Tôi và anh cùng quê, làm việc ở Sài Gòn. Yêu nhau ba năm, hai đứa tính chuyện cưới xin. Có lần, người quen hỏi thăm mẹ tôi về chuyện của hai đứa. Mẹ tôi thiệt thà: “Chị bên đó mua bán (ý nói má anh… dữ), con Trang nhà tôi hiền quá, không biết làm dâu nổi không”. Câu nói đến tai má anh, bà giận, bắt anh phải chia tay tôi. Anh thuyết phục tôi kiên trì, đợi má nguôi giận.
Mỗi dịp lễ tết, anh đưa tôi về nhà. Má anh không nhìn tôi. Quà tôi biếu, bà trả lại. Ba năm trôi qua, mặc anh năn nỉ, mặc tôi tỏ thiện chí, bà vẫn kiên quyết không chấp nhận.
Lúc anh mới bốn tuổi, ba anh mất. Má anh đi bước nữa. Anh có tới bốn đứa em khác cha. Trước giờ anh tự làm tự lo. Các em lên Sài Gòn học, anh chăm lo từng đứa mà không than van gì. Anh năn nỉ má: “Trước giờ con luôn làm tròn bổn phận. Con chưa từng cầu xin má điều gì, chỉ xin má chấp nhận hôn nhân của con”. Bà vẫn lạnh lùng gạt đi. Bí đường, anh bàn với tôi… tiền trảm hậu tấu. Theo kế hoạch, tôi dọn về ở chung với anh. Lúc đó, anh đang ở trọ cùng em gái. Thời đó chưa có điện thoại. Tôi dọn về được hai giờ, em gái anh ra xe về quê méc má. Hôm sau, em trở lên truyền chỉ thị của má: tôi phải dọn ra khỏi nhà.
Tôi sống chung với anh, dẫu mang bầu, bà cũng không nhìn cháu nội. Tôi nản lòng, đòi chia tay. Anh nhìn vào mắt tôi, tha thiết: “Khi nào em không còn yêu anh nữa, hãy tính chuyện chia tay. Chút khó khăn này, em hãy cùng anh vượt qua”. Yêu anh, tôi đành liều. Nói vậy thôi. Tối đến, tôi ở phòng trong, anh ngủ ngoài phòng khách. Em gái anh cả đêm dậy đi vệ sinh, uống nước, xô cửa, đá bàn ghế rầm rầm để cảnh cáo. Ở chung nhà, cả ba đều căng thẳng. Được năm ngày, em gái anh đòi dọn vô ký túc xá. Tôi chào thua, trở về phòng trọ cũ. Tôi không muốn anh phải mang tiếng vì người yêu mà hắt hủi em gái.
Anh làm việc ở quận 5, công ty tôi tận huyện Hóc Môn. Cuối tuần, anh lặn lội ra thăm tôi. Có khi giữa tuần, muốn cho tôi bất ngờ, anh lại vượt đường xa mang cho tôi vài trái bắp luộc, củ khoai… Tình yêu chân thành của anh khiến tôi từ bỏ ý định buông xuôi. Năm năm trôi qua, tôi và anh cứ lấn cấn chuyện hôn nhân, không có cách gì thuyết phục má. Họ hàng nhà anh thương tình nên xúm vào khuyên can má anh, bà vẫn không lay chuyển ý định. Bác Hai và cậu Út của anh quyết định đứng ra tổ chức đám cưới cho chúng tôi.
Đám cưới có đủ sính lễ, rước dâu… nhưng tôi và anh vui không trọn vẹn vì má anh không đến dự. Đêm tân hôn, hai đứa nhìn nhau rưng rưng. Khó khăn biết mấy tôi và anh mới đến được với nhau. Hôm sau, anh đưa tôi về nhà lạy tổ tiên và ra mắt má. Má không nhìn tôi. Nhang đèn và bánh trái tôi dọn lên bàn thờ, má hắt ra sân. Tôi và anh chỉ biết khóc. Bức tường má chặn trước chúng tôi dường như càng lúc càng khó vượt qua.
Mỗi tháng, tôi đều gửi tiền và quà bánh về biếu má. Mấy lần đầu, má gửi trả; mấy lần sau, không thấy nữa. Tôi không dám mừng vội vì biết má đâu dễ dàng chấp nhận tôi. Sau này tôi nghe kể lại, má nói với hàng xóm, ra bưu điện mắc công quá nên quà tôi gửi, má đem bỏ thùng rác. Chồng nản lòng, khuyên tôi bỏ cuộc. Nhưng tôi vẫn kiên trì gửi thông điệp cầu hòa đến má. Tôi tin, rồi má sẽ hiểu tôi thật lòng muốn làm đứa con dâu hiếu thuận.
Năm đó má bệnh. Các em đưa má lên Sài Gòn chữa trị. Tôi và chồng vào thăm, má quay mặt vô vách không nhìn. Bệnh của má phải điều trị lâu dài. Các em của anh đều bận việc ở quê nên giao má lại cho vợ chồng tôi. Bất đắc dĩ, má mới chịu để tôi chăm sóc nhưng má rất khó chịu với tôi. Tôi đút cháo cho má, má phun đầy mặt tôi. Má đi vệ sinh ra quần. Tôi vừa lau rửa, thay đồ cho má xong, má lại làm tiếp như thể trêu tức tôi. Cả đêm, má bắt tôi thức để xoa bóp chân tay, trở lưng cho đỡ mỏi. Chăm má mới năm ngày, mắt tôi đã quầng thâm, tay chân rụng rời nhưng tôi vẫn dịu dàng và lễ phép với má. Chồng tôi xót ruột, đòi thuê người. Tôi ngăn chồng. Tôi biết, tôi chỉ có cơ hội này để hòa giải với má. Má sinh ra chồng tôi, cực khổ nuôi lớn, giờ bị tôi nhảy vào "cướp ngang xương", nên tôi phải để má trút giận.
Tôi muốn được má thương là vì chồng, vì con. Tôi hòa thuận với má, người hạnh phúc nhất là chồng tôi. Các con tôi cũng sẽ được nội nhìn nhận. Ải này tôi không vượt qua được, cánh cửa quay về với đại gia đình của cả nhà tôi sẽ không bao giờ mở ra.
Gây sự với tôi hoài, má cũng mệt. Mà thật ra, những “đề thi” cao cấp của má, tôi đều vượt qua hết, cớ gì má không dành điểm cộng cho tôi. Bây giờ, trong số ba con dâu của má, má tin tưởng và thương tôi nhất. Nghĩ về những ngày tháng gian nan, hỏi tôi có giận má không. Thật lòng, tôi có giận, nhưng tôi cảm thông với má. Từ ngày sinh con trai, tôi hiểu má hơn. Để bảo vệ con mình, bà mẹ nào cũng trở nên quyết liệt. Khi biết chắc đó là đồng minh, rào chắn kia sẽ được hạ xuống.