VFC bị tố vi phạm bản quyền: Lời chào cao hơn mâm cỗ

24/10/2018 - 18:00

PNO - Trong khi đó, chỉ với một lời xin phép, đơn vị này hoàn toàn có thể tránh được những lùm xùm không đáng có.

Mới đây, 2 bộ phim do VFC (Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam, trực thuộc VTV) sản xuất bị tố vi phạm bản quyền âm nhạc. 

Phim Quỳnh búp bê (đang phát sóng trên VTV3) sử dụng ca khúc Nhật ký của mẹ do nhạc sĩ  (NS) Nguyễn Văn Chung sáng tác; phim Cả một đời ân oán sử dụng Cả một trời thương nhớ do NS Nguyễn Minh Cường sáng tác nhưng đều không xin phép tác giả, không đóng tiền tác quyền tại Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC).

Ca khúc Nhật ký của mẹ được sử dụng trong phim Quỳnh búp bê:

 

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã nộp đơn khiếu nại lên VCPMC để đòi quyền lợi. Trước đó, NS Nguyễn Minh Cường cũng có động thái tương tự. Trước phản ứng của NS Nguyễn Văn Chung, mới đây, đại diện VTV đã gọi điện xin lỗi anh và hứa sẽ hoàn thành nghĩa vụ đóng tiền tác quyền. NS Nguyễn Minh Cường vẫn đang trong thời gian chờ đợi kết quả xử lý từ VCPMC.

Vài năm trở lại đây, vấn đề tác quyền bắt đầu được quan tâm nhiều hơn bởi lợi nhuận mà chúng mang đến cho tác giả không hề nhỏ. Với Nguyễn Văn Chung, mỗi quý tại VCPMC, anh thu về hơn 100 triệu đồng. Cố NS Trịnh Công Sơn cũng có tiền tác quyền lên đến vài trăm triệu đồng/năm (con số vào năm 2014 là 700 triệu)...

Nhiều vụ tranh cãi, thưa kiện liên quan đến bản quyền cũng khiến dư luận không ít lần xôn xao. Lạ thay, tại VFC- một đơn vị lớn, có tầm ảnh hưởng mạnh, chuyện bản quyền vẫn còn bị xem nhẹ. Thói quen tùy tiện sử dụng tác phẩm không qua xin phép, không đóng phí bản quyền vẫn diễn ra. Năm 2016, VTV từng vướng vào vụ kiện vi phạm bản quyền vì sử dụng tư liệu nhưng không xin phép tác giả, khiến kênh YouTube của VTV bị xóa.

VFC bi to vi pham ban quyen: Loi chao cao hon mam co
Phim Cả một đời ân oán sử dụng ca khúc Cả một trời thương nhớ của NS Nguyễn Minh Cường nhưng cũng không xin phép.

Về luật, việc chi trả tác quyền thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ các bên trong quan hệ mua bán. Vì thế, việc này cần được thực hiện một cách chủ động từ phía đơn vị sử dụng. Đáng nói hơn, tiền bản quyền chi cho một ca khúc được dùng trong phim ảnh chỉ dao động ở mức rất nhỏ, mang tính tượng trưng. Vì thế, việc làm của VFC khiến các NS vô cùng bức xúc.

VFC, VTV có thể không xin phép tác giả và đến VCPMC để đóng tiền tác quyền, đặc biệt trong trường hợp khó liên lạc hoặc các nghệ sĩ lớn tuổi. Tuy nhiên, Nguyễn Văn Chung hay Nguyễn Minh Cường đều là những tác giả trẻ có thể dễ dàng kết nối. Việc xin phép tác giả, về tình là thể hiện sự tôn trọng, cũng giúp đơn vị sử dụng chủ động tránh lùm xùm về sau khi kẻ biết, người không trong việc thực hiện trách nhiệm. Nhưng VFC đã không thực hiện bất kỳ động thái nào.                                                 

“Chúng tôi là nghệ sĩ, không phải doanh nghiệp, doanh nhân, chuyện gì cũng căn sát vào luật để xử. Nhưng điều chúng tôi cần là việc làm thể hiện sự tôn trọng tác giả từ VFC, VTV. Chúng ta đang sống ở một xã hội văn minh, sức lao động, trí tuệ của bất kỳ ai cũng phải được thừa nhận, dù lớn hay nhỏ. Chúng ta cũng không thể nào hoạt động mà cứ mãi đổ lỗi cho cái gọi là sơ sót”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ.

VFC bi to vi pham ban quyen: Loi chao cao hon mam co
NS Nguyễn Văn Chung (phải), tác giả ca khúc Nhật ký của mẹ

Tương tự, NS Nguyễn Minh Cường cho rằng chỉ cần một lời nói, mọi việc sẽ trở nên dễ dàng, vui vẻ cho cả đôi bên: “Nếu VFC có động thái ngỏ lời trước, thể hiện sự tôn trọng, tôi sẵn sàng cho họ sử dụng miễn phí. Nhưng tôi không nhận được điều mình cần”.

Trước nay, việc “xài chùa” trong làng giải trí Việt không hiếm. Năm 2015, cố NS Trần Lập chỉ trích Tóc Tiên khi hát Người đàn bà hoá đá không xin phép. Đầu năm 2017, Mỹ Tâm vướng ồn ào hát Anh thì không nhưng không thông qua tác giả lời Việt. Hồi đầu năm 2018 vừa qua, Hồ Ngọc Hà, Khánh Ngọc cũng rơi vào tình huống tương tự... Mọi việc phần lớn đều được giải quyết bằng lời xin lỗi, đóng bù tiền bản quyền, nặng hơn thì sản phẩm sẽ bị xoá, hoặc lờ đi để qua chuyện. Vòng tròn ấy cứ lặp đi lặp lại.

Đầu tháng 10/2018, Noo Phước Thịnh bị nhạc sĩ người Mỹ Zack Hemsey kiện vì vi phạm bản quyền, sử dụng tác phẩm của anh không xin phép. Nam ca sĩ bị yêu cầu bồi thường gần 1 tỷ đồng, xoá hết MV vi phạm bản quyền khỏi các phương tiện lưu trữ. Sự việc như hồi chuông cảnh báo để các cá nhân, đơn vị trong nước đừng mãi “non” với chuyện bản quyền - vấn đề bị xem nhẹ trong nhiều năm qua dẫu đã có luật.

Đã đến lúc, ngoài những lời xin lỗi, nghệ sĩ Việt, làng giải trí Việt cần làm quen với những động thái cứng rắn hơn để chuyện bản quyền được vào quy củ.

Thành Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI