|
Đại tá Dương Niết lần dở những bức ảnh lịch sử quý báu khi ông và đồng đội nhận nhiệm vụ trở về tiếp quản Thủ đô |
“Về Thủ đô, có tiếng hát canh quân thù”
Đại tá Dương Niết, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca, Tổ trưởng tổ tiếp quản Sở Cảnh sát Bắc Việt, nguyên Hiệu phó Trường Trung cao Không quân (nay là Học viện Phòng không - Không quân) là một trong những người tham gia tiếp quản Thủ đô 70 năm trước.
Trong 214 người về tiếp quản Thủ đô của chiến sĩ Bình Ca năm nào nay chỉ còn mình ông còn sống.
Hồi tưởng lại ký ức một thời oanh liệt, Đại tá Dương Niết bồi hồi xen lẫn xúc động. Ông tình nguyện tham gia cách mạng khi mới 16 tuổi, cả cuộc đời binh nghiệp của Đại tá Dương Niết trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, sau này ông còn tham gia chiến dịch Tây Nam năm 1979. Với Đại tá Dương Niết, năm tháng tuổi trẻ đẹp nhất của ông càng thêm ý nghĩa khi được cùng đồng đội ở Tiểu đoàn Bình Ca trở về làm nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô năm 1954.
“Theo thoả thuận của hai bên, 35 tổ của Tiểu đoàn Bình Ca được phân công vào trước vài ngày, phụ trách 35 điểm mà Pháp đang chiếm giữ. Khi ấy, dù rất vui sướng vì Hà Nội được giải phóng, nhưng vì quân Pháp vẫn chưa rút hết, lại nhận nhiệm vụ ngay “sát sườn” địch, nên anh em chiến sĩ vẫn dặn nhau nêu cao tinh thần cảnh giác, nhất định phải bảo vệ Nhân dân và tài sản của dân, không cho địch phá hoại, cũng như không để chúng cưỡng bức dân di cư”, Đại tá Dương Niết kể.
Ngày 7/10/1954, Đại tá Dương Niết nằm trong số 214 cán bộ, chiến sĩ được đơn vị lựa chọn vào thành phố đợt đầu. Đêm ấy hành quân về làng Vân, phía Bắc cầu Đuống, các chiến sĩ được bà con đón tiếp rất nồng hậu. Người dân mang gạo, mang rau hồ hởi tới biếu bộ đội, nhưng quy định khi ấy là tuyệt đối không được nhận quà, nên họ đều từ chối.
Đúng 8 giờ sáng 8/10/1954, những chiến sĩ của Tiểu đoàn Bình Ca đã có mặt ở phía Bắc cầu Đuống 9 (theo kết quả đàm phán với ta tại Hội nghị quân sự Trung Giã, Pháp sẽ đón bộ đội Việt Nam tại cầu Đuống). Đứng chờ một lúc lâu, một hạ sĩ quan Pháp ra mời bộ đội Việt Nam vào và tổ chức lễ đón chính thức trên cầu Đuống.
Hôm đó trời lất phất mưa, lấy lý do đó, một viên sĩ quan Pháp yêu cầu các xe phủ kín bạt, mục đích là để dân không nhìn thấy bộ đội trên xe. Nhưng một số anh em ngồi trên đầu xe vén bạt nhô người ra, khi đoàn về đến Gia Lâm, người dân ùa ra đường hoan hô rất đông. Viên sĩ quan Pháp tỏ ra khó chịu, cho rằng gây mất trật tự khu phố và cho xe chạy nhanh hơn.
Ban liên lạc đình chiến của ta đóng ở Nhà thương bến Thuỷ (nay là Bệnh viện Trung ương quân đội 108). Xe vào đến Hà Nội về thẳng trụ sở Ban Liên hiệp đình chiến, đóng ở Nhà thương Bến Thủy. Tại đây, đoàn được chia làm 35 tổ, mỗi tổ từ 3-5 người sẽ di chuyển về 35 vị trí có quân Pháp đóng.
Đây là những vị trí quan trọng do Pháp đã chiếm giữ ngay từ khi chúng đặt chân đến Hà Nội như: Phủ toàn quyền, Tòa thị chính, Tòa án tối cao, Sở Cảnh sát Bắc Việt, nhà máy điện, nhà máy nước, nhà máy đèn Bờ Hồ, ga Hàng Cỏ, nhà tù Hỏa Lò, Bệnh viện Bạch Mai… Riêng nhà máy Điện và nhà máy nước thì quân ta bố trí 10 người vào tiếp quản.
Đại tá Dương Niết lúc đó là Tổ trưởng tổ 5 người. Ông được lệnh vào tiếp quản Sở cảnh sát Bắc Việt (nay là trụ sở Công an thành phố Hà Nội). Nhiệm vụ của đơn vị ông khá nặng nề: hạn chế thấp nhất mưu đồ của Pháp là phá hoại hạ tầng cơ sở của ta ở nội đô; không để chúng cưỡng bức dân di cư; chuẩn bị mọi mặt để đón đại đoàn vào tiếp quản Thủ đô và giữ gìn an ninh trật tự.
Khi về tới Sở Cảnh sát Bắc Việt, thấy khẩu hiệu rất to được treo trên lan can tầng hai với dòng chữ: “Có đi vào Nam hay là ở lại để đi vào trại của Lý Bá Sơ?” (đồng chí Lý Bá Sơ là giám đốc trại giam của ta), hiểu rõ đây là một thủ đoạn của địch hòng lôi kéo nhân dân di cư, tổ của ông Dương Niết đã ngay lập tức yêu cầu địch gỡ xuống.
Ngày mừng chiến thắng dưới bầu trời tự do
|
Ảnh các chiến sĩ bộ đội về tiếp quản Thủ đô - Đại tá Dương Niết cung |
Nhớ về không khí phấn khởi, hào hùng của những ngày tháng 10 lịch sử, Đại tá Dương Niết có chút tiếc nuối: “Đêm 9/10/1954 là một đêm Hà Nội không ngủ. Cờ đỏ sao vàng treo rực rỡ. Cổng chào mọc lên khắp nơi, không chỉ có phố bộ đội đi qua mà cả các phố nhỏ. Ngày 10/10, bộ đội chính quy về tiếp quản Thủ đô, khắp nơi rộn ràng tiếng cười, tiếng nhạc. Hàng trăm “dòng sông đỏ” của cờ, của hoa đổ về Hà Nội. Nhưng chúng tôi vẫn đang làm nhiệm vụ, nên tuyệt đối không được phép rời khỏi vị trí tiếp quản, không được xuống đường, chỉ có thể ngồi trong nhìn ra và vui chung với mọi người mà thôi”.
Đến 5g sáng 10/10/1954, cả Hà Nội tưng bừng nhộn nhịp cờ hoa đón mừng ngày hội lớn. 15 giờ chiều 10/10/1954, sau 9 năm kháng chiến trường kỳ, lá cờ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức tung bay, còi Nhà hát Thành phố nổi lên, hàng chục vạn quân dân Hà Nội đã trang nghiêm dự Lễ chào cờ. Sau nhiều năm xa cách Thủ đô, nay các chiến sĩ của Tiểu đoàn Bình Ca, Đại đoàn 308 lại hòa cùng với nhân dân nô nức đón mừng ngày chiến thắng, dưới bầu trời tự do, rực rỡ cờ hoa.
Nhớ lại những giây phút hào hùng của dân tộc, Đại tá Dương Niết xúc động “Trở về Thủ đô, chúng tôi cảm nhận rất rõ khát khao hòa bình, tự do của người dân được vỡ òa trong niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ bến. Thật đáng tự hào và chẳng còn gì vinh quang, hạnh phúc hơn. Kẻ địch ráo riết thực hiện âm mưu trao trả chúng ta một Hà Nội tan hoang, xơ xác, rỗng tuếch thì việc đầu tiên chúng phá chính là những nơi này. Có thể nói đây là cuộc chiến đấu không có tiếng súng nhưng rất gay go, phức tạp. Kẻ địch muốn phá hoại hoặc lấy đi hết. Ta thì muốn giữ lại tất cả. Phương thức đấu tranh phải tránh nổ súng.
Chúng tôi bước vào cuộc chiến đấu sẽ phải đối phó với nhiều khó khăn, thử thách không lường hết được. Nhưng chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, bảo vệ được dân và giữ lại tài sản, không để địch phá hoặc lấy đi. Sau khi tiếp quản, điện, nước không bị cắt. Mọi sinh hoạt, hoạt động của thành phố vẫn bình thường”, Đại tá Dương Niết tự hào.
|
Hoạt cảnh đoàn quân Giải phóng tiến vào tiếp quản Thủ đô tại Ngày hội Văn hóa vì hòa bình, tổ chức ngày 6/10 tại hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội |
70 năm trôi qua, cứ đến ngày này, nhất là khi được xem những hình ảnh tái hiện chặng đường chiến đấu oanh liệt của quân và dân Hà Nội, Đại tá Dương Niết như được sống lại năm tháng hào hùng đó. “Tôi mong rằng, âm hưởng của bản hùng ca Hà Nội chiến đấu và chiến thắng vẫn luôn vang vọng tới mọi thế hệ, nhất là những thế hệ trẻ để họ tiếp nối truyền thống đầy tự hào của cha ông, xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp, hiện đại”, Đại tá Dương Niết mong muốn.
Huyền Trang