Vết sẹo thơ

22/10/2015 - 07:11

PNO - Chiều ngày 20/10, Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội đã họp khẩn, quyết định thu hồi giải thưởng thơ đối với tập thơ Sẹo độc lập.

Sáng cùng ngày, Phan Huyền Thư đã gửi đơn xin trả lại giải thưởng, xin lỗi nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan. Làng thơ bấy lâu trầm lặng nhưng lúc “nổi đình nổi đám” lại là những vụ việc bẽ bàng như thế này.

Trong vòng chưa đầy một tuần, nhà thơ Phan Huyền Thư bị dính hai cáo buộc “đạo thơ”: một là tác phẩm của nhà thơ hải ngoại Du Tử Lê Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển (Du Tử Lê viết khoảng năm 1977-1978) trong bài Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn; hai là “luộc thơ như khuôn mẫu” bài Buổi sáng (thơ Phan Ngọc Thường Đoan, in trong tập thơ Đếm Cát, NXB Văn học 2003).

Trong sáng tạo, việc “ý tưởng lớn gặp nhau” vẫn có thể hy hữu xảy ra, nhưng giống nhau từng câu, từng chữ như Bạch lộ và Buổi sáng thì xem ra khó có biện bạch nào khác hơn là một trong hai người, có một người “lấy cắp sáng tạo”.

Ai đạo thơ ai? Người trong cuộc là rõ nhất. Thực tế, người trong giới lẫn công chúng đều có thể nhìn thấy rất rõ bất lợi nghiêng về phía nhà thơ Phan Huyền Thư. Không chỉ đồng nghiệp, bạn bè mà công chúng cũng đã thấy sự cố gắng chống chế đến cùng của tác giả tập thơ Sẹo độc lập.

Rất nhiều bạn thơ đã viết trên trang cá nhân, một cách khiêm cung vừa bày tỏ sự ngưỡng mộ, nể phục (đã từng) dành cho Phan Huyền Thư vừa kêu gọi nhà thơ hãy thừa nhận những gì đã sai, chấp nhận cả việc “cầm nhầm ý thơ” biết đâu có thể là do vô tình.

Đó là sự kêu gọi tha thiết và trân trọng, bởi nếu bỏ qua scandal này, những gì Phan Huyền Thư đã làm trong nhiều năm qua vẫn chứng tỏ cô là một nhà thơ, đạo diễn có tài, có tâm huyết trong nhiều dự án nghệ thuật.

Vet seo tho
Ảnh: Internet

Nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan vẫn giữ đoạn ghi âm cuộc gọi của nhà thơ Phan Huyền Thư vào đêm trước ngày mọi việc ầm ĩ trên báo chí. Tác giả Sẹo độc lập đã khóc, năn nỉ nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan giữ im lặng giùm vì còn đang đối diện với cáo buộc đạo thơ Du Tử Lê.

Nhưng ngay sau đó, Phan Huyền Thư lại lên mạng giãi bày rằng bài Bạch lộ, chị “viết trước, chỉ in sau”. Chính điều này mới là giọt nước tràn ly khiến mọi việc bị xới tung lên. Không dừng lại, chị tiếp tục phát biểu chính thức trên báo khẳng định bài thơ ấy chị viết vào năm 1996, từng in trên một số tờ báo hải ngoại.

Xét về lý, về tình, ứng xử này đều khiến những ai quen hoặc biết Phan Huyền Thư qua tác phẩm đều cảm thấy thất vọng. Các nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Danh Lam, nhạc sĩ Phú Quang, nhà báo Hà Quang Minh… cùng nhiều văn nghệ sĩ đều phải lên tiếng vì sự thật rành rành mà chỉ mỗi Phan Huyền Thư là đang cố tìm cách chống chế.

Trong chuyện này, sự thực vốn dĩ đã tồn tại rất rõ ràng và chính người trong cuộc hiểu rõ hơn ai hết. Vì sao phải cố gắng đi tìm lý do để bảo vệ cho cái phi-sự-thật? Trên cả đỉnh cao dối lừa, sự thật vẫn là sự thật.

Hàng thập kỷ qua, bài thơ Hai sắc hoa Ti gôn tồn tại chỉ với cái tên viết tắt T.T.K.H. mà không ai dám mạo danh “nhận đại” đó là tác phẩm của mình. Bài thơ của nỗi lòng được viết ra chỉ để lại cho đời, tác giả không cần tụng xưng, giải thưởng hay danh hiệu. Tác phẩm có giá trị thật sự tồn tại mãi với thời gian và nhận được sự tôn vinh của độc giả nhiều thế hệ.

 Giá trị và sự thật mãi luôn tồn tại như một chân lý. “Nếu Phan Huyền Thư xin lỗi, tôi vì tình sẽ bỏ qua. Nếu không tôi sẽ kiện ra tòa!” - nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan nói.

Trên phương diện tình cảm, mọi thứ đều có thể du di nhưng trên phương diện luật pháp, phải bằng chứng cứ rõ ràng, minh bạch. Ở khía cạnh này, có thể thấy nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan đang giữ trong tay những bằng chứng pháp lý đủ độ tin cậy, chứng minh bản quyền tác phẩm của mình.

Đây thực sự là một vết sẹo cho làng thơ, mà khi sự thật cuối cùng được phơi bày thì chịu đựng tổn thương nhiều nhất không ai khác hơn chính là người trong cuộc, nhất là người biết rõ nhất mình cầm nhầm thơ người khác, ăn cắp trên sáng tạo cá nhân mà vẫn cứ khăng khăng khẳng định mình chính là tác giả.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI