Cái ác được tạo môi trường để tái diễn
“Rõ ràng là trẻ có ở ngay trong nhà cũng chưa hẳn đã an toàn. Ở phòng trọ các em bị xâm hại lúc cha mẹ đi vắng; bước vào thang máy bị dâm ô; ra khu vui chơi giải trí, đi học cũng có khi bị đánh, bị lột đồ, bị xúc phạm; bất trắc luôn bủa vây trẻ. Cha mẹ không thể ở bên con suốt ngày mà hiểm nguy thì luôn rình rập. Vậy làm sao chúng ta bảo vệ được con em mình?” - bà Ninh Thị Hồng, Phó chủ tịch thường trực Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, lo lắng.
Bà Hồng đơn cử vụ việc thầy giáo D.T.M. dâm ô 13 nữ học sinh lớp Năm ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang vừa được phát giác để chứng minh: ngay cả khi ở trường trẻ cũng không được an toàn. Bà Hồng nói: “Khi vụ việc xảy ra, phải loại kẻ dâm ô ra khỏi đội ngũ giáo viên, cấm dạy học dưới mọi hình thức như quy định pháp luật ngay lập tức. Vậy mà ngành giáo dục Bắc Giang thì cứ chần chừ, không có hình thức kỷ luật đích đáng cho đến khi Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam gửi công văn lên tiếng”.
|
Học sinh trường THCS Trần Quốc Toản Q.2 đang được hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm trong tình huống khẩn cấp |
Tiến sĩ Nguyễn Đức Danh - Trưởng khoa Khoa học giáo dục, trường đại học Sư phạm TP.HCM - cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần một cuộc cách mạng trong quan niệm để ứng phó với vấn nạn xâm hại, bạo hành trẻ em. Quan niệm đó không chỉ là xây dựng hàng rào bảo vệ trẻ em như quan tâm nhiều hơn, chăm sóc chu đáo hơn… mà còn là tinh thần thượng tôn pháp luật để nghiêm trị cái ác, cái xấu, không để bỏ lọt tội phạm để môi trường sống của trẻ thật sự an toàn.
Ông Danh so sánh: “Hàng loạt vụ xâm hại bạo hành trẻ xảy ra trong học đường, mà chỉ mới có Hưng Yên quyết liệt xem xét, xử lý trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu là chưa đủ. Còn đó rất nhiều vụ dâm ô, bạo hành trẻ kéo dài bên trong trường học mà khi xét xử các cấp tòa đã không đề cập đến trách nhiệm của những người quản lý. Cụ thể như việc Tòa án nhân dân huyện Hóc Môn xét xử ông T.C.D., thầy giáo dâm ô 8 nữ sinh trong suốt hai năm tiểu học. Theo phản ánh của phụ huynh và lời khai học sinh, các em đã kêu cứu sự việc lên ban giám hiệu, giáo viên thể dục, giáo viên tin học và cả thầy hiệu trưởng, nhưng tất cả đã bị gạt đi… Cuối cùng, Tòa án nhân dân huyện Hóc Môn đã không xem xét trách nhiệm của nhà trường, những người “tiếp tay cho cái ác”. Mãi đến khi mẹ của một nạn nhân đấu tranh quyết liệt thì bản án phúc thẩm vào ngày 29/1/2019 vừa qua mới kiến nghị Phòng Giáo dục huyện Hóc Môn xem xét trách nhiệm của ban giám hiệu nhà trường.
Giúp trẻ tự bảo vệ mình
Năm 2019, năm “An toàn cho phụ nữ, trẻ em” đã được triển khai thực hiện, nhưng đến nay ở TP.HCM đã xảy ra 5 vụ bạo hành, xâm hại trẻ. Đó không còn là “điềm xấu” mà là tiếng chuông cảnh báo cho các cấp Hội nhìn toàn diện hơn trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em của mình, để từ đó xác định nhiệm vụ cần làm trong giai đoạn hiện nay.
Tại cuộc họp giao ban quý I/2019 vừa qua cùng 24 quận huyện và cơ sở Hội trực thuộc, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - chỉ đạo Hội LHPN các cấp bám sát chủ đề năm - bảo vệ an toàn cho phụ nữ, trẻ em; theo dõi sát sao các vụ xâm hại, bạo hành phụ nữ, trẻ em theo đúng chức năng của Hội.
Từ đầu năm 2019 đến nay, nhiều quận huyện Hội đã chủ động xây dựng chương trình hành động vì an toàn cho phụ nữ trẻ em. Hội Phụ nữ các quận 12, Thủ Đức, Bình Tân đã tuyên truyền về phòng, chống xâm hại trẻ tại các khu nhà trọ, khu dân cư cho nữ công nhân, lao động nhập cư, các bà mẹ có con dưới 16 tuổi… Hội Phụ nữ các quận 1, 3, 5, 8, 10, 11, Tân Phú, Phú Nhuận đã tổ chức dạy kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng thoát hiểm cho trẻ trong các tình huống xấu. Hội Phụ nữ Q.6 xây dựng và triển khai thực hiện chương trình an toàn cho phụ nữ và trẻ em ở các khu chung cư…
Ngay trong buổi sáng 4/4, bà Trần Thị Huyền Thanh - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - cũng đã làm việc với Hội Phụ nữ H.Bình Chánh về những vụ xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn huyện trong thời gian qua.
Mục tiêu của Hội LHPN TP.HCM là chú trọng giáo dục, truyền dạy kiến thức pháp luật và kỹ năng tự bảo vệ cho phụ nữ và trẻ em.
Trên thế giới, quyền tham gia của trẻ đã được đề cập từ gần 30 năm nay trong Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989. Ở Việt Nam, mặc dù Hiến pháp 2013 có khẳng định, trẻ được quyền tham gia vào các vấn đề của trẻ em, nhưng trên thực tế, do tâm lý, rất nhiều người lớn, kể cả thầy cô giáo trong nhà trường, không xem trọng ý kiến của trẻ, hay nói cách khác, họ không muốn nghe trẻ trình bày. Dẫn đến, khi bị xâm hại tình dục, trẻ không dám nói, khiến người lớn không biết. Đến khi biết thì đã quá muộn.
Luật sư Nguyễn Hoàng Trung Hiếu - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, những dấu vết như vết trầy xước, mẩn đỏ, vết phù nề hoặc tế bào nam trong bộ phận sinh dục của trẻ bị xâm hại… đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác định tội phạm. Một số trường hợp khác có thể bị phanh phui trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh, nhưng do cha mẹ lo sợ ảnh hưởng đến tâm lý trẻ nên đã chọn thỏa hiệp, im lặng. “Tôi đồng ý sức khỏe, tinh thần của trẻ là vô cùng quan trọng, nhưng thỏa hiệp với cái xấu thì không. Ở một số vụ án chúng tôi tham gia, có nhiều bậc phụ huynh mất bình tĩnh, la mắng, quát tháo, đánh đập trẻ. Vì thế, trẻ càng sợ, không thể nhớ rõ các tình tiết để khai ra đối tượng có hành vi lạm dụng, xâm hại mình. Chính người lớn chúng ta với tâm lý che giấu vì ngại, vì xấu hổ đang khiến trẻ mất quyền được biết, quyền được nêu ý kiến trong những vấn đề thuộc về mình, mất khả năng tự bảo vệ mình trước những vấn nạn xã hội”, theo luật sư Nguyễn Hoàng Trung Hiếu.
Trong cuộc chiến này, dẫu Hội Phụ nữ hay các đoàn thể có tích cực, quyết liệt trong tuyên truyền, vận động, chăm sóc, lo toan thế nào mà thiếu chủ trương và sự quyết liệt của các cấp chính quyền cùng lực lượng công an địa phương thì vẫn không thể nào làm đến nơi, đến chốn.
Hạnh Chi - Mẫn Nhi