Vệt chai trên tay

22/03/2015 - 08:10

PNO - PN - Hai bàn tay tôi có tất cả mười sáu vết chai, tám vết chai ở lòng bàn tay, chỗ tiếp giáp ngón tay, tám vết chai ở phần giữa các đốt ngón tay. Đặc biệt có một vệt chai chạy từ lòng bàn tay trái kéo dài hết ngón áp út. Những...

edf40wrjww2tblPage:Content

Bước vào năm học lớp 4, tôi bắt đầu hành trình kiếm củi quét lá về đun. Đây là công việc bình thường của lũ trẻ trong xóm, bởi bố mẹ chúng tôi đều là giáo viên, nhà không có ruộng có vườn, củi không rơm không, lại giữa thời bao cấp khó khăn, nên ngoài giờ học, đứa nào cũng tự giác đỡ đần cha mẹ.

“Hành trang” vào nghề quét lá thật đơn giản: một cái chổi tre đã mòn, một bao tải dứa cũ kĩ. Thế là xong. “Địa bàn hoạt động” chủ yếu là sân trường cấp III và Ủy ban nhân dân huyện. Sân trường cấp III có cây si thật to, rễ thật dài, lá rụng quanh năm. Ủy ban nhân dân huyện thời đó rất rộng, vừa là nơi làm việc, vừa là nhà công vụ của cán bộ, nhân viên, lãnh đạo với rất nhiều cây xanh, đặc biệt là nhãn.

Trong suốt năm năm trời, tôi cần cù quét lá, nhặt cỏ, kiếm củi, đủ nguồn chất đốt để nấu cơm đun nước, thêm cả nồi cám cho hai con lợn háu ăn. Bàn chân tôi lê la bất cứ chỗ nào có cây to, lá rụng. Bàn tay tôi miệt mài gom từng nắm lá khô, lá mục, không hề nghĩ trong đống lá lẫn đá sỏi và bụi kia là gai, là mảnh sành, là rắn rết. Mọi việc cứ bình thường như vốn dĩ cuộc sống phải thế. Phần da tay cọ xát với cán chổi tre đau rát, phồng rộp lên, mọng nước. Những nốt phồng vỡ ra, bợt bạt lớp da non còn run rẩy. Sau rồi chúng cũng lành lại, hình thành vết chai cứng, mỗi ngày một dày thêm.

***

Hết năm lớp 8, tôi nhất quyết không đi quét lá nữa, bất kể mẹ tôi nằn nì, thuyết phục, phần nào bắt ép. Tôi thôi không một chút tiếc nuối. Không phải tôi sợ mấy bác bảo vệ nóng tính, hơi một tí là xua đuổi lũ trẻ nghèo không cho quét lá kiếm củi nơi cơ quan, trường học. Tôi cũng đã quen với cảm giác cô đơn một mình giữa buổi trưa đầy nắng, lội chân trần dưới lòng sông lổn nhổn sỏi cát để rút ngắn con đường về nhà.

Tôi cũng không sợ bức tường của Ủy ban nhân dân huyện mà mỗi lần ôm bao lá kềnh càng trèo qua, tôi run cầm cập, chân tay lóng ngóng, vụng về. Bức tường đó, nhiều năm rồi tôi vẫn nhớ, nhớ những mảnh sành mảnh chai cắm phía trên, nhớ từng vết lồi lõm sứt sẹo mà nhờ đó tôi mới có chỗ bấu víu để trèo, nhớ cả những bụi cây dại mọc um tùm với rất nhiều gai nhọn.

Tất cả trở thành kỷ niệm thân thương, là thử thách nho nhỏ trong hành trình tuổi thơ mà tôi đã vượt qua. Tôi quyết không đi quét lá kiếm củi, đơn giản vì tôi đã lớn, đã phổng phao, đã đỏ mặt trước một ánh nhìn lạ lẫm. Tôi xấu hổ với bộ dạng lôi thôi của chính mình.

Vet chai tren tay

Trên chặng đường lớn lên, cũng vài lần tôi gặp những người quét lá, nhưng hình ảnh ấy cứ thưa dần. Cả thế giới hiện nay đang khan hiếm nguyên liệu, cả thế giới hiện nay đang ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên thứ dùng để đun nấu vẫn ê hề. Rơm rạ ngoài đồng còn đem đốt bớt. Lá vàng, củi mục chỉ để cho lên xe rác mà thôi. Nhiều năm nay, mẹ cũng chuyển sang đun bếp gas, bếp điện, không còn khổ sở vì thiếu vài nắm lá cho nồi cơm chín.

Vậy nhưng, cứ mỗi lần gặp những đám lá vàng bay rải rác, những cành cây khô vương vãi ngoài đường, tôi lại thấy lòng dâng lên cảm giác thèm muốn. Thèm được quơ chúng về chất đầy gian bếp nhỏ. Thèm mùi lá khô củi khô. Thèm mùi lửa ấm thơm tho. Thèm những sợi khói mỏng manh bay là là trên chái bếp.

Khi tôi trong nỗi tủi thân dâng đầy mi mắt mếu máo rằng từ nay sẽ không bao giờ đi quét lá, nét mặt mẹ như vỡ ra, ngỡ ngàng, cay đắng. Tôi đã bước qua tàn nhẫn, để mặc mẹ lui cui nhặt nhạnh từng chiếc lá rụng dưới lùm cây giữa chiều nao xa lắc.

Bao năm nay tôi không hề động đến chiếc chổi tre. Những vết chai nơi lòng bàn tay chỉ mờ đi chứ không hề mất. Vệt chai ấy nhắc nhớ tôi những tháng ngày xưa cũ, nhắc nhớ một tuổi thơ nghèo nàn, thanh thản. Soi vào vệt chai ấy lại xót lòng vì nét buồn thẳm sâu trong mắt mẹ.

Có một giọt nước rơi xuống, vỡ ra, thấm vào vệt chai ấy.

ANH THƯ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI