Sáng 16/4, nhiều người tò mò tập trung phía trước phòng xử số 10 của TAND TP.HCM để chờ xem phiên xử bị cáo Nguyễn Hoàng Dương (33 tuổi, nguyên cán bộ Bộ công an) về tội “Gián điệp” và “Cưỡng đoạt tài sản”. Họ không khỏi bất ngờ trước tội danh mà cựu công an bị truy tố.
Ngồi trước bục khai báo, Dương lặng thinh, hai tay bị cáo đan chặt vào nhau, cúi đầu. Vốn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, vì đâu cán bộ công an này lại đánh mất mình, để sắp phải nhận lấy bản án của tòa?
|
Bị cáo Nguyễn Hoàng Dương tại phiên tòa sơ thẩm. |
Trượt dài trong cờ bạc
Theo cáo trạng, ngày 18/9/2016, sau khi cãi nhau trong đơn vị với ông Dương Danh Kiểm (Đội trưởng Đội 9), Dương lên phòng làm việc lấy trộm một đĩa CD trắng chứa tài liệu mật của cơ quan. Dương cất trong người phòng thân, nếu đánh bạc thua sẽ dùng đĩa CD này đe dọa cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị buộc họ phải chuyển tiền cho anh ta.
Khoảng 6h ngày 19/9/2016, Dương mang xe máy đi cầm được 15 triệu đồng rồi theo đường tiểu ngạch đến sòng bài Le Macau (Campuchia) để đánh bạc. Tại đây, anh ta thua hết số tiền đã mang theo. Hôm sau, Dương lên mạng tra số điện thoại đường dây nóng của một đại sứ quán nước ngoài tại Campuchia để hẹn trao đổi nhưng không nhận được phản hồi.
Ngày 21/9/2016, cựu cán bộ công an lấy lý do đi chơi mất ví không còn tiền về nhà để nhắn tin cho em gái xin 5,5 triệu đồng. Khi nhận được tiền, Dương tiếp tục mang đi đánh bạc và thua hết. Hôm sau, anh ta lại liên hệ với đại sứ quán này qua email cá nhân nhưng chỉ nhận được tin nhắn phản hồi tự động.
Đến ngày 24/9/2016, Dương tiếp tục nhờ em gái gửi tiếp 10 triệu đồng nhưng chị này không đồng ý. Anh ta sau đó lập một tài khoản Facebook có tên “giang hồ”, nhắn tin cho em gái nói dối rằng Dương đang bị bắt cóc và yêu cầu tiền chuộc. Nhận ra đó là tin nhắn của anh trai mạo nhận nên cô gái không thực hiện yêu cầu mà báo cáo về đơn vị của Dương.
Cũng trong ngày này, Dương sử dụng số điện thoại Campuchia nhắn cho ông Kiểm, yêu cầu ông này chuyển cho Dương số tiền 5 triệu đồng thì Dương mới về Việt Nam. Lo ngại việc Dương xuất cảnh trái phép ảnh hưởng đến đơn vị nên ông Kiểm đã chuyển tiền cho Dương. Nhận được tiền, Dương lại tiếp tục dùng số tiền trên đánh bạc và thua hết tiền.
Từ ngày 25-27/9/2016, Dương chụp hình đĩa CD đã mang theo rồi gửi cho đồng nghiệp, đe dọa họ phải chuyển tiền cho anh ta, nếu không sẽ bán cho đại sứ quán nước ngoài tại Campuchia và các tổ chức, cá nhân nước ngoài. Đồng thời, Dương nhắn tin cho ông Kiểm đòi 5 triệu đồng thì bị ông này báo cáo lãnh đạo đơn vị. Đến ngày 27/9/2016, Công an Campuchia đã tiến hành bắt giữ Dương và chuyển giao cho Cục A70 - Bộ Công an. Sau đó, Dương được cơ quan cho về nhà làm kiểm điểm.
Hai hôm sau, anh ta đến tiệm cầm đồ bán xe máy lấy 3,5 triệu đồng rồi tiếp tục sang Campuchia đánh bạc. Thua hết tiền, Dương lấy chiếc đĩa CD và đón xe đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia. Khoảng 8h30 phút ngày 30/9/2016, Dương gọi đến phòng chính trị của đại sứ quán lần trước nhưng không thấy trả lời.
Sau đó, anh ta tìm địa chỉ hai phóng viên của đài nước ngoài rồi nhắn tin cho họ với nội dung "có tài liệu mật cần trao đổi". Ngày 2/10/2016, Dương đến sòng bài Le Macau thì bị cảnh sát Campuchia bắt giữ, bàn giao lại cho công an Việt Nam.
Chỉ vì thất tình?
Đến dự phiên xử, ngoài người thân của Dương còn có một số cán bộ công an. Họ nhắm chặt mắt rồi khẽ lắc đầu khi nghe vị công tố viên công bố bản cáo trạng. Đó có lẽ là những cái lắc đầu tiếc nuối cho người đồng nghiệp đã đánh mất mình. Tham gia thẩm vấn, đại diện Viện KSND nghiêm giọng hỏi: “Vốn là một cán bộ công an, vì sao bị cáo lại đánh cắp tài liệu mật của cơ quan để uy hiếp đồng nghiệp và muốn bán ra nước ngoài, bị cáo có biết việc làm của mình là sai trái không?”.
Hướng mắt về HĐXX, Dương thành khẩn: "Thời gian ở trong trại giam, bị cáo đã suy nghĩ rất nhiều về những việc mình đã làm, bị cáo vô cùng hối hận. Tuy nhiên, thật sự bị cáo không muốn gây hại cho quốc gia mà chỉ vì muốn có tiền để đánh bạc. Bị cáo quá túng quẫn nên hành động thiếu suy nghĩ”.
Ngồi ở hàng dự khán, em gái bị cáo luôn dõi theo anh bằng đôi mắt buồn rười rượi. Cô cho biết trước đây Dương là một người rất chuẩn mực. Cô khẳng định rằng vì anh trai mình phải chịu cú sốc tình cảm quá lớn nên thất tình rồi thay đổi tính nết, trượt dài trong cờ bạc.
Đại diện Viện KSND nhận định hành vi của Dương là đặc biệt nghiêm trọng nên đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo mức án 12-13 năm tù về tội “Gián điệp” và 1-2 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Không đồng tình với mức án mà vị công tố viên đề nghị, luật sư bào chữa cho Dương cho rằng bị cáo chưa cung cấp được tài liệu cho phía nước ngoài, vì vậy tính nguy hiểm thực sự của hành vi đã bị loại trừ. Từ đó có thể thấy, bị cáo Dương chưa gây ra hậu quả gì.
“Mục đích của việc thu thập tài liệu này đem bán cho nước ngoài cũng chỉ là nhằm lấy tiền đánh bạc. Tất nhiên khác hẳn với mục đích nhằm chống đất nước mà đem chuyển giao tài liệu mật cho nước ngoài”, vị luật sư nhấn mạnh. Mặt khác, luật sư cho rằng gia đình bị cáo đã có nhiều cống hiến cho cách mạng, Dương từng là cán bộ hoạt động trong ngành bảo vệ pháp luật nhiều năm. Từ đó, luật sư xin HĐXX cho bị cáo được hưởng mức án khoan hồng để anh ta có cơ hội làm lại cuộc đời cũng như là niềm an ủi cho những người thân của cựu cán bộ công an lầm đường.
“Với những gì đã gây ra, bị cáo chỉ mong HĐXX xem xét giảm nhẹ cho bị cáo, bị cáo đã phải trả giá quá giá đắt cho hành vi thiếu suy nghĩ, thiếu chín chắn của mình. Bị cáo sẽ cố gắng cải tạo tốt để sớm có ngày hoàn lương, trở thành một công dân tốt”, Dương nói lời sau cùng trước khi HĐXX vào nghị án.
Đánh giá hành vi của Dương là rất nguy hiểm, cần xử lý nghiêm, song HĐXX cho rằng bị cáo phạm tội lần đầu, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, hậu quả vụ án chưa xảy ra nên xem xét giảm một phần trách nhiệm hình sự. Từ đó, tòa tuyên phạt anh ta 8 năm tù về hai tội danh trên.
Vốn là một thanh niên mang nhiều triển vọng, Dương là niềm hy vọng của gia đình. Nhưng thật đáng tiếc, trong phút chốc thiếu suy nghĩ, anh ta đã tự đẩy cuộc đời mình vào ngõ cụt với bao sự tiếc nuối của người thân và đồng đội.
Tội gián điệp:
1. Người nào có một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
b) Gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài; hoạt động thám báo, chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại.
c) Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù 5-15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù 1-5 năm.
4. Người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì được miễn trách nhiệm hình sự về tội này
|
Thiên Phú