Vì bà là anh hùng

30/04/2024 - 06:11

PNO - Sau những kiên cường, bản lĩnh ấy, bà lại dịu dàng giữa đời thường với vai trò là hậu phương vững chắc cho chồng, là người mẹ dịu hiền, người bà hết mực yêu thương các cháu…

Có một người anh hùng kiên cường nơi chiến trường đạn lửa, tuổi thiếu niên đã trở thành cô du kích. Có một người anh hùng hết lòng phụng sự đất nước sau hòa bình, thống nhất đất nước và đầy bản lĩnh trên thương trường, được tôn vinh Nhân tố mới thời đại Hồ Chí Minh. Đó là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Vũ Minh Nguyệt.

Sau những kiên cường, bản lĩnh ấy, bà lại dịu dàng giữa đời thường với vai trò là hậu phương vững chắc cho chồng, là người mẹ dịu hiền, người bà hết mực yêu thương các cháu…

Bà Minh Nguyệt cùng chồng, con gái, con rể và cháu ngoại trong đám cưới của con trai út
Bà Minh Nguyệt cùng chồng, con gái, con rể và cháu ngoại trong đám cưới của con trai út

14 tuổi, bà Nguyễn Vũ Minh Nguyệt đã giác ngộ cách mạng, tin theo Đảng, theo tiếng gọi yêu nước. Vài năm sau, từ cô du kích nhỏ, bà trở thành xã đội phó của xã Sơn Viên, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam xưa; trở thành người chỉ huy khiến quân thù tại chiến trường Sơn Viên xưa khiếp sợ một thời với những trận đánh Đồng Võ hay Núi Chúa.

Sau nhiều trận giáp lá cà với quân địch, anh hùng Minh Nguyệt đã bị đạn bom gây thương tật. Dù là thương binh, bà vẫn tiếp tục cống hiến với đất nước theo tinh thần của một người lính - tinh thần không gục ngã. Vừa bỏ súng xuống, anh hùng Minh Nguyệt đã tiếp tục việc học, trở thành nữ kiểm sát viên, từng là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân quận Hải Châu, TP Đà Nẵng, sau đó là trưởng văn phòng công chứng. Dù ở cương vị nào, anh hùng Minh Nguyệt cũng lao vào nhiệm vụ với bản lĩnh thép, đầy chất can trường.

Trong những năm tháng đầu sau giải phóng, ngày làm việc ở viện kiểm sát, tối bà ở nhà vừa lo cơm nước, vừa tăng gia sản xuất. Trong hồi ký Vầng trăng sáng mãi, nữ anh hùng đã bồi hồi kể lại thời khó nhọc mưu sinh: “Lương thời đó, 2 vợ chồng ba cọc ba đồng không đủ sống, sau giờ làm việc tôi làm thêm đủ thứ, nào thêu ren áo cho công ty xuất nhập khẩu, may gia công, dán bao dầu cù là, khâu và đóng sách cho nhà in, nuôi heo để kiếm thêm thu nhập…”.

Bà Minh Nguyệt (hàng trước, thứ ba từ phải sang)  tặng quà cho mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sĩ
Bà Minh Nguyệt (hàng trước, thứ ba từ phải sang) tặng quà cho mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sĩ

Suốt một thời gian dài, tận tụy ngày làm 8 tiếng ở cơ quan, tối đến bà hì hục chở từng thùng nước thừa tại các quán ăn để nuôi heo, bán kiếm tiền mua sữa nuôi con gái đầu bị sinh non thiếu tháng. Dẫu khi đó là Quận ủy viên, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân quận Hải Châu, TP Đà Nẵng, bà vẫn khiêm nhường, cần mẫn lao động chân chính để nuôi dạy 2 con trưởng thành.

Giờ đây nữ anh hùng Nguyễn Vũ Minh Nguyệt đã 70 tuổi, nhưng bà vẫn hăng say với nhiệm vụ điều hành văn phòng công chứng có tuổi đời lâu nhất ở TP Đà Nẵng và miền Trung, Tây Nguyên. Thế nhưng mỗi sớm mai thức dậy, bà vẫn luôn tận tay chuẩn bị bữa sáng cho chồng - thói quen đã thành nếp mấy mươi năm trong đời sống hôn nhân. Khi các con đã có gia đình, mỗi cuối tuần, nữ anh hùng lại vào bếp trổ tài nấu những món ngon để cả nhà gặp nhau trò chuyện. Theo bà, căn bếp chính là nơi giữ lửa hạnh phúc gia đình.

Với đồng bào, bà hết lòng cho các hoạt động xã hội qua những bữa cơm hằng tháng cho bệnh nhân nghèo. Tấm lòng nhân hậu ấy còn thể hiện với nguồn cội, với đồng đội cùng chiến hào. Hằng năm, nữ anh hùng Minh Nguyệt đều thực hiện nhiều chuyến về nguồn vào ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, vào dịp tết Nguyên đán.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Vũ Minh Nguyệt  và Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Trinh
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Vũ Minh Nguyệt và Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Trinh

Cứ vào ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, bà lại đến nghĩa trang liệt sĩ xã Sơn Viên, thắp những nén tâm hương tri ân đồng đội. Bà đã lắp đặt 800 bình hoa, thay mới 3 lần hoa tại các phần mộ. Cùng với đó là tặng quà tri ân các mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, người khó khăn khắp xã Sơn Viên.

Mỗi lần gặp bà, chúng tôi - những người chưa đủ lớn để cảm nhận sự tàn khốc của thời chiến tranh - lại được nghe bà kể chuyện. Bà hay ứa nước mắt vì những cảm xúc một thời oanh liệt vẫn chưa nguôi ngoai. Đám trẻ chúng tôi hay tự hỏi nhau, sao bà có thể xuất sắc trong mọi lĩnh vực, sao bà có thể yêu thương, trân trọng từng con người. Và chúng tôi cũng tự trả lời: vì bà là anh hùng.

Đỗ Duy Hoàng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI