Vết trượt dài của nữ kế toán biển thủ gần 6 tỷ đồng công quỹ

12/06/2013 - 17:00

PNO - PNO - Trong lúc túng quẫn vì không có tiền trả nợ, Trâm đã nghĩ ra cách giả mạo chữ ký của lãnh đạo cơ quan để rút tiền quỹ trả nợ. Lần đầu trót lọt, nữ kế toán này tiếp tục thực hiện những phi vụ tiếp theo với số tiền...

 Con đường phạm tội

Huỳnh Nguyễn Quế Trâm (SN 1981, ngụ thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) được nhận vào công tác tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) tỉnh Bình Phước từ tháng 12/2003 với chức danh nhân viên kế toán.

Nhiệm vụ của Trâm là giao dịch với kho bạc, ngân hàng để chuyển khoản, rút tiền mặt các nguồn quỹ chi hỗ trợ bão lụt, nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ gia đình chính sách…do UBMTTQVN tỉnh Bình Phước quản lý, điều hành. Sau một năm công tác, Trâm lập gia đình, cũng từ đó, nhu cầu chi tiêu cho cuộc sống mỗi ngày một tăng.

Dựa vào các mối quan hệ khá rộng của mình, nữ kế toán này dễ dàng vay mượn tiền để trang trải, chi tiêu, cho anh em vay mượn tạm và. Dần dà, Trâm vay cả tiền từ các nguồn vay nóng, phải chịu lãi cao. “Đến bây giờ em cũng không nhớ nổi mình đã vay và trả bao nhiêu tiền lãi cho các chủ nợ. Cứ lẩn quẩn trong vòng tròn nợ nần, hết vay chỗ này lại chạy đi vay chỗ khác để đập vào chỗ cũ. Đến khi bị thúc ép trả nợ, bí quá đành làm liều, em nảy ra ý định lấy một ít tiền quỹ của cơ quan để trả tạm cho các chủ nợ, sau đó sẽ tìm cách trả lại sau”, Trâm trình bày.

Vet truot dai cua nu ke toan bien thu gan 6 ty dong cong quy

Huỳnh Nguyễn Quế Trâm tại cơ quan điều tra

Theo Trâm, phi vụ đầu tiên trót lọt là vào đầu năm 2010, lần đầu tiên rút được số tiền 100 triệu đồng. Thấy dễ dàng, Trâm tiếp tục thực hiện những lần “rút ruột” tiền công quỹ với số tiền lớn dần, có lúc lên tới 400 triệu đồng. Nữ kế toán này chỉ chịu dừng lại khi bị lãnh đạo cơ quan phát hiện. Sự việc lập tức được trình báo đến cơ quan công an và nữ kế toán Quế Trâm đã phải tra tay vào còng số 8 vào ngày 20/5.

“Đó là vào giữa tháng 5/2013, lãnh đạo cơ quan em chỉ đạo bàn giao công tác kế toán cho người khác đảm nhiệm. Đến lúc này em biết không thể giấu đươc nữa nên mới nói sự thật cho chồng và người thân biết thì mọi việc đã quá muộn màng”, Trâm hối hận.

Quy trình rút tiền "có vấn đề"

Theo thống kê bước đầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước, tính đến tháng 4/2013, Huỳnh Nguyễn Quế Trâm đã dùng thủ đoạn tinh vi để chiếm đoạt trên 5,7 tỉ đồng.

Theo lời khai của Trâm, để chiếm đoạt được số tiền trên, Trâm đã dùng các thủ đoạn giả mạo chữ ký lãnh đạo và các văn bản giấy tờ rồi dùng con dấu của cơ quan thực hiện hành vi rút tiền tại kho bạc và ngân hàng. “Bắt đầu từ năm 2010, để rút được tiền quỹ của cơ quan từ kho bạc và ngân hàng, em tự soạn thảo, in ấn các quyết định chi tiền hỗ trợ bão lụt… sau đó lấy mẫu chữ ký của lãnh đạo cơ quan đồ lên để lấy nét rồi dùng bút mực tươi ký giả mạo chữ ký của lãnh đạo và đưa cho nhân viên văn thư đóng dấu hoàn chỉnh. Sau đó, em liên hệ kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng để xin các biểu mẫu văn bản về tự ghi các thông tin và tiếp tục ký giả chữ ký của lãnh đạo cơ quan và thực hiện các giao dịch rút tiền trót lọt”, Trâm khai tại cơ quan điều tra.

Trâm còn nhờ cả nhân viên văn thư của cơ quan đi rút dùm để qua mắt cơ quan chức năng.

Thiếu tá Ngô Quý Hiền, điều tra viên thụ lý vụ án cho biết, các thủ tục khởi tố vụ án, khởi tố bị can đã hoàn tất. Để có thể hưởng lượng khoan hồng của pháp luật thì ngoài việc thành khẩn khai báo, bản thân Trâm phải khắc phục hậu quả, hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt cho cơ quan.

Theo một lãnh đạo UBMTTQVN tỉnh Bình Phước, để rút được tiền ủng hộ phòng chống lụt bão, trước hết phải có công văn chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão, phải có chữ ký của Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Bình Phước. Và người thực hiện nhiệm vụ rút tiền phải là người khác chứ không phải kế toán…

Tuy nhiên, theo như lời khai của Trâm và tìm hiểu của phóng viên thì tất cả những lần nữ kế toán này rút tiền đều không có công văn của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão tỉnh. Riêng chữ ký Trâm giả mạo khi đối chiếu với chữ ký thật của Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Bình Phước đều hoàn toàn không giống nhau.

Điều đáng chú ý nữa là, trong số 13 lần nữ kế toán này rút tiền thì có tới 11 lần Trâm tự đi rút. Tất cả những lần Trâm thực hiện rút tiền, quy trình rút đều “có vấn đề”, nhưng không hiểu vì sao các lãnh đạo UBMTTQVN tỉnh Bình Phước cũng như kho bạc và ngân hàng đều không hề hay biết. Mặc dù không thực hiện đúng các quy trình rút tiền, Trâm vẫn dễ dàng rút công quỹ từ kho bạc và ngân hàng, hai trong những nơi được đánh giá là cực kỳ khó lấy tiền nếu không có những thủ tục cần thiết?

Đặng Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI