Venezuela: Người già trở thành gánh nặng giữa nền kinh tế suy thoái

07/05/2019 - 12:00

PNO - Khi nền kinh tế suy thoái, giá cả sinh hoạt trở nên đắt đỏ, những người già trở thành gánh nặng cho các gia đình. Họ bị bỏ rơi, lạc lõng trong cuộc sống, chờ được cứu trợ hoặc đưa vào trung tâm dưỡng lão.

Tiếng những quân cờ domino trên chiếc bàn gỗ làm sống động khoảng sân tại Nhà dưỡng lão Mẹ Teresa. Những cư dân lớn tuổi đang đón ánh mặt trời, hầu hết là một mình và trong im lặng; tất cả đều biết rằng quỹ hưu trí không thể giúp ích gì trong hoàn cảnh hiện tại.

Venezuela: Nguoi gia tro thanh ganh nang giua nen kinh te suy thoai
Những người già ngồi đánh cờ hoặc lẵng lẽ tắm nắng vào buổi sáng.

Venezuela không phải là nơi lý tưởng cho tuổi già

Thảm họa kinh tế khiến cuộc sống trở nên khó khăn đối với tất cả người dân Venezuela. Lạm phát hơn một triệu phần trăm, thực phẩm thiếu hụt và giá thì “trên trời”. Theo Liên đoàn Dược phẩm Venezuela, ít nhất 85% thuốc men cũng đang trong tình trạng khan hiếm.

Và khi nền kinh tế rơi tự do, người già cũng như cánh diều đứt dây giữa giông bão.

Baudilio Vega và các nhân viên tình nguyện của ông cố gắng làm hết sức mình để nuôi sống gần 80 người ở Nhà dưỡng lão Mẹ Teresa, trong đó già nhất là cụ bà Carmen Cecelia, 84 tuổi.

Cơ sở cung cấp một chiếc giường tầng và một tủ khóa nhỏ cho mỗi cư dân bởi xét cho cùng, họ cũng chẳng có nhiều tài sản để cất trữ.

Baudilio Vega nói: "Nếu chúng ta không có cơ sở này thì biết bao nhiêu người trong số họ sẽ lang thang trên đường hoặc chết? Tạ ơn Trời, họ vẫn còn sống. Dù không phải là dịch vụ năm sao nhưng ít nhất họ vẫn sống sót".

Venezuela: Nguoi gia tro thanh ganh nang giua nen kinh te suy thoai
Anh Baudilio Vega cùng các tình nguyện viên cố gắng hết sức để duy trì cơ sở dưỡng lão.

Người già là gánh nặng

Thật sự đau lòng khi nhiều người già ở Venezuela bị chính gia đình của họ từ bỏ. Chẳng ai mong muốn điều đó, nhưng tất cả là nạn nhân của một lựa chọn tàn bạo: cho bọn trẻ ăn, hoặc cho ông bà ăn.

Bà Victoria Madriz, 74 tuổi, sống ở nhà dưỡng lão hơn một thập kỷ. Sau khi chồng bà qua đời, cô con gái cũng rời khỏi đất nước để có cơ hội tốt hơn, và bà phải chuyển đến nhà của em trai mình. Nhưng ở đây, mọi người sớm nhận ra rằng họ không có phòng hay tài chính để hỗ trợ thêm một miệng ăn.

Hầu hết những cư dân của nhà dưỡng lão đều kể một câu chuyện quen thuộc: gia đình không thể chu cấp, hoặc đơn giản là người thân đã rời khỏi đất nước. Theo Liên Hiệp Quốc, ước tính 3,6 triệu người rời khỏi Venezuela trong những năm gần đây, nhiều trường hợp bỏ lại cha mẹ hoặc ông bà mà họ không đủ khả năng hỗ trợ.

Venezuela: Nguoi gia tro thanh ganh nang giua nen kinh te suy thoai
Bà Victoria Madriz đã ở đây hơn một thập kỷ, kể từ khi gia đình em trai không thể tiếp tục cưu mang.

Cư dân tại Nhà dưỡng lão trải dài từ 60 đến 84 tuổi. Họ có một nơi để ngủ và vài bữa ăn đủ sống nhờ sự ủng hộ từ mạnh thường quân. Trong nhà bếp và phòng đựng thức ăn là vài chục quả trứng, 6 túi gạo và ít thứ khác trên kệ.

Lương hưu, nếu có, hoàn toàn vô giá trị trong nền kinh tế đang sụp đổ này. Mặt khác, không có cơ sở hưu trí nào cho người dân ở Venezuela.

Venezuela: Nguoi gia tro thanh ganh nang giua nen kinh te suy thoai
Ông Omar Ochoa trên chiếc xe lăn. Con cái của ông đều đã rời bỏ đất nước từ nhiều năm trước, và quỹ lương hưu chẳng là gì trong tình cảnh giá cả đắt đỏ.

Omar Ochoa, cư dân 74 tuổi, nói: "Tôi từng rất kỳ vọng về một quỹ hưu trí tốt, vì tôi có một công việc và thu nhập tốt". Ông Omar làm việc trong ngành da và không bao giờ nghĩ rằng những năm cuối đời của mình sẽ trở thành thế này.

Ông ngồi trên xe lăn, cả hai chân bị cắt cụt vì những biến chứng do bệnh tiểu đường không được điều trị. Những người con của ông Omar rời khỏi đất nước từ nhiều năm trước và họ hàng không thể cưu mang ông..

Ở giữa một căn phòng nhỏ ở rìa cơ sở là nơi đặt một cỗ quan tài. Khi một cư dân qua đời, họ sẽ được tổ chức tang lễ trong phòng. Nhưng giống như mọi thứ khác, quan tài là một hàng hóa quý giá. Vì thế sau tang lễ, thi thể của người quá cố được đưa đi hỏa táng và quan tài vẫn nằm đấy chờ đợi lượt sử dụng tiếp theo.

Thuốc men khan hiếm

Baudilio nuôi những người "khách" của mình bằng thức ăn thừa được tặng bởi các nhà hàng và mọi vật phẩm khác từ người dân địa phương. Nhưng các khoản đóng góp đang thu hẹp dần cùng theo đà suy thoái kinh tế. Thực phẩm, tất nhiên, là quan trọng nhất, nhưng thiếu hụt trầm trọng vẫn là thuốc.

Một số cư dân mắc bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson, tiểu đường, ung thư hoặc chứng mất trí, những căn bệnh phổ biến của người già, nhưng họ không có thuốc để điều trị những tình trạng này.

Venezuela: Nguoi gia tro thanh ganh nang giua nen kinh te suy thoai
Thuốc men khan hiếm khiến các cư dân phải chịu đựng những căn bệnh của tuổi già ngày qua ngày.

Baudilio cho biết: "Bản thân tôi bị tiểu đường, nhưng đã không dùng insulin trong hai năm. Nếu có một ít, tôi sẽ đưa nó cho những vị khách mắc bệnh tiểu đường. Nhưng chúng tôi hoản toàn không có".

Bauldilio nói rằng anh sẽ không từ bỏ những cư dân tại nhà dưỡng lão, ngay cả khi chính phủ dường như đã bỏ rơi họ. Điều anh muốn là sự thay đổi: "Tôi chỉ muốn chính phủ Venezuela tiếp nhận viện trợ nhân đạo. Chúng tôi cần thực phẩm, thuốc men. Thay vì mua vũ khí, người dân cần thuốc và thực phẩm."

Cư dân Brigida Zulay, 68 tuổi, thổ lộ: "Tất cả chúng tôi đều hy vọng . Đối với hầu hết người dân ở đây, đó là tất cả những chúng tôi có”.

Linh La (Theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI