng may mắn là tai nạn chưa xảy ra. 

Làm thế nào để kiềm chế? Chỉ có cách duy nhất là phải tập. Đây là việc rất khó, vì trong cơn giận dữ, bên trong con người như có một loại hóa chất đẩy cơn giận bùng lên, và rồi xôi hỏng bỏng không. 

Gia đình là chốn yêu thương, nhưng lại là nơi dễ khiến con người ta bị tổn thương nhiều nhất. Ngay cả bản thân mình là của mình, được gọi là “chủ”, nhưng đâu phải lúc nào “người chủ” cũng “làm chủ” được bản thân? 

Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI