Vết thương trong lòng nước Mỹ

22/08/2014 - 19:20

PNO - PN - Để vãn hồi trật tự tại thành phố Ferguson, Tổng thống Barack Obama đã cử ông Eric Holder đến thị trấn đang rơi vào hỗn loạn này. Là người da màu đầu tiên được cử làm Bộ trưởng Tư pháp của Mỹ, cũng từng bị kỳ thị...

edf40wrjww2tblPage:Content

Vet thuong trong long nuoc My

Tổng thống Brack Obama (phải) hy vọng Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder sẽ xử lý tốt cuộc khủng hoảng ở Ferguson

Ông Holder đến Ferguson chỉ ít lâu sau cái chết thứ hai, cũng của một người da đen, diễn ra ở đây, dĩ nhiên nguyên nhân có liên quan đến Michael Brown - chàng trai 18 tuổi bị một cảnh sát da trắng bắn chết vào ngày 9/8. Lần này thì cảnh sát đã tìm được lý do khiến họ bắn chết người đàn ông - chưa rõ danh tính này: “Anh ta vung dao lên với dáng vẻ đầy đe dọa và tiến tới phía cảnh sát. Hai cảnh sát đã bắn nhiều phát đạn và anh ta chết ngay tại chỗ”, cảnh sát trưởng Sam Dotson cho biết.

Bất kể lời tường thuật của ông Dotson có đúng sự thật hay không, cái chết thứ hai tại Ferguson vì bị cảnh sát bắn chỉ làm người dân thành phố này thêm phẫn nộ, khiến cuộc khủng hoảng tại Ferguson trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy, nước Mỹ hy vọng ông Holder sớm “giảm nhiệt” cho dấu hiệu xung đột sắc tộc mà không ai muốn khoét sâu hơn nữa.

Ngay khi đến Ferguson, ông Holder đã tiếp xúc với người dân, trong đó có nhiều người tham gia biểu tình. Ông nhận ra ngay cốt lõi của vấn đề. “Người dân không còn tin vào cảnh sát. Tôi cảm nhận được điều đó trên cương vị Bộ trưởng Tư pháp nhưng cũng trên cương vị của một người da màu”, ông Holder nói.

Vet thuong trong long nuoc My

Người dân Ferguson biểu tình, đòi công lý cho Michael Brown

Tại Ferguson, nơi người dân cho rằng “dân số thuộc về người da màu còn quyền lực thuộc về người da trắng” thì sự va chạm giữa những người khác màu da càng dễ có khả năng bùng nổ hơn. Đáng chú ý, ngày càng có nhiều người da màu cư ngụ ở Ferguson. Năm 1990, 74% người da trắng và 25% người da màu sinh sống tại đây. Đến năm 2000, tỷ lệ này là 45 - 52%; mười năm sau (2010), người da màu chiếm 67% và chỉ 29% là người da trắng ở thị trấn khoảng 23.000 dân này.

Số dân da màu vượt trội như vậy nhưng hầu hết vị trí quan trọng của thành phố (thị trưởng, cảnh sát trưởng, hiệu trưởng trường đại học cộng đồng…) đều thuộc về người da trắng. Điều này càng khiến người da màu ở Ferguson nặng nề tâm lý “công dân loại hai” và chỉ cần một mồi lửa là họ sẵn sàng thể hiện sự phẫn nộ của mình. Cái chết của Michael Brown chính là mồi lửa đó.

Là tổng thống người da màu đầu tiên của Mỹ, ông Obama từ đầu nhiệm kỳ của mình đã nói và làm nhiều điều để san lấp hố sâu “phân biệt chủng tộc”. Việc ông chọn Eric Holder làm Bộ trưởng Tư pháp cũng nhằm cải thiện hệ thống luật pháp của Mỹ sao cho không “mang tiếng” thiên vị người da trắng.

Tuy nhiên, có vẻ như mọi thứ vẫn không thay đổi trong những năm qua. Theo thống kê cảnh sát Los Angeles mới công bố, đa số tội phạm vẫn là người da đen. Năm 2013, trong số 222 người bị cảnh sát bắt giam vì tội bắn người khác có đến hơn 70% là người da màu. Một con số khác khiến người ta phải suy nghĩ thêm: nếu anh là một người da màu, khả năng anh bị cảnh sát bắn vì nghi ngờ phạm tội cao gấp 25 lần so với việc anh là người da trắng. Điều đó có nghĩa, người da màu thường bị mặc định là “kẻ xấu” trong mắt cảnh sát.

Nhiều thành phố ở Mỹ cũng từng rơi vào cảnh bạo động sau khi một thanh niên da màu bị cảnh sát bắn chết. Đó là các trường hợp Fred Hampton năm 1969, Rodney King năm 1991 và gần đây nhất là Amadou Diallo, Ousmane Zongo, Timothy Stansbury và Sean Bell. Các cuộc khủng hoảng rồi cũng trôi qua, và chắc chắn cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ thứ nhì của mình, Tổng thống Obama vẫn không thể giải quyết tận gốc rễ của vấn đề phân biệt chủng tộc.

THIỆN NGA (Theo Washington Post, LA Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI