Vết thương gây ra ở khoảng cách gần

29/04/2020 - 16:53

PNO - Người thân nhất có thể cũng là người làm ta tổn thương sâu nhất. Bao nhiêu chuyện đau lòng đã xảy ra khi bỏ qua những mâu thuẫn, coi thường những nguy cơ tồn tại ngay trong những người gần gũi thân cận.

Tôi ngỡ ngàng khi nghe tin chị bán nhà, rời khỏi khu chung cư đã sống mười mấy năm nay. Chị là bạn thân, nên tôi chắc chắn chị bán nhà không phải vì nợ nần hay vì làm ăn bị người ta lừa gạt. Nhưng hỏi lý do bán nhà, chị ngại ngần không nói.

Mãi đến hơn tháng sau, chị chuyển về căn hộ mới yên ổn rồi, hai chị em mới cà phê với nhau để tâm sự. 

Khu chung cư đó vốn là nơi gia đình chị đoàn tụ: ba má ở tầng bốn, vợ chồng chị Hai cùng gia đình chị ở tầng sáu. Lúc gia đình chị mới về chung cư, thấy phòng ốc, giá cả quá tốt, các thành viên khác trong nhà chị cũng lần lượt kéo về.

Ở gần nhau nhưng không chung nhà, ai cũng nói tiện mọi bề. Chỉ có chị biết cái khổ: chị Hai có tật mượn tiền. Tiền học của con, tiền mua thuốc chữa bệnh, tiền sửa mấy chỗ bị hư trong nhà, thậm chí đến tiền góp hụi chưa kịp xoay ra, chị cũng mượn.

Mượn mười lần thì trả được ba lần, mấy lần còn lại có hỏi chị Hai cũng ừ à lần lữa. Món trước chưa xong đã mượn tiếp món sau. Món nào cũng ngặt, chị không đưa không được.

Dạo gần đây chị than kẹt tiền, chị Hai hỏi qua em trai, tức chồng chị. Lòng vòng thì cũng về tới cái bóp của chị thôi. Nói với má chồng, nói với chồng đều không ăn thua, vì ai cũng bị chị Hai mượn. Cái nghiệp buôn bán tưởng đã dứt từ hồi chị Hai sang lại sạp bán vải ngoài chợ, nhưng không, chị Hai quay sang chơi hụi, hết dây này tới dây khác.

Chị Hai tính toán nghe ngon lành lắm, nhưng chả hiểu sao đứt dây bể hụi thường xuyên. Không tuần nào không bị mượn tiền, chị tính đến chuyện bán nhà đi chỗ khác, may ra né được chị Hai. Chị nói chỉ còn cách ấy, không còn cách nào khác. Chị đã chịu đựng nhiều lần, nhưng chắc chắn không thể chịu đựng cả đời. 

Nỗi khổ vì những người thân trong gia đình thật khó nói. Nói ra thì không ai muốn, mang tiếng vạch áo cho người xem lưng, nên hầu như ai cũng âm thầm chịu đựng, đến lúc chịu hết nổi mới phải bộc phát, mà cũng chỉ với đôi ba người thân cận. Rủi ro tới tai nhân vật chính thì không thể lường được hậu quả.

Trong cõi riêng của những mối quan hệ thân thuộc, vô vàn chuyện khó nói ra, mà có nói cũng khó thể tin được. Chuyện mượn tiền chỉ là một trong số đó. Phổ biến hơn còn là chuyện bắt bẻ lỗi phải, trách móc chê bai lẫn nhau.

Cũng vì những trách móc này mà bà T., một bà cụ có ba con gái một con trai, đã phải sống một mình. Cậu con trai định cư ở nước ngoài vẫn nhớ trách nhiệm anh cả chị đầu, hằng tháng gửi tiền về phụng dưỡng mẹ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khoản tiền gửi về cho cô chị kế tiếp, chị phân bổ các khoản: tiền đi chợ thì đưa cho cô kế út hiện đang ở chung với mẹ, tiền giỗ chạp cúng kiếng thì đưa cho cô út, tiền cho đau ốm thuốc men thì chị giữ, phòng khi bất trắc. Các cô đều là giáo viên, nhìn vào thấy cách quản lý chi tiêu rất hợp lý, nhưng ai ở trong nhà mới biết, chẳng ai bằng lòng với khoản tiền mình nhận và khoản tiền phải bỏ ra lo cho bà cụ. 

Thêm vào đó, chị dâu Việt kiều một lần về Việt Nam nhìn căn nhà, đã buông một câu: bao nhiêu tiền anh B. gửi về cho ba mẹ, chị tưởng tiền đó xây được cả biệt thự rồi chứ đâu ngờ giờ nhà ba mẹ nhìn còn xập xệ hơn hồi xưa. Chiến tranh nổ ra ngay lập tức và kéo dài dai dẳng, theo kiểu: tưởng chừng đó tiền là to lắm hả? Vợ chồng Việt kiều quyết định tìm một nhà dưỡng lão tốt đưa mẹ vào, hằng tháng gửi toàn bộ số tiền chăm mẹ cho nhà dưỡng lão, khỏi mất công ai. Các chị em đã lập gia đình cứ tập trung lo gia đình của mình. Chỉ tội bà cụ T., mỗi lần các con đến thăm lại mếu máo: cho mẹ về nhà…

Trong đời, ai cũng có những mối quan hệ thân tình không thể cắt đứt. Những mâu thuẫn với người thân không gay gắt đến mức phải từ mặt nhau, nhưng nó khó chịu, châm chích hằng ngày, vì chính cái sự gần gũi. Chuyện từ hồi năm nảo năm nào, tới giờ vẫn nhớ, vẫn nhắc, vẫn kể y như mới vừa xảy ra. Ngay cả chuyện trách móc lẫn nhau, hay đơm đặt thêu dệt, người trong cuộc vẫn phải âm thầm chịu đựng. Phản ứng lại thì vướng vào thứ bậc, vướng vào quan hệ, vướng vào tôn ti trật tự, và quan trọng nhất là vướng vào cái vỏ “tốt khoe xấu che” mà các đại gia đình đều gìn giữ như một bản năng. 

Phụ nữ thường vẫn là người phải chịu đựng, bởi cánh đàn ông không mấy tỉ mỉ, chi tiết trong chuyện nhà. Họ phải quán xuyến mọi việc, nên dễ đụng chạm hơn. “Nhập gia tùy tục” là lời khuyên phổ biến, nhưng càng ngày, các cô dâu trẻ càng thấy khó mà “tùy tục” khi họ có quá ít thời gian, lại không sẵn sàng tâm thế để tìm hiểu những tập quán của gia đình mới; trong khi thói quen bày tỏ cảm xúc, chia sẻ chuyện gia đình dễ khiến họ tung hê tất cả lên mạng xã hội. 

Vết thương gây ra ở khoảng cách gần thường sâu và nguy hiểm, bao nhiêu chuyện đau lòng đã xảy ra khi bỏ qua những mâu thuẫn, coi thường những nguy cơ tồn tại ngay trong những người gần gũi thân cận. Thậm chí, người thân nhất có thể cũng là người làm ta tổn thương sâu nhất. Sống chung với những mâu thuẫn ấy cũng như sống trong căn nhà trên bờ sông lở, những gì tốt đẹp chỉ bị xói mòn thêm mỗi ngày, bởi những mâu thuẫn không thể chấm dứt. Dù không dễ giải quyết, nhưng một khi nhận ra nó, việc sống xa nhau có thể là chọn lựa đầu tiên phải tính đến… 

Hoàng Mai

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI